Sẵn sàng cho năm học mới

.

ĐNO - Trước tình hình Covid-19 diễn biến phức tạp, Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) thành phố đã có kế hoạch cụ thể chuẩn bị cho năm học mới 2021-2022. Trao đổi với Báo Đà Nẵng, Giám đốc Sở GD&ĐT Lê Thị Bích Thuận cho biết, công tác chuẩn bị đã cơ bản hoàn thành, trong đó dự kiến khai giảng và học trực tuyến từ ngày 5-9.

Bà Lê Thị Bích Thuận, Giám đốc Sở GD&ĐT thành phố. Ảnh: NGỌC HÀ.
Bà Lê Thị Bích Thuận, Giám đốc Sở GD&ĐT thành phố. Ảnh: NGỌC HÀ

 * Đến nay, công tác chuẩn bị cho năm học mới trên toàn thành phố như thế nào, thưa bà?

- Công tác chuẩn bị cơ bản đã hoàn thành để thầy và trò toàn thành phố sẵn sàng bước vào năm học mới. Về công tác tuyển sinh, các trường mầm non và phổ thông đang tiến hành nhận hồ sơ (trực tuyến) của học sinh, xếp lớp và chuẩn bị cho năm học mới. 

Về chuẩn bị giáo viên, Sở GD&ĐT và UBND các quận, huyện phối hợp xây dựng kế hoạch tuyển dụng giáo viên các cấp học với tổng số 856 giáo viên. Tuy nhiên, do Covid-19 diễn biến phức tạp nên hiện chưa thể hoàn thành việc tuyển dụng và phân bổ giáo viên về các cơ sở giáo dục công lập vào đầu tháng 9.

Để bảo đảm có đủ đội ngũ giáo viên khi khai giảng vào ngày 5-9, Sở GD&ĐT và UBND các quận, huyện tạm thời hợp đồng ngắn hạn số giáo viên đã hợp đồng trong năm học 2020-2021, hợp đồng mới trong chỉ tiêu số lượng người làm việc được giao hoặc bố trí tăng giờ dạy giáo viên để bảo đảm tổ chức đầy đủ các hoạt động giáo dục theo quy định cho đến khi hoàn thành việc tuyển dụng giáo viên.

Đối với sách giáo khoa mới cho khối lớp 1, lớp 2 và lớp 6, sở chỉ đạo rà soát việc tiếp cận, trang bị đầy đủ cho học sinh, đặc biệt là học sinh khuyết tật, không để xảy ra tình trạng thiếu sách giáo khoa vào đầu năm học mới.

Đồng thời, đẩy mạnh công tác bồi dưỡng, tập huấn cho cán bộ quản lý, giáo viên theo kế hoạch, bảo đảm thực hiện các nội dung, quy định chuyên môn. Đặc biệt, chú trọng triển khai chương trình giáo dục phổ thông 2018 cho lớp 6 theo đúng quy định; bảo đảm 100% giáo viên giảng dạy chương trình lớp 1, 2, 6 năm học 2021-2022 đều được tập huấn, bồi dưỡng sử dụng sách giáo khoa.

* Việc chuẩn bị cơ sở vật chất cho năm học này thì sao, thưa bà?

- Sở GD&ĐT phối hợp UBND các quận, huyện tập trung nguồn lực nhằm đẩy nhanh tiến độ thực hiện các chương trình, đề án về tăng cường cơ sở vật chất, bảo đảm đủ phòng học theo lộ trình; ưu tiên bố trí phòng học để 100% học sinh lớp 1, lớp 2 được học 2 buổi/ngày trong năm học 2021-2022; xây dựng, bổ sung phòng học, phòng chức năng, phòng thư viện; mua sắm bổ sung bàn ghế học sinh, máy tính, bộ thiết bị phòng học ngoại ngữ, bộ thiết bị dạy học tối thiểu khối lớp 2, lớp 6.

Đồng thời, lập kế hoạch kinh phí phục vụ đổi mới chương trình giáo dục phổ thông 2018; bổ sung các thiết bị dạy học, thiết bị dạy học tối thiểu cho lớp 6 năm học 2021-2022, giáo dục STEM... 

Năm học 2021-2022 nhiều trường học được đầu tư cơ sở vật chất. Trong ảnh: Trường Tiểu học Võ Thị Sáu (quận Hải Châu) được đầu tư xây dựng năm 2021-2022. Ảnh: NGỌC HÀ.
Năm học 2021-2022, nhiều trường học được đầu tư cơ sở vật chất khang trang. Trong ảnh: Trường Tiểu học Võ Thị Sáu (quận Hải Châu) được đầu tư xây dựng năm 2021-2022. Ảnh: NGỌC HÀ

Triển khai Nghị quyết số 35/NQ-CP ngày 6-6-2019 của Chính phủ về tăng cường huy động các nguồn lực của xã hội đầu tư cho phát triển GD&ĐT, sở kịp thời tham mưu thành phố quan tâm đầu tư cơ sở vật chất, mua sắm trang thiết bị, trong đó ưu tiên cấp mầm non, tiểu học và bảo đảm thiết bị tối thiểu theo lộ trình đổi mới chương trình, sách giáo khoa; ban hành công văn số 1621/SGDĐT-KHTC ngày 31-5 về việc xây dựng kế hoạch phát triển giáo dục, dự toán ngân sách Nhà nước năm 2022 và kế hoạch ngân sách 3 năm 2022-2024.

