Trẻ hóa nguồn nhân lực nghệ thuật tuồng

.

Nhà hát Tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh vừa tổ chức sát hạch, tuyển dụng lớp diễn viên, nhạc công được đào tạo theo đề án của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VH-TT&DL) giai đoạn 2016-2020. Theo đó, 12 trong số 15 em đáp ứng yêu cầu của nhà hát được tuyển dụng. Đội ngũ này được kỳ vọng là lớp kế cận của nghệ thuật tuồng truyền thống xứ Quảng.

Một tiết mục biểu diễn tại buổi sát hạch tuyển dụng diễn viên của Nhà hát Tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh cuối tháng 2-2021.Ảnh: NGỌC HÀ
Một tiết mục biểu diễn tại buổi sát hạch tuyển dụng diễn viên của Nhà hát Tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh cuối tháng 2-2021.Ảnh: NGỌC HÀ

Trong số các em được tuyển chọn tham gia đề án đào tạo diễn viên, nhạc công cho các đơn vị nghệ thuật tuồng, chèo, cải lương và dân ca kịch chuyên nghiệp trong cả nước giai đoạn 2016-2020 của Bộ VH-TT&DL, có em bén duyên nghệ thuật tuồng từ nhỏ, cũng có em vì “tò mò” sau những lần xem đoàn tuồng nhà hát về quê biểu diễn, hoặc bị hấp dẫn bởi chính sách đãi ngộ của đề án… Dẫu với lý do gì, nhưng sau bốn năm học tập tại Trường Đại học Sân khấu - Điện ảnh Hà Nội, được truyền đạt về những cái hay của nghệ thuật tuồng, tình yêu với loại hình nghệ thuật này lớn dần lên trong mỗi em.

Như trường hợp Phan Tùng Lâm (SN 2000, huyện Hiệp Đức, tỉnh Quảng Nam), vốn mến mộ người cậu ruột - nghệ sĩ tuồng nổi tiếng, NSƯT Phan Văn Quang - nên từ nhỏ em dành tình cảm cho loại hình nghệ thuật này. Năm 2016, khi nghe thông tin nhà hát tuyển chọn diễn viên tham gia đề án, Lâm xin gia đình ứng tuyển. Vốn có tố chất nghệ thuật và niềm đam mê cho nghệ thuật tuồng, Lâm được các cô chú Nhà hát Tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh chấm chọn.

Trong khi đó, Trần Thị Diệu (SN 2001, huyện Nông Sơn, tỉnh Quảng Nam) đến với tuồng khá tình cờ. Diệu kể, gia đình không có ai làm nghệ thuật, bản thân em chỉ tham gia các phong trào văn nghệ của trường và chưa từng biết về nghệ thuật tuồng. Năm 2016, Nhà hát Tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh về Nông Sơn tuyển diễn viên. Nhận thấy chế độ ưu đãi của Nhà nước khá hấp dẫn: bao cấp việc ăn ở, miễn học phí, cấp học bổng theo quy định... Diệu tham gia và trúng tuyển. “Ban đầu, tuồng trong em khá lạ lẫm. Ba mẹ em đều làm nông, ngay cả đi thi cũng nhờ các cô chú ở trung tâm văn hóa nơi em ở chỉ dẫn. Nhưng sau 4 năm rèn luyện từ hát, vũ đạo, kẻ mặt…, em ngày càng yêu thích loại hình nghệ thuật truyền thống này”, Diệu cho biết.

