Ngày 31-12-2020, Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định số 2283/QĐ-TTg về việc công nhận bảo vật quốc gia gồm 24 hiện vật, trong đó có hiện vật tượng Ganesha và tượng Gajasimha đang được lưu giữ tại Bảo tàng Điêu khắc Chăm Đà Nẵng. Theo giới nghiên cứu, đây là những hiện vật độc bản, có giá trị độc đáo, tiêu biểu cho nghệ thuật tôn giáo Champa và xứng đáng được công nhận là bảo vật quốc gia.
Hai tượng tại Bảo tàng Điêu khắc Chăm Đà Nẵng vừa được công nhận bảo vật quốc gia là hiện vật độc bản, có giá trị đặc biệt tiêu biểu cho nghệ thuật tôn giáo Champa. TRONG ẢNH: Học sinh thích thú tham quan tượng Gajasimha tại Bảo tàng Điêu khắc Chăm Đà Nẵng, cuối tháng 11-2020. Ảnh: HÒA BÌNH |
Theo Bảo tàng Điêu khắc Chăm Đà Nẵng, tượng Ganesha (đầu voi - mình người) được làm từ chất liệu sa thạch, có kích thước cao 95cm, dài 48cm, rộng 34cm. Tượng được phát hiện vào năm 1903 bởi Viện Viễn Đông Bác Cổ Pháp (EFEO) khi tiến hành khảo cổ tại đền - tháp E5 thuộc nhóm E (theo cách phân nhóm của các nhà khảo cổ học người Pháp) tại di tích Mỹ Sơn, tỉnh Quảng Nam. Năm 1918, tượng được đưa về lưu giữ và giới thiệu tại Bảo tàng Điêu khắc Chăm đến ngày nay. Đây là một trong những tượng tròn hiếm hoi thể hiện thần Ganesha ở dạng thức đứng, còn tương đối nguyên vẹn, có kích thước lớn và mang nhiều đặc điểm độc đáo về phong cách trong giai đoạn khoảng thế kỷ VII - VIII của nền nghệ thuật điêu khắc Champa. Trong thần thoại Ấn Độ, Ganesha là vị thần trí tuệ, may mắn và hạnh phúc, con trai của thần Shiva và nữ thần Parvati. Ganesha là một trong những vị thần cổ xưa nhất của các ngôi đền Hindu và được yêu mến nhất bởi khả năng dẹp bỏ những khó khăn, trở ngại trong cuộc sống.
Theo nhà nghiên cứu nghệ thuật Champa Trần Kỳ Phương, nguyên Giám đốc Bảo tàng Điêu khắc Chăm Đà Nẵng, trong nghệ thuật điêu khắc tôn giáo, thần Ganesha thường được thể hiện trong hình dạng một người đàn ông thấp béo, bụng phệ, có đầu voi với hai tay, bốn tay hoặc nhiều hơn. Tại Bảo tàng Điêu khắc Chăm là tượng 4 tay, nhưng lúc được tìm thấy bởi nhà khảo cổ người Pháp Henri Parmentier, tượng chỉ còn 2 tay nguyên vẹn (cầm chuỗi tràng hạt và chén mật). Bố cục của tượng Ganesha đang trưng bày tại Bảo tàng Điêu khắc Chăm rất độc đáo, trang phục, trang sức và các đường nét cũng rất chi tiết, sinh động. Vào thời Champa, kỹ thuật phù điệu tượng tròn rất hiếm và những tượng này thường được trưng bày chính trong các ngôi đền. “Đặc biệt, đây là hiện vật độc bản, được điêu khắc bằng tay nên mọi đường nét thể hiện là duy nhất, độc nhất, không giống bất cứ tượng về đề tài Ganesha nào khác trên thế giới. Do đó, tượng Ganesha của Bảo tàng Điêu khắc Chăm là một hiện vật rất quý hiếm, có giá trị văn hóa tiêu biểu và rất xứng đáng được công nhận là bảo vật quốc gia”, ông Trần Kỳ Phương khẳng định.