Ngoài ra, do dịch bệnh, hiện nay, nhiều trường học được sử dụng làm khu cách ly tập trung để phòng, chống Covid-19. Cụ thể, có 19 trường, trong đó quận Hải Châu 6 trường, Thanh Khê 2 trường, Ngũ Hành Sơn 2 trường, Cẩm Lệ 2 trường, Sơn Trà 9 trường nên chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến việc khai giảng năm học mới. Căn cứ vào diễn biến dịch bệnh, Sở GD&ĐT sẽ tham mưu UBND thành phố quyết định thời gian dừng tiếp nhận người vào cách ly tại các điểm cách ly y tế là trường học để có thời gian vệ sinh trường, lớp, chuẩn bị cho năm học mới.

* Được biết, sau lễ khai giảng trực tuyến vào ngày 5-9, các trường sẽ triển khai dạy học trực tuyến, bà có thể cho biết cụ thể hơn về vấn đề này?

- Sở GD&ĐT chỉ đạo các trường học triển khai cho các tổ biên soạn chương trình, lập kế hoạch từng môn học theo hướng dẫn.

Tuy nhiên, tính đến ngày 12-8, toàn thành phố có 8 giáo viên, 96 học sinh diện F0; 24 giáo viên, 187 học sinh diện F1; 107 giáo viên, 427 học sinh diện F2, 1.560 giáo viên và 20.207 học sinh ở khu vực cách ly y tế. Điều này chắc chắn ảnh hưởng đến việc tổ chức dạy - học vào đầu năm học.

Hơn nữa, tình hình Covid-19 diễn biến phức tạp nên học sinh chưa thể đến trường buộc phải tính đến việc tổ chức dạy - học trực tuyến.

Nhiều ý kiến cho rằng, việc tổ chức dạy - học trực tuyến còn nhiều bất cập, đặc biệt là học sinh lớp 1 còn quá nhỏ. Vậy sở có giải pháp gì, thưa bà?

- Chúng tôi cũng nhận ra việc tổ chức dạy - học trực tuyến còn nhiều bất cập. Chẳng hạn, điều kiện của mỗi khu vực dân cư, mỗi cấp học, mỗi trường, mỗi lớp, mỗi học sinh khác nhau nên khó áp dụng đồng bộ một phương pháp. Hơn nữa, phương pháp này cũng gây nhiều băn khoăn, lo lắng trong việc quản lý, hỗ trợ con cái của phụ huynh, đặc biệt là với học sinh nhỏ tuổi.

Dạy - học không chỉ là việc truyền đạt kiến thức mà còn nhiều vấn đề kết hợp như cảm xúc, kỹ năng, phương pháp… nên dạy - học trực tuyến kéo dài khó phát huy hiệu quả tối đa. Nhiều báo cáo khoa học đã chứng minh, việc học sinh phải học trực tuyến kéo dài ít nhiều sẽ có ảnh hưởng tâm lý, gây căng thẳng, ức chế cho học sinh. 

Do đó, Sở GD&ĐT xác định dạy - học trực tuyến là một hình thức hỗ trợ chứ không phải là chủ đạo. Hai tuần đầu tiên sau khai giảng, việc dạy - học trực tuyến chủ yếu là giới thiệu chương trình, sách giáo khoa, phương pháp học tập và củng cố kiến thức cũ. Sau đó, nếu tình hình dịch bệnh chưa được kiểm soát, sở sẽ có hướng dẫn cụ thể về việc dạy - học bài mới trực tuyến cho học sinh trên cơ sở quy định, hướng dẫn của Bộ GD&ĐT.

Riêng đối với lớp 1, trong “Tuần lễ làm quen”, nhà trường chỉ đạo các giáo viên lựa chọn những nội dung kiến thức, kỹ năng cốt lõi, cần thiết, hướng dẫn phụ huynh tổ chức giáo dục học sinh ở nhà phù hợp với điều kiện của gia đình nhằm chuẩn bị cho học sinh sẵn sàng vào học lớp 1. Sau tuần làm quen, khi vào chương trình nhưng học sinh chưa đến trường, các trường hướng dẫn giáo viên điều chỉnh kế hoạch, nội dung phù hợp, soạn bài dạy học qua Internet phù hợp với thực tế, chú trọng đến đọc, viết và tính toán cho học sinh.

Sở GD&ĐT cũng chỉ đạo các đơn vị trường học xây dựng kế hoạch triển khai phương án tổ chức dạy học bằng hình thức trực tuyến như chuẩn bị đường truyền, mạng, thiết bị, phần mềm (Zoom, VnEdu,  Microsoft Team …), tập huấn sử dụng phần mềm cho giáo viên, thành lập đội ngũ hỗ trợ kỹ thuật tại các đơn vị…

Chúng tôi kêu gọi sự hỗ trợ, hợp tác và sẻ chia của phụ huynh, nhất là phụ huynh của học sinh bậc học nhỏ, trong giai đoạn học sinh học trực tuyến để cùng nhau vượt qua thời điểm khó khăn do ảnh hưởng của Covid-19.

* Xin cảm ơn bà!

NGỌC HÀ thực hiện

;
;
.
.
.
.
.
Liên kết hữu ích