Cẩn trọng trong bảo tồn, phát huy di chỉ khảo cổ Chăm Phong Lệ

.

Dự án Bảo tàng Điêu khắc Chăm cơ sở 2 (phường Hòa Thọ Đông, quận Cẩm Lệ) do Sở Văn hóa - Thể thao thành phố làm chủ đầu tư được kỳ vọng phát huy giá trị Di chỉ khảo cổ Chăm Phong Lệ vừa được công nhận là di tích cấp thành phố. Song theo ý kiến các nhà nghiên cứu di sản, cần phải hết sức cẩn trọng trong trùng tu, xây dựng đối với công trình liên quan đến văn hóa, lịch sử.

Qua 3 lần khai quật, nhiều hiện vật có giá trị về lịch sử đã được tìm thấy ở di chỉ khảo cổ Chăm Phong Lệ. Ảnh: NGỌC HÀ
Qua 3 lần khai quật, nhiều hiện vật có giá trị về lịch sử đã được tìm thấy ở di chỉ khảo cổ Chăm Phong Lệ. Ảnh: NGỌC HÀ

Dự án Bảo tàng Điêu khắc Chăm cơ sở 2 có tổng diện tích 19.740m2 gồm 3 khu vực. Khu vực 1 (diện tích 2.653m2) của dự án đã giải tỏa đền bù, hoàn thành công tác khảo cổ; khu vực 2 (diện tích 1.626m2) chưa thực hiện đền bù giải tỏa (khu vực nối giữa khu vực 1 và khu vực 3); khu vực 3 (diện tích 15.461m2) nối từ khu vực 2 ra tuyến đường Thăng Long để kết nối khu di tích với tour du lịch đường sông. Khu vực này hiện trạng là đất bỏ trống, không khai thác.

Có hai phương án được đưa ra đối với dự án này. Phương án 1 là bảo tồn toàn bộ khu vực khảo cổ di tích Chăm Phong Lệ tại khu 1 và 2; xây công viên tại khu 3 theo định hướng là công viên chuyên đề văn hóa Chăm với các hạng mục mô phỏng công trình, kiến trúc, cảnh quan Chăm, tạo môi trường trưng bày, triển lãm và bảo tồn các giá trị phi vật thể của người Chăm; xây dựng hệ thống công trình phụ trợ, hạ tầng kỹ thuật… bảo đảm tiện nghi phục vụ các hoạt động lễ hội và phù hợp với quy hoạch được phê duyệt.

Phương án 2 với ý tưởng như phương án 1. Tuy nhiên việc xây công viên tại khu 3 theo định hướng là công viên chuyên đề văn hóa Chăm với trung tâm là Nhà trưng bày “Bảo tàng Điêu khắc Chăm - Phân hiệu 2”. Với phương án này, dự án xác định tạo thêm không gian trưng bày, lưu giữ các hiện vật, cổ vật thuộc văn hóa Chăm đang được sưu tầm tại Bảo tàng Điêu khắc Chăm.

Là một dự án lớn, liên quan đến công tác bảo tồn, phát huy giá trị di tích nên Sở Văn hóa - Thể thao khá thận trọng, tổ chức lấy ý kiến các chuyên gia trong lĩnh vực nghiên cứu di sản đối với Dự án Bảo tàng Điêu khắc Chăm cơ sở 2. Theo ghi nhận, các chuyên gia, nhà nghiên cứu đánh giá cao sự quan tâm của thành phố đối với bảo tồn, phát huy giá trị di sản trên địa bàn thành phố khi có chủ trương bảo tồn di tích Chăm Phong Lệ nhưng đồng thời cũng lưu ý phải hết sức cẩn trọng với công trình liên quan đến văn hóa, lịch sử.

Nhiều năm công tác cũng như nghiên cứu trong lĩnh vực di sản, ông Hồ Tấn Tuấn, Giám đốc Bảo tàng Điêu khắc Chăm cho rằng, nên cân nhắc việc xây dựng Nhà trưng bày “Bảo tàng Điêu khắc Chăm - Phân hiệu 2. Theo ông Tuấn, Di chỉ khảo cổ Chăm Phong Lệ vừa được UBND thành phố ra quyết định công nhận là di tích cấp thành phố tại Quyết định số 4568/QĐ-UBND ngày 27-11-2020. Như vậy, về mặt pháp lý di chỉ đã được pháp luật công nhận. Việc xây dựng Bảo tàng Điêu khắc Chăm - phân hiệu 2 trên đất di tích là vi phạm Luật Di sản văn hóa, tránh trường hợp như Bảo tàng Đà Nẵng đã xây dựng trên di tích thành Điện Hải thời gian qua.

Hơn nữa, Bảo tàng Điêu khắc Chăm được thành phố nâng cấp, cải tạo trong năm 2017, diện tích trưng bày vẫn còn khá rộng; do đó việc mang hiện vật hiện có tại bảo tàng lên trưng bày tại Bảo tàng Điêu khắc Chăm - phân hiệu 2 sẽ làm xáo trộn không gian trưng bày, làm mất đi tính độc đáo, tính duy nhất của bảo tàng hơn 100 năm tuổi này. Vì thế, ông Tuấn đề xuất dự án chỉ nên xây dựng nhà trưng bày hiện vật khai quật được tại di chỉ khảo cổ Chăm Phong Lệ những năm qua (2011-2018) trong khuôn viên cảnh quan chung.

Ông Trần Quang Thanh, nguyên Phó Giám đốc Sở Văn hóa- Thể thao, hội viên Hội Di sản Văn hóa thành phố cũng lưu ý thêm về việc nghiên cứu kỹ lưỡng các hạng mục mô phỏng công trình, kiến trúc, cảnh quan Chăm. Theo đó, phải dựa trên kết quả của việc khai quật khảo cổ tại di tích này (từ hoa văn, họa tiết, gạch, diện tích ngôi tháp chính, niên đại…) để thiết kế mô hình đền tháp phù hợp với khung niên đại và trang trí đền tháp, không nên lấy mô hình tháp Chăm ở Ninh Thuận, Khánh Hòa hiện nay để xây dựng; nên lấy ý kiến các chuyên gia về dân tộc học để phục dựng nhà ở sinh hoạt của cư dân Chăm trên dải đất miền Trung…

Theo tìm hiểu của chúng tôi, Hội Di sản Văn hóa thành phố đã có văn bản góp ý về các ý tưởng đề xuất chủ trương đầu tư dự án Bảo tàng Điêu khắc Chăm cơ sở 2. Văn bản cũng đề nghị nên thay tên gọi của Dự án thành “Trùng tu, tôn tạo và phục hồi di chỉ khảo cổ Chăm Phong Lệ” theo đúng tên gọi xếp hạng của di tích cấp thành phố. Ngoài ra, còn một số góp ý khác về xây dựng các công trình phụ trợ trên cơ sở bảo đảm tính khoa học, lịch sử, văn hóa…

NGỌC HÀ

;
;
.
.
.
.
.