Tương tự, tượng Gajasimha (voi - sư tử) của Bảo tàng Điêu khắc Chăm cũng được làm từ chất liệu sa thạch, có niên đại khoảng thế kỷ XII - XIII. Hiện tại Việt Nam chỉ có 2 tượng, 1 tượng khác đang lưu giữ tại Bảo tàng Tổng hợp Bình Định. Tượng Gajasimha được tìm thấy trong cuộc khai quật tại Tháp Mẫm (tỉnh Bình Định) năm 1934 do EFEO thực hiện. Sau đó, tượng được đưa về Bảo tàng Điêu khắc Chăm từ năm 1935. Với kích thước cao 215cm, dài 100cm, rộng 84cm, tượng Gajasimha tại Bảo tàng Điêu khắc Chăm là một trong những tượng linh thú có kích thước lớn nhất và còn nguyên vẹn của nghệ thuật điêu khắc Champa. Nguyên Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Quảng Nam Hồ Xuân Tịnh (trước đây làm việc tại Bảo tàng Điêu khắc Chăm Đà Nẵng) đánh giá, tượng Gajasimha tại Bảo tàng Điêu khắc Chăm được lưu giữ, bảo quản rất tốt. Xét về mặt điêu khắc, tượng thiên về xu hướng thẩm mỹ mới trong nghệ thuật Champa, chú trọng ngoại hình nên các chi tiết được chạm trỗ rất điêu luyện, kỳ công, tinh tế.
Có thể nói, đây là tượng Gajasimha đẹp nhất của phong cách Tháp Mẫm. “Việc tượng Ganesha và tượng Gajasimha được công nhận là bảo vật quốc gia sẽ giúp công chúng có thêm hiểu biết và quan tâm hơn về lịch sử, văn hóa - nghệ thuật tôn giáo Champa tại Việt Nam. Từ đó, giúp gìn giữ, trân trọng và phát huy hơn những bảo vật đó trong tương lai”, ông Hồ Xuân Tịnh chia sẻ.
Đến nay, với 2 hiện vật được công nhận, Bảo tàng Điêu khắc Chăm đang lưu giữ và giới thiệu tổng cộng 6 bảo vật quốc gia. Những hiện vật còn lại gồm: Tượng Bồ tát Tara, Đài thờ Mỹ Sơn E1, Đài thờ Trà Kiệu (cùng công nhận năm 2012) và Đài thờ Đồng Dương (công nhận năm 2018). Ông David Edwark Clark (cựu binh Hoa Kỳ - hiện trú tại phường Phước Mỹ, quận Sơn Trà) cho biết, hằng năm, ông thường xuyên lui tới bảo tàng để tìm hiểu về các hiện vật và nghệ thuật tôn giáo Champa. “Đà Nẵng đang có 1 kho tàng di sản, bảo vật không chỉ của Việt Nam mà là của cả nhân loại, đó là những hiện vật tại Bảo tàng Điêu khắc Chăm. Sự đa dạng về số lượng, kích thước hay độ toàn vẹn của các hiện vật đều rất ấn tượng. Vì vậy, với tôi tất cả hiện vật đang trưng bày tại Bảo tàng Điêu khắc Chăm đều là báu vật. Hy vọng trong tương lai, Bảo tàng Điêu khắc Chăm Đà Nẵng sẽ có thêm nhiều hiện vật được công nhận là bảo vật quốc gia hơn”, ông David chia sẻ.
Giám đốc Bảo tàng Điêu khắc Chăm Đà Nẵng Hồ Tấn Tuấn cho biết, hiện bảo tàng đang trưng bày, giới thiệu hơn 300 hiện vật, đều có niên đại ngàn năm tuổi và giá trị tiêu biểu cho nghệ thuật tôn giáo Champa. Việc có thêm 2 hiện vật được công nhận là bảo vật quốc gia, Bảo tàng Điêu khắc Chăm kỳ vọng đây sẽ là điểm nhấn để hút công chúng đến tham quan, các nhà nghiên cứu đến tìm hiểu về các hiện vật. Để bảo tồn và phát huy các hiện vật đang có, Bảo tàng Điêu khắc Chăm luôn cẩn thận trong việc gìn giữ, bảo quản và chú trọng công tác truyền thông, giáo dục đối tượng trẻ khi đến tham quan bảo tàng. “Trong tương lai, chúng tôi sẽ tiếp tục hoàn thiện hồ sơ trình hội đồng đánh giá kiểm duyệt, để Thủ tướng Chính phủ tiếp tục công nhận các hiện vật khác của Bảo tàng là bảo vật quốc gia. Qua đó, góp phần làm phong phú thêm số lượng các bảo vật; đồng thời, giúp Bảo tàng Điêu khắc Chăm là một điểm đến ấn tượng, hấp dẫn hơn đối với người dân và du khách”, ông Hồ Tấn Tuấn cho biết.
XUÂN DŨNG