Trần Quế Sơn - Thênh thang một cõi…

.

Không quan tâm đến hào quang, Trần Quế Sơn thích cuộc sống yên bình, trải mình với thiên nhiên, với mộc mạc, chân tình của quê hương… Để rồi từ trong nơi chốn ấy, anh thênh thang mở rộng tâm hồn đón nhận những cung bậc cảm xúc, vỡ òa những đề tài lạ, giàu tính nhân văn, triết lý sống để sáng tác ca khúc thật hay “hát chơi” và cống hiến cho nền tân nhạc dân tộc.

“Cõi quê” gồm các ca khúc cảm phổ thơ Bùi Giáng để tưởng niệm 20 năm ngày giỗ thi sĩ Bùi Giáng.  (Ảnh nhân vật cung cấp)
“Cõi quê” gồm các ca khúc cảm phổ thơ Bùi Giáng để tưởng niệm 20 năm ngày giỗ thi sĩ Bùi Giáng. (Ảnh nhân vật cung cấp)

Nặng tình xứ Quảng

Với người dân xứ Quảng, cái tên Trần Quế Sơn trở nên thân thuộc khi các ca khúc của anh như: Tình quê, Yêu cái mặn mà, Cõng mẹ đi chơi… đã chạm vào trái tim mỗi người một thứ tình cảm dung dị, đời thường.

Cách đây khá nhiều năm, lần đầu tiên tôi nghe Tình quê, Yêu cái mặn mà không phải từ giọng hát của các ca sỹ mà bằng chất giọng đặc trưng xứ Quảng của ba tôi, mẹ tôi. Kèm theo đó là những lời khen ngợi “Còn trẻ rứa mà cái chi của Quảng Nam cũng đưa vào bài hát sâu lắng, nhẹ nhàng”, “Mi dân Quảng Nam mà không biết bài ni hè, lo nghe mấy nhạc chi chi mô”…

Từ đó, tôi cũng bắt đầu nghe, hát những bài hát này và để ý đến những bài hát khác của nhạc sĩ đồng hương. Cho đến khi bài hát Cõng mẹ đi chơi của Trần Quế Sơn được anh Duy Dũng, một người con Hội An chọn tham gia cuộc thi Tiếng hát mãi xanh 2013 và giành giải quán quân thì bài hát này đã len lỏi trong mọi ngóc ngách của người dân Hội An.

Ngày ấy, không ai bảo ai, từ cán bộ, công chức đến người dân lao động- đặc biệt tiểu thương chợ Hội An, kêu gọi nhau gửi tin nhắn bình chọn cho Duy Dũng. Với họ, khi ấy, tác giả và người thể hiện bài hát không còn là cá nhân mà là đại diện cho cả quê hương Quảng Nam.

Để được yêu quý như thế, hẳn nhiên Trần Quế Sơn đã “giải tỏa” được khát khao của nhiều người muốn bày tỏ xúc cảm về quê hương qua ca từ. Và không nằm ngoài đoán định, khi nhắc về Quảng Nam, mạch nguồn cảm xúc của Trần Quế Sơn cứ thế tự trào.

“Thôn ở Lộc Đại, Quế Hiệp, Quế Sơn, nhắc đến nơi đây tôi cứ muốn chạy ra đồng, leo lên núi, nằm trên đá, lội xuống suối khe, trèo lên ngọn cây nhìn ra đồi chiều vàng nắng, nhìn cuối phương ngàn rừng núi mộng mây buông… Bóng cha bên bờ ao, bóng mẹ bên thềm đợi tôi về… lúc nào cũng yêu thương, nhớ quê hương quá đỗi, cứ muốn khóc òa như trẻ thơ”, nhạc sĩ tâm sự.

Trần Quế Sơn cho biết, cái nghèo của tuổi thơ, tâm hồn lãng mạn khiến anh ham đọc sách từ bé. Anh đọc sách tiểu thuyết và phê bình văn học từ thuở học THCS và có lẽ đó là lợi thế về ca từ khi sáng tác nhạc.

Hơn nữa, năng khiếu âm nhạc được thừa hưởng từ ông ngoại - một nghệ sĩ đàn cổ kỳ tài đã làm nên âm nhạc Trần Quế Sơn trữ tình lãng mạn, ca từ đạt được nhiều “đức” trong thơ văn, nội dung tác phẩm thể hiện tâm hồn thuần khiết, hồn nhiên của người nhận biết mình. Ngoài ra, Trần Quế Sơn còn là một nhạc sĩ hòa âm, phối khí diễn tấu được nhiều loại nhạc cụ, từng là tổng đạo diễn của một số chương trình đại nhạc hội có tầm vóc.

