Hội nghị tổng kết Kết luận 30-KL/TU ngày 26-4-2016 của Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố về đẩy mạnh thu hút đầu tư vào thành phố Đà Nẵng (2016-2020) và kết quả 3 năm triển khai kế hoạch “Năm đẩy mạnh thu hút đầu tư” (2018-2020) tổ chức mới đây đã đề cập đến việc huy động các nguồn lực, trong đó có nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực nhằm góp phần thu hút đầu tư, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế-xã hội. Báo Đà Nẵng có cuộc trao đổi với PGS.TS Nguyễn Ngọc Vũ, Giám đốc Đại học (ĐH) Đà Nẵng về nội dung này.
PGS.TS Nguyễn Ngọc Vũ |
* Là ĐH vùng, trọng điểm quốc gia, có truyền thống đào tạo nguồn nhân lực hơn 45 năm qua, thời gian đến, ĐH Đà Nẵng có những định hướng, giải pháp gì để nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực, góp phần thu hút đầu tư, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế - xã hội, thưa ông?
- Thừa hưởng lợi thế đóng chân trên địa bàn Đà Nẵng, thành phố năng động, giàu tiềm năng và đang phát triển mạnh mẽ, ĐH Đà Nẵng luôn xác định nhiệm vụ ưu tiên hàng đầu là đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao “phục vụ cho sự phát triển vùng và đất nước”, trước hết là đáp ứng nhu cầu nhân lực theo tinh thần Nghị quyết số 43-NQ/TW của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển thành phố Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Về mục tiêu đào tạo, ĐH Đà Nẵng đã chuyển hướng từ đào tạo nhắm đến việc làm sẵn có sang hun đúc tinh thần khởi nghiệp, sáng tạo. Đó chính là đào tạo nên thế hệ sinh viên (SV) mới có đủ phẩm chất, tư duy sáng tạo, có năng lực làm việc tự chủ, có khả năng dẫn dắt, lãnh đạo để không chỉ tự tạo việc làm cho mình mà còn đem lại nhiều cơ hội việc làm, khởi nghiệp vì cộng đồng; tập trung nâng cao chất lượng đào tạo để SV tốt nghiệp chủ động thích ứng, hội nhập và cạnh tranh cao trên thị trường lao động trong nước và quốc tế.
Về ngành nghề đào tạo, ĐH Đà Nẵng định hướng dựa trên nền tảng giáo dục STEM (kết hợp giữa khoa học công nghệ - kỹ thuật và toán học), các ngành mũi nhọn, công nghệ cao, công nghệ nguồn và các dịch vụ có nhu cầu nhân lực lớn, phù hợp với xu thế toàn cầu hóa, bám sát các lĩnh vực, ngành nghề như Nghị quyết số 43-NQ/TW đã chỉ rõ. Chúng tôi tự hỏi vì sao chưa có nhiều nhà đầu tư nước ngoài, nhất là các tập đoàn lớn đến đầu tư sản xuất tại Đà Nẵng cũng như các địa phương của miền Trung. Có nhiều nguyên nhân nhưng phải chăng, có nguyên nhân do nguồn nhân lực tại đây chưa đáp ứng được yêu cầu của nền sản xuất mới? Từ những trăn trở đó, chúng tôi đã điều chỉnh chiến lược, đề ra mục tiêu và giải pháp nhằm tập trung nâng cao chất lượng đào tạo và nghiên cứu khoa học. Một là, thúc đẩy quan hệ hợp tác giữa nhà trường và doanh nghiệp. Đây là mối quan hệ hữu cơ, có ý nghĩa quyết định đến sự phát triển bền vững của cả hai bên. Chúng tôi mong muốn doanh nghiệp đồng hành với nhà trường ngay từ khâu thiết kế chương trình, mở ngành đào tạo mới, đầu tư cơ sở vật chất, phòng thí nghiệm, cử chuyên gia hướng dẫn SV thực hành để sớm tiếp cận công nghệ mới ngay trên giảng đường, rút ngắn khoảng cách giữa đào tạo và thực tiễn, giảm bớt thời gian, chi phí đào tạo lại để SV khi ra trường có thể hòa nhập, thích ứng nhanh với môi trường sản xuất, kinh doanh hiện đại, chuyên nghiệp. Hai là, đưa các hoạt động đổi mới, sáng tạo trở thành nếp văn hóa của nhà trường. Những chuyển động tích cực, nhộn nhịp trong hoạt động khoa học công nghệ (KHCN) của thầy và trò ĐH Đà Nẵng thời gian qua đã cho thấy thành công bước đầu của chiến lược này. Số công trình, giải thưởng, công bố quốc tế về nghiên cứu khoa học, đổi mới sáng tạo của giảng viên, SV tăng mạnh. Ngày càng xuất hiện nhiều ý tưởng, sản phẩm KHCN có tính ứng dụng, hữu ích, thiết thực giải quyết các vấn đề thực tiễn đặt ra. Điều này đã tạo nên những chuyển biến mạnh mẽ trong đổi mới chương trình, phương pháp giảng dạy, góp phần nâng cao chất lượng đào tạo.
Trong kế hoạch sắp tới, chúng tôi rất mong Sở Giáo dục và Đào tạo, Sở Khoa học-Công nghệ và Liên hiệp các hội Khoa học và Kỹ thuật thành phố cùng phối hợp chặt chẽ để vun đắp “nền móng” giáo dục STEM, tăng cường đào tạo ngoại ngữ, tin học và kỹ năng mềm cho học sinh, SV để các em sớm tiếp cận tri thức, công nghệ và các phương pháp dạy-học tích cực ngay từ bậc học phổ thông.
