Phát triển thư viện, phòng đọc sách cơ sở

.

Thư viện, phòng đọc sách cơ sở là “cánh tay nối dài” của hệ thống thư viện công cộng trên địa bàn Đà Nẵng. Song, mạng lưới thư viện, phòng đọc cơ sở hiện nay không tương xứng với nhu cầu thực tế. Việc nâng cao chất lượng hoạt động, phát triển mạng lưới thư viện, phòng đọc cơ sở trong thời công nghệ số là vấn đề được đặt ra nhằm tạo không gian đọc, thư giãn và giải trí, đồng thời phát triển văn hóa đọc trong cộng đồng.

Việc phát triển mạng lưới thư viện, phòng đọc cơ sở cần được đầu tư bằng nhiều hình thức và nguồn vốn. TRONG  ẢNH: Không gian đọc sách tại The Books thu hút khá nhiều bạn đọc trẻ.Ảnh: HUỲNH LÊ
Việc phát triển mạng lưới thư viện, phòng đọc cơ sở cần được đầu tư bằng nhiều hình thức và nguồn vốn. TRONG ẢNH: Không gian đọc sách tại The Books thu hút khá nhiều bạn đọc trẻ. Ảnh: HUỲNH LÊ

Bài 1: Nơi khởi sắc, chỗ đìu hiu

Theo thống kê của Sở Văn hóa - Thể thao (VH-TT), tính đến cuối năm 2019, chỉ 14/56 phường, xã có thư viện, phòng đọc sách, báo được đặt trong trụ sở UBND, các trung tâm VH-TT, nhà sinh hoạt khu dân cư, nhà sinh hoạt cộng đồng... Trong đó, huyện Hòa Vang có 5 phòng đọc sách cơ sở ở các xã Hòa Ninh, Hòa Nhơn, Hòa Phú, Hòa Phong, Hòa Châu; quận Cẩm Lệ có 3 phòng đọc ở các phường Hòa Phát, Hòa Thọ Tây, Hòa Xuân; quận Ngũ Hành Sơn có phòng đọc tại các phường Mỹ An, Hòa Quý; quận Sơn Trà có phòng đọc tại các phường Thọ Quang, An Hải Bắc, Phước Mỹ; quận Thanh Khê có duy nhất một phòng đọc tại phường Xuân Hà. Tại quận Liên Chiểu, ngoài thư viện được đặt tại Trung tâm VH-TT, hầu hết các phường đều “trống” thư viện, phòng đọc.

Điểm sáng ở phường Xuân Hà và huyện Hòa Vang

Trên địa bàn quận Thanh Khê, Xuân Hà là phường duy nhất có phòng đọc sách, báo tại số 570 Trần Cao Vân. Được đầu tư cải tạo, nâng cấp từ năm 2017, phòng đọc sách rộng 90m2, sức chứa khoảng 30 người, có đầy đủ tường rào, cổng ngõ, trang bị bàn ghế, tủ đựng sách.

Chị Kim Liên là một trong những độc giả của phòng đọc phường Xuân Hà. Chị Liên cho biết, tuy phòng đọc nhỏ, không có nhiều sách mới và đầu sách không đa dạng, nhưng gần nhà và sạch sẽ, sách báo được sắp đặt ngăn nắp, dễ tìm kiếm nên chị thường đến. Trong dịp học sinh nghỉ học vì ảnh hưởng của Covid-19, chị đưa con của chị - cháu Nguyễn Uyên Phương (lớp 2/1, Trường tiểu học Lê Quang Sung) đến đây để đọc sách của Nhà xuất bản Kim Đồng, dần hình thành cho con thói quen đọc sách.

Ông Lê Hữu Việt, Phó Giám đốc Trung tâm VH-TT và Học tập cộng đồng phường Xuân Hà, được giao quản lý phòng đọc cho biết, trung bình mỗi tháng, phòng đọc đón khoảng 150 lượt người, hầu hết là người cao tuổi và các em thiếu nhi. Hiện có khoảng 4.000 đầu sách ở phòng đọc; phần lớn là sách cũ (chiếm 80%); không ít sách rách bìa, rách gáy, cần thanh lý.

UBND phường Xuân Hà không có kinh phí mua sách mới hằng năm mà chỉ đặt mua thường xuyên 7 đầu báo. “Nguồn sách, báo hiện nay chủ yếu là sách văn học, thiếu nhi, nông nghiệp và tìm hiểu pháp luật, đầu sách chưa phong phú nên khó thu hút bạn đọc trẻ. Do không có kinh phí mua sắm sách mới nên phòng đọc vẫn tận dụng sách cũ, huy động nguồn sách, báo trong nhân dân (chiếm 30%) cũng như dựa vào nguồn hỗ trợ, luân chuyển sách, báo từ Thư viện Khoa học Tổng hợp (KHTH) Đà Nẵng”, ông Việt nói.

Đối với huyện Hòa Vang, cùng với phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, việc Bộ Văn hóa-Thể thao & Du lịch đưa ra tiêu chí mỗi xã, thôn phải có thiết chế thư viện, tủ sách thì mới được công nhận xã văn hóa, làng văn hóa đã tạo điều kiện để một số phòng đọc cơ sở ra đời. Ngoài ra, huyện Hòa Vang còn có thư viện với diện tích sử dụng 300m2, bao gồm kho sách và phòng đọc, có máy tính kết nối internet, máy in, hơn 16.200 bản sách, gồm các loại sách, báo, tạp chí, nhưng có nhiều bản sách đã cũ, hư hỏng, cần thanh lý.

