Quá trình đô thị hóa ở Đà Nẵng trong những năm gần đây đã lan rộng ra các vùng ngoại thành, đặc biệt là huyện Hòa Vang. Điều này thúc đẩy quá trình phát triển kinh tế-xã hội của huyện, trong đó có 2 xã Hòa Phú và Hòa Bắc - nơi có đồng bào Cơ tu sinh sống, đồng thời cũng đặt ra nhiều thách thức trong quá trình phát triển.
Trình diễn múa tung tung-da dá tại Liên hoan “Văn hóa - Thể thao và Phục dựng lễ hội truyền thống người Cơ tu”. Ảnh: NGỌC HÀ |
...Được tiếp cận các luồng thông tin giúp người Cơ tu có thể nhanh chóng cập nhật, tiếp thu giá trị mới và lan tỏa các giá trị của dân tộc mình. Tuy nhiên, sự giao thoa văn hóa cũng khiến đồng bào Cơ tu dễ dàng đánh mất những giá trị, bản sắc cũ, đặc trưng truyền thống của mình. Những thay đổi ở Phú Túc, Giàn Bí, Tà Lang có thể được tổng kết bởi hai tác nhân chính. Đó là, sự tác động của Nhà nước qua hệ thống chính sách, dự án về sự phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội đã tạo nên môi trường sống mới: cơ sở hạ tầng, điều kiện vật chất, giao lưu, cư trú xen cài, nguồn vốn đầu tư sản xuất...
Tâm lý mong muốn, nhu cầu về sự đổi thay cuộc sống của chính bản thân người dân trong sự lựa chọn và tiếp nhận những giá trị mới (khoa học kỹ thuật, phương tiện đi lại, tiện nghi sinh hoạt, hoạt động văn hóa...). Những suy nghĩ hay phản ứng của họ về sự đổi thay cho thấy sự thắng thế của chiều hướng tiếp nhận những yếu tố mới so với bảo lưu giá trị truyền thống (sẵn sàng mua sắm tivi, xe máy nhưng lưỡng lự mua một bộ chiêng hay trang phục truyền thống).
Quá trình này vừa mang tính chất tự nguyện, vừa là sự “ép buộc” từ phía chính quyền (chủ trương, chính sách). Xu hướng này có thể phân biệt một cách tương đối trên một số lĩnh vực của người Cơ tu ở Phú Túc qua lĩnh vực đời sống vật chất và tinh thần. Chính vì thế, ở đây có hiện tượng “lưỡng văn hóa” trong đời sống của người dân, do sự biến đổi nửa vời. Về hiện tượng này, có thể lý giải rằng, hiện nay, những điều kiện bảo đảm đời sống của họ đã đổi thay, họ không chịu sự quản chế của phong tục tập quán truyền thống. Khác với trước đây, sự đè nặng của phong tục khiến người dân hầu như không có nhiều sự lựa chọn, dù không đủ khả năng kinh tế cũng phải tích cóp nhiều năm hoặc vay mượn.
Tổ chức xã hội của người Cơ tu theo mô hình ngôi làng cổ truyền đang đổi thay cơ bản. Hiện nay, tính chất khép kín của làng đã thay đổi. Xã hội tộc người Cơ tu đang tồn tại song song một cách không chính thức hai bộ máy quản lý: bộ máy hành chính Nhà nước (dựa trên pháp luật) và bộ máy tự quản truyền thống (dựa trên kinh nghiệm, luật tục) bởi hai đại diện là trưởng thôn và trưởng/già làng. Bộ máy quản lý xã hội cổ truyền vẫn còn tồn tại với vai trò là lực lượng góp phần bổ sung và tăng cường hiệu lực cho bộ máy quản lý hiện nay.
Tuy nhiên, ở đây đã có sự thay đổi của phương thức quản lý theo xu hướng hành chính hóa, tổ chức quản lý mới quy củ, bầu cử, chuyên môn hóa. Vai trò của già làng đã thay đổi rõ rệt cùng với sự xuất hiện và khẳng định vai trò quản lý hành chính của trưởng thôn. Nếu trước đây đồng bào rất coi trọng vai trò của già làng với kinh nghiệm và hiểu biết thực tiễn thì ngày nay, trình độ nhận thức chính trị, học vấn, kiến thức quản lý được đề cao. Vì vậy, tiêu chí đối với chức danh thôn trưởng không quá chú trọng yếu tố tuổi tác, bởi bên cạnh còn có các già làng đóng vai trò cố vấn không chính thức.