Ba là, cần xúc tiến xây dựng “Đề án tổng thể quy hoạch, phát triển nguồn nhân lực để phát triển Đà Nẵng giai đoạn 2021-2025, tầm nhìn đến năm 2030” theo Nghị quyết số 43, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ lần thứ XXII và các chương trình hành động của UBND thành phố. Trước mắt, theo tôi, cần phối hợp chặt chẽ giữa “ba nhà”: doanh nghiệp dự báo, đặt hàng nhu cầu nhân lực; Nhà nước dự báo, quy hoạch các dự án đầu tư trọng điểm; nhà trường xác định ngành nghề, chỉ tiêu và tập trung đào tạo có địa chỉ sử dụng nguồn nhân lực, có lộ trình, phân kỳ đối với mỗi dự án trọng điểm, gắn với các địa chỉ “khát” nhân lực chất lượng cao, các đề án, dự án trọng điểm mà thành phố đang xúc tiến, triển khai.
Trong năm 2020, Đại học Đà Nẵng khởi công xây dựng Trung tâm Đào tạo y dược - công nghệ thuộc Đại học Đà Nẵng. Ảnh: NGỌC PHÚ |
* Để hiện thực mục tiêu, chiến lược và hoàn thành sứ mệnh đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, phục vụ yêu cầu phát triển thành phố như ông vừa nêu, ĐH Đà Nẵng có những đề xuất, kiến nghị gì?
- ĐH Đà Nẵng đánh giá cao quyết tâm, tầm nhìn chiến lược và những quyết sách của lãnh đạo Thành ủy, HĐND và UBND thành phố đã thẳng thắn, nhận diện và khắc phục những hạn chế trong thu hút đầu tư, khôi phục tăng trưởng kinh tế để tạo đà phát triển nhanh và bền vững trong thời kỳ mới. Những ý kiến tâm huyết, thể hiện ý chí, nguyện vọng của doanh nghiệp, các nhà đầu tư tại hội nghị thành phố tổng kết Kết luận 30-KL/TU ngày 26-4-2016 về đẩy mạnh thu hút đầu tư, cho thấy thành phố chúng ta còn nhiều tiềm năng và lợi thế để thu hút đầu tư. Cần có thêm nhiều giải pháp đột phá, cách làm mới, trong đó chú trọng đảm bảo môi trường đầu tư, tập trung thu hút các dự án trọng điểm, phát huy vai trò của các trường đại học để phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, nhất là các ngành mũi nhọn, công nghệ cao, dịch vụ sẽ tạo ra đột phá, giá trị gia tăng lớn, phù hợp với những định hướng đưa Đà Nẵng trở thành “trung tâm đổi mới sáng tạo”, “đô thị thông minh”.
Để phát huy tốt nhất vai trò, sứ mệnh của mình, đóng góp tích cực, hiệu quả hơn nữa cho Đà Nẵng, ĐH Đà Nẵng mong muốn, đề xuất thành phố tiếp tục ủng hộ mạnh mẽ, cùng thể hiện tiếng nói đối với Trung ương xúc tiến triển khai “Đề án thành lập Đại học quốc gia Đà Nẵng” (trên cơ sở ĐH Đà Nẵng và một số trường đại học trên địa bàn, bao gồm cả Đề án sáp nhập Trường ĐH Quảng Nam trở thành trường ĐH thành viên của ĐH Đà Nẵng).
Sự ra đời của một ĐH quốc gia tại Đà Nẵng không chỉ xuất phát từ bề dày truyền thống, tiềm lực và vị thế vững chắc của ĐH Đà Nẵng trong hệ thống giáo dục ĐH nước nhà mà còn từ yêu cầu cấp thiết, khách quan, sẽ là một “đột phá” đưa Đà Nẵng xứng tầm “trung tâm kinh tế - xã hội lớn của cả nước và khu vực Đông Nam Á; là trung tâm khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo, giáo dục - đào tạo và khoa học - công nghệ” như Nghị quyết số 43-NQ/TW đề ra. ĐH Đà Nẵng cũng kiến nghị Trung ương, thành phố Đà Nẵng, tỉnh Quảng Nam cũng như cộng đồng doanh nghiệp trong và ngoài nước quan tâm, ủng hộ, đồng hành giúp đẩy nhanh tiến độ triển khai Dự án xây dựng ĐHĐN tại phường Hòa Quý (quận Ngũ Hành Sơn, thành phố Đà Nẵng) và phường Điện Ngọc (thị xã Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam). Đây là một dự án lớn, tầm vóc quốc gia, được Thủ tướng, Chính phủ và lãnh đạo các địa phương, trong đó có thành phố Đà Nẵng hết sức quan tâm, ủng hộ. ĐH Đà Nẵng mong muốn có sự đồng hành từ các đối tác, doanh nghiệp công - tư, các nhà đầu tư trong và ngoài nước cùng tìm hiểu nhu cầu, phát triển hợp tác vì lợi ích chung trong tiến trình triển khai dự án này. Đây chính là tiền đề, đòn bẩy quan trọng để ĐH Đà Nẵng thực sự xứng tầm một trong ba trung tâm đại học của cả nước, ngang tầm khu vực và quốc tế, góp phần thu hút đầu tư, đem lại diện mạo mới, phát triển nguồn nhân lực, đóng góp tích cực cho sự phát triển của thành phố Đà Nẵng và cộng đồng doanh nghiệp.
* Cảm ơn ông!
NGỌC PHÚ thực hiện