Phiêu bồng với “Cõi quê”

Vào giai đoạn sự nghiệp đang mở ra nhiều cơ hội thành công nhất, năm 2011, Trần Quế Sơn lại giã từ Thành phố Hồ Chí Minh, chọn Đà Nẵng để làm cuộc trở về. Sơn bảo, anh về để chăm sóc ba mẹ và thích nơi yên bình, tĩnh lặng như Đà Nẵng, khi buồn thì ôm đàn ngồi hát nghêu ngao một mình với sao khuya và sóng vỗ.

Với anh, quê nhà vẫn là ân tình da diết nhất. Cũng là chốn để mà nương náu, mà an yên, mà thở than, mà bay bỗng với những giấc mơ, mà thành thật, với chính mình và cả cuộc đời.

“Tôi không quan tâm hào quang, tôi chỉ biết sáng tác âm nhạc cho hay để hát chơi, để cống hiến ca khúc cho nền tân nhạc dân tộc mình. Âm nhạc của tôi khơi gợi cho mọi người yêu quê hương, yêu dân tộc, yêu con người và sống hồn nhiên.

Tôi luôn tìm thấy những đề tài lạ, giàu tính nhân văn, triết lý sống; gởi gắm vào các tác phẩm như Cõng mẹ đi chơi, Tre Việt Nam, Con cóc, Con rùa, Cắt tóc, Dùi chiêng, Yêu cái mặn mà... Đó là lý do các ca khúc tôi ít nổi tiếng rầm rộ, nhưng khi thính giả đã cảm nhận được thì sẽ yêu thích bền lâu. Nhiều ca khúc đã sống được gần 20 năm rồi đấy thôi”, anh tâm sự.

Theo quan điểm của Trần Quế Sơn, với thời đại bùng nổ mạng xã hội, Youtube bây giờ thì không nhất thiết phải ở Thành phố Hồ Chí Minh, dù có ở trong am trên núi mà sáng tác hay vẫn phổ biến ca khúc được.

Vì thế, từ ngày trở về Đà Nẵng, anh vẫn sáng tác và vẫn đang cố để đi tìm một tứ khác. Có đôi khi người ta thấy anh khá yên ắng. Nhưng từ sâu thẳm của lặng im, của những thời khắc, khoảng không tĩnh tại này, anh chuẩn bị cho một cuộc chơi khác, thú vị hơn, gập ghềnh hơn. Nó, chắc chắn, không phải trong cái vùng an toàn để nhắm mắt kéo dài một cuộc vui đã cũ, của cái dĩ vãng lóng lánh tụng xưng…

Trần Quế Sơn trở lại cuộc chơi với liveshow “Cõi quê” tại Nhà hát Thành phố Hồ Chí Minh vào ngày 24-8-2018. Trong “Cõi quê”, anh dành một phần các ca khúc phổ thơ Bùi Giáng trước đây để tưởng niệm 20 năm ngày giỗ thi sĩ Bùi Giáng; còn lại có rất nhiều các ca khúc mới của anh như:

Hạt sương và cọng cỏ, Con cóc, Con rùa, Nàng Tiên của đời anh… Được biết, năm 2011, anh đã từng thực hiện DVD các ca khúc từ ý thơ Bùi Giáng mang tên “Ôi một người con gái” và nay tiếp tục mang lên trình diễn trên sân khấu lớn.

Nhạc sỹ Trần Quế Sơn có một niềm say mê đặc biệt với thơ Bùi Giáng và anh cho rằng đã tìm thấy sự đồng điệu phần nào trong suy ngẫm về cuộc đời với thi sĩ họ Bùi. (Ảnh nhân vật cung cấp)
Nhạc sỹ Trần Quế Sơn có một niềm say mê đặc biệt với thơ Bùi Giáng và anh cho rằng đã tìm thấy sự đồng điệu phần nào trong suy ngẫm về cuộc đời với thi sĩ họ Bùi. (Ảnh nhân vật cung cấp)

Khi hỏi điều gì khiến anh si mê thơ Bùi Giáng đến vậy, câu trả lời của Trần Quế Sơn lại là sự bày tỏ niềm vui khi được biết nhà thơ Bùi Giáng được dùng đặt tên cho một con đường ở Đà Nẵng. “Tôi không biết cái ông mô đề xuất trong việc đặt  tên đường Bùi Giáng tại quận Cẩm Lệ, làm lòng tôi vui quá.