Huyện Hòa Vang cũng là địa phương có nhiều phòng đọc cơ sở nhất tính đến thời điểm này. Tuy nhiên, theo ông Lê Đinh Minh Hải, Giám đốc Trung tâm VH-TT huyện, cơ sở vật chất, con người, thiết bị ở phòng đọc còn thiếu. Hiện một số phòng đọc sách tạm ngưng hoạt động do không có cán bộ phục vụ như ở các thôn Quang Châu, Phong Nam, Đông Hòa. Số lượng cán bộ thư viện ít, nhất là cán bộ phụ trách chính ở thư viện xã và phòng đọc sách ở thôn, dẫn đến khó duy trì, mở cửa thường xuyên thư viện, phòng đọc. Bên cạnh đó, nguồn sách tại thư viện huyện chưa bảo đảm luân chuyển cho phòng đọc các thôn.

Hoạt động cầm chừng

Tại nhà bà Lê Thị Châu (số 158 Nguyễn Phan Vinh, phường Thọ Quang, quận Sơn Trà), từ cuối năm 2018, Hội LHPN quận Sơn Trà đặt một “Tủ sách cộng đồng” với vài trăm đầu sách, báo, tạp chí; được sắp xếp ngăn nắp theo các chuyên mục sách tuyên truyền, văn học, sức khỏe, truyện nước ngoài, tạp chí phụ nữ... Sau những tháng đầu khá thu hút khá đông bạn đọc, hiện nay mỗi ngày tủ sách này chỉ đón 2-3 lượt người, có ngày không có độc giả nào. Nguyên nhân một phần do đầu sách hạn chế và không được bổ sung, thay mới.

Phòng đọc sách, báo phường Xuân Hà (quận Thanh Khê) mỗi tháng đón khoảng 150 lượt bạn đọc đến sinh hoạt, đọc sách, báo. 		        							      Ảnh: HUỲNH LÊ
Phòng đọc sách, báo phường Xuân Hà (quận Thanh Khê) mỗi tháng đón khoảng 150 lượt bạn đọc đến sinh hoạt, đọc sách, báo. Ảnh: HUỲNH LÊ

Trong khi đó, tại quận Liên Chiểu, về việc hầu hết các phường đều “trống” thư viện, phòng đọc, ông Lê Văn Nghĩa, Phó Chủ tịch UBND quận lý giải, dù các phường hiện chưa có thư viện, phòng đọc cũng như đội ngũ vận hành, nhưng các nhà sinh hoạt cộng đồng đều có tủ sách pháp luật để người dân đến đọc, tìm hiểu. Bổ sung cho sự thiếu hụt này, quận Liên Chiểu đã tập trung xây dựng những thư viện trường học, tổ chức ngày hội sách, kêu gọi các mạnh thường quân hỗ trợ xây dựng thư viện quận... “Thời gian tới, chúng tôi tiếp tục khuyến khích các phường kêu gọi xã hội hóa hệ thống thư viện, phòng đọc cơ sở cũng như xây dựng các thư viện trong trường học ngày một bài bản hơn”, ông Nghĩa chia sẻ.

Ông Đỗ Như Tuấn, Phó Trưởng phòng Công tác bạn đọc, Thư viện KHTH Đà Nẵng dẫn báo cáo của thư viện này cho biết, vốn tài liệu của các thư viện, phòng đọc sách cơ sở chủ yếu từ nguồn xã hội hóa, vận động quyên góp trong nhân dân, một số khác được Thư viện KHTH Đà Nẵng tài trợ tủ sách hạt nhân nên hạn chế về số lượng, chất lượng; đa số sách tại các địa chỉ này đã cũ, lỗi thời; các thư viện, phòng đọc sách cơ sở cũng không thường xuyên tiếp nhận luân chuyển sách, báo từ thư viện tuyến quận, huyện...

Theo ông Tuấn, muốn đánh giá hiệu quả của một thư viện, phòng đọc sách cơ sở, cần xét các yếu tố như: trụ sở, trang thiết bị, vốn tài liệu, kinh phí hoạt động, nguồn nhân lực, chuyên môn nghiệp vụ (chưa nói đến vai trò của bạn đọc- PV). Qua đó, có thể thấy các thư viện, phòng đọc sách cơ sở hầu như hoạt động cầm chừng, lượt người đến thưa thớt; không được cấp kinh phí hoạt động, hoặc được phân bổ kinh phí rất ít. Nguyên nhân chủ yếu do chính quyền địa phương nhận thức chưa đúng về vai trò, vị trí của thư viện, phòng đọc sách cơ sở; cán bộ thư viện, phòng đọc sách cơ sở chủ yếu kiêm nhiệm, không có chế độ hay phụ cấp; cơ sở vật chất xuống cấp, tạm bợ, không đáp ứng nhu cầu của người sử dụng...

Số thư viện, phòng đọc cơ sở trên địa bàn Đà Nẵng từ năm 2008-2019.   					                       Đồ họa: MAI ANH
Số thư viện, phòng đọc cơ sở trên địa bàn Đà Nẵng từ năm 2008-2019. Đồ họa: MAI ANH

Chia sẻ thêm về vấn đề này, đại diện lãnh đạo Thư viện KHTH Đà Nẵng cho hay, việc xây dựng mới, phát triển các thư viện, phòng đọc sách cơ sở gặp nhiều khó khăn. Với vai trò là thư viện đầu ngành, Thư viện KHTH Đà Nẵng đang cố gắng khôi phục và phát triển mạng lưới cơ sở, nhưng vì là cơ quan chỉ đạo nghiệp vụ chuyên môn nên sự tác động có phần hạn chế.

HUỲNH LÊ

;
;
.
.
Liên kết hữu ích
.
.
.