Bên cạnh học văn hóa, các em học chuyên môn về nghệ thuật tuồng được các nghệ sĩ nổi tiếng như: NSND Xuân Hợi, NSND Hương Thơm, NSND Minh Gái, NSND Hồng Khiêm, NSND Trần Đình Sanh, nghệ sĩ Lưu Ngọc Nam… trực tiếp giảng dạy. Đặc biệt, từ năm thứ 2 trở đi, các em được chính các nghệ sĩ cho trải nghiệm thực tế thông qua việc tham gia múa cờ, trống hội, biểu diễn binh khí… tại một số sự kiện lễ hội, lễ kỷ niệm ở Hà Nội, Thanh Hóa, Quảng Nam…

“Em vẫn còn nhớ năm 2019, nhân lễ kỷ niệm 20 năm Đô thị cổ Hội An, Khu Đền tháp Mỹ Sơn được UNESCO công nhận Di sản văn hóa thế giới, chúng em được NSND Hương Thơm - người trực tiếp giảng dạy và cũng là đạo diễn nghệ thuật của chương trình lễ kỷ niệm này tạo điều kiện tham gia trong một tiết mục của chương trình. Đến bây giờ, em không thể diễn tả được niềm hạnh phúc và tự hào khi biểu diễn ngay trên quê hương mình. Từ đó, thôi thúc em phấn đấu học tập để một ngày nào đó trở về cống hiến cho quê hương”, Trần Lê Na (SN 2000, huyện Đại Lộc, tỉnh Quảng Nam) bộc bạch.

Thực hiện đề án của Bộ VH-TT&DL, năm 2016, Nhà hát Tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh tuyển chọn gắt gao và chốt danh sách 19 em gửi đi học tại Trường Đại học Sân khấu - Điện ảnh Hà Nội. Sau 4 năm học tập, các em tốt nghiệp vào tháng 11-2020. Căn cứ vào tình hình nhân sự và đề xuất của đơn vị, thành phố đồng ý cho bổ sung 12 biên chế. Trên cơ sở này, nhà hát tổ chức sát hạch, tuyển dụng lớp diễn viên, nhạc công được đào tạo theo đề án của bộ giai đoạn 2016-2020. Có 16 em nộp hồ sơ dự tuyển nhưng chỉ có 15 em dự thi và 1 trường hợp xin không tham gia vì lý do sức khỏe. Nhà hát cũng thành lập ban sát hạch gồm 7 thành viên là nghệ sĩ nghỉ hưu và đang công tác tại nhà hát, có nhiều kinh nghiệm chuyên môn để bảo đảm chất lượng tuyển chọn. Kết quả có 12 em (4 nam, 8 nữ) trúng tuyển; 3 em còn lại không đạt nhưng nếu có nguyện vọng thì nhà hát vẫn tạo cơ hội đưa các em vào dưới dạng hợp đồng lao động và tiếp tục tuyển lựa khi có điều kiện thích hợp.

Giám đốc Nhà hát Tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh Trần Ngọc Tuấn nhận xét, các em là lứa diễn viên, nhạc công được đào tạo chuyên nghiệp ở độ tuổi 19-20. Đây là độ tuổi “vàng” để các em vừa hoạt động nghề vừa có thêm thời gian tích lũy kinh nghiệm thực tế, kéo dài tuổi nghề trong cuộc đời nghệ sĩ. Trước mắt, công việc chính của các em vẫn là học việc. Nhà hát vận dụng kinh phí tập huấn hằng năm để mời các nghệ sĩ có kinh nghiệm, chuyên môn như NSND Trần Đình Sanh, NSND Thu Nhân, NSND Nguyễn Thị Hòa Bình, NSƯT Phương Lan, NSƯT Thúy Hằng… tiếp tục giảng dạy các em.  “Chúng tôi kỳ vọng sau 2 năm, bằng trải nghiệm thực tế và học tập từ các nghệ sĩ tài hoa của tuồng xứ Quảng, các em sẽ trở thành diễn viên thực thụ, là nguồn nhân lực trẻ, đáp ứng cho việc thành lập đội biểu diễn thứ 2 của nhà hát, góp phần thực hiện nhiệm vụ vừa bảo tồn vừa phát huy nghệ thuật tuồng mà nhà hát đặt ra trong đề án Nâng cao hiệu quả, chất lượng hoạt động Nhà hát Tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh giai đoạn 2020 - 2025”, ông Tuấn cho biết.

NGỌC HÀ

;
;
.
.
.
.
.