Thể thao biển Hướng mở cho thể thao Đà Nẵng

.

Không ít lần, các giải quốc gia như Bóng rổ Bãi biển, Bóng chuyền Bãi biển… được khởi tranh, Đà Nẵng chỉ đóng vai trò nhà tổ chức mà không có các đội đại biểu của thành phố tham gia tranh tài. Thực tế ấy khiến lãnh đạo ngành thể dục thể thao (TDTT) thành phố luôn đau đáu như ý kiến của Phó Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao (VH&TT) Nguyễn