Hiện nay, ở cả 3 thôn Phú Túc (xã Hòa Phú), Giàn Bí và Tà Lang (xã Hòa Bắc) đều có nhà cộng đồng được xây dựng theo kiến trúc truyền thống (dựa theo mô hình của nhà Gươl của người Cơ tu ở Đông Giang). Tuy nhiên, các ngôi nhà cộng đồng này được xây dựng theo kiểu nhà Gươl cách tân, rất xa lạ với hình ảnh ngôi nhà công cộng truyền thống của đồng bào Cơ tu. Chính vì thế, những ngôi nhà cộng đồng này chỉ đơn giản là nơi hội họp khi có những việc hành chính, còn lại chức năng sinh hoạt văn hóa, lễ hội của ngôi nhà Gươl cộng đồng thì gần như không có. Ngôi nhà Gươl hiện tại ở xã Hòa Phú và Hòa Bắc có sự thay đổi trên nhiều phương diện, từ kiến trúc đến chất liệu, trang trí. Nhiều mô típ trang trí cổ truyền bị biến mất, thay thế bằng những hình vẽ trang trí chưa từng tồn tại trong tâm thức đồng bào. Điều này tạo ra cảm giác lạc lõng, xa lạ trước ngôi nhà truyền thống của mình. Vì vậy, nếu trước đây đồng bào đến Gươl hằng ngày, hằng đêm thì ngày nay họ chỉ đến khi cần thiết, khoảng 1 lần/tuần.
Bên cạnh sự biến đổi trong tổ chức xã hội là sự biến đổi về văn hóa của tộc người Cơ tu ở Hòa Vang. Nếu trước đây trong đời sống tinh thần, các hoạt động văn hóa và văn nghệ dân gian thường xuyên được diễn ra thì nay trong cộng đồng chỉ còn rất ít người (chủ yếu là người già) duy trì hoạt động này. Những làn điệu hát lý, hát giao duyên, các điệu múa Yơ yã, Tân tung, chuyện kể... dần ít được diễn xướng và thực hành. Ngay cả chiêng ché, một loại nhạc cụ quan trọng và phổ biến, đồng thời cũng là tài sản, đồ thách cưới nhưng nay vì nhiều lý do (môi trường thể hiện, mục đích sử dụng...) rất ít gia đình có nhu cầu mua sắm và sở hữu.
Các đám cưới bây giờ cũng chủ yếu kết hợp giữa phong tục của người Kinh và tập quán truyền thống. Đám tang được tổ chức như cách của người Kinh, từ nghi lễ để tang đến đưa tang, tổ chức cúng giỗ, tảo mộ vào dịp Tết. Nghi lễ bỏ mả không được thực hiện, vì thế, trong làng khó có thể tìm thấy một ngôi nhà mồ dù là theo chất liệu gì.
Tập quán vui chơi, sinh hoạt hiện nay không còn hướng đến những lễ hội trong vùng mà lại gắn với những sự kiện mang tính rộng lớn (tỉnh, vùng) như nhân dịp Quốc khánh, Ngày Quốc tế Lao động, Ngày Giải phóng Đà Nẵng, Lễ hội pháo hoa quốc tế... Ở đây có sự khác nhau về mức độ thu hút đối với các cộng đồng Cơ tu ở hai nhóm Phú Túc và Giàn Bí, Tà Lang do tính chất thuận lợi hay khó khăn về mặt giao thông và phương tiện đi lại...
Sự biến đổi trong đời sống văn hóa-xã hội của đồng bào Cơ tu là quá trình tất yếu và phổ biến với nhiều dạng thức tiếp biến, giao thoa, kế thừa, thậm chí triệt tiêu lẫn nhau... Sự tác động của các trung tâm lớn đối với các nhóm người biệt lập luôn diễn ra rất nhanh và ồ ạt, nếu không có những chính sách và chiến lược cụ thể, rất dễ đánh mất hoàn toàn yếu tố văn hóa truyền thống của các tộc người.
NGUYỄN VĂN THỦY