Đáng lẽ Quảng Nam phải đặt tên đường Bùi Giáng trước chứ hỉ?”, Sơn nói. Rồi anh tiếp tục câu chuyện về thi sĩ Bùi Giáng. Với anh, thơ Bùi Giáng thánh thiện, nhất quán, thơ mộng, độc đáo, đọc đi đọc lại vẫn yêu thích; mỗi lần đọc lại cảm xúc dâng trào; thơ ông đích thực là thơ, cả một rừng thơ cho anh tha hồ phổ nhạc.

Cố thi sĩ Bùi Giáng còn là dịch giả kỳ tài 5 thứ tiếng, sách dịch của ông như: Cõi người ta, Ngộ nhận, Hoàng tử bé, Mùi hương xuân sắc, Dưỡng chất trần gian… văn chương kỳ tuyệt làm anh say mê không thể tả xiết. May mắn là đồng hương của ông, nên anh có điều kiện cảm nhận thiên nhiên, con người nhiều phần giống ông.

“Bùi Giáng đã gợi cho tôi suy ngẫm biết bao điều về cõi người ta, về sự trùng ngộ, ly biệt; về cuộc ở, đi; về cái có và không có; về hương sắc mong manh của đời… Những bài thơ huyền diệu thay, tôi cứ đọc như hát, hát như ngâm, ngâm như tiếc nuối sao ông không ở lại yêu trần gian mãi mãi”, anh chia sẻ.

Cũng theo anh, nhạc sĩ nào có khả năng vịnh thơ Bùi Giáng, viết thêm ca từ từ những bài thơ của ông và có cách sống gần gũi giống ông sẽ phổ hay về thơ ông. Thơ ông, mỗi người cảm nhận theo khả năng của mình, cảm xúc của mình. “Còn tôi, tôi phổ thơ ông bằng âm nhạc và tâm hồn của tôi. Giờ đây, tôi thấy mình giống con Rùa, thấy: “Nước là nước có khi không là nước/Lệ là sương có lúc là hột mưa…””, anh nói.

Trần Quế Sơn tâm sự, sau liveshow “Cõi quê”, điều anh muốn nhất là về với mẹ, nằm ngủ một giấc thật ngon bên bờ suối. Sau đó lại ngao du nhiều nơi và tiếp tục sáng tác…

Liveshow “Cõi quê” được tổ chức tại Nhà hát TP. Hồ Chí Minh lúc 20 giờ10 phút ngày 24-8-2018 (trực tiếp trên sóng Đài PT-TH Vĩnh Long) có quy mô lớn với sự tham gia của nhiều nghệ sỹ, ca sỹ nổi tiếng, được biên đạo và dàn dựng công phu. Với sự tham gia của Ban nhạc Dũng Dalat (gồm 15 nghệ sĩ) và NSND đàn cổ Thanh Hải; biên đạo múa Phúc Hùng, Phúc Hải và đông đảo diễn viên múa minh họa của Nhà hát Giao hưởng TP.Hồ Chí Minh.

Chương trình quy tụ nhiều ca sỹ nổi tiếng và được mến mộ như: Tùng Dương, Đức Tuấn, Phạm Anh Khoa, Hồ Trung Dũng, Hoàng Nguyên, Võ Hạ Trâm, Uyên Nguyên, Phương Trinh Jolie, Dương Hồng Loan-Lê Sang, Trúc Lai, Dàn hợp xướng SaiGon Choir, Nhóm bè Cadillac. Đặc biệt, đạo diễn Tuấn Lê, phó đạo diễn Diễm Hương với những ý tưởng minh họa sân khấu rất lạ sẽ góp phần mang lại thành công cho đêm nhạc.

Trần Quế Sơn (tên thật là Trần Văn Tám), sinh năm 1972, quê nhà dưới chân núi Hòn Tàu (xã Quế Hiệp, huyện Quế Sơn, Quảng Nam), tốt nghiệp chính quy Khoa Sáng tác Nhạc viện TP. Hồ Chí Minh, hội viên Hội Nhạc sĩ Việt Nam. Trần Quế Sơn phát hành 6 album: Saigon Twist, Vì anh đấy thôi, Thôn nữ, Một thời dấu yêu, Cõng mẹ đi chơi, Tình ca Quảng Nam…

Anh nhận được một số giải thưởng tiêu biểu: Giải nhì Hội Nhạc sĩ Việt Nam, 2004: ca khúc Tre Việt Nam; Giải ba Hội Nhạc sĩ Việt Nam, 2005: ca khúc Mưa gió biên cương; Giải nhất Hội Nhạc sĩ Việt Nam, 2004: ca khúc Cõng mẹ đi chơi. Anh còn là nhạc sĩ hòa âm phối khí, ca sĩ giọng baritone nam trung trữ tình.

Ngọc Hà
 

;
.
.
.
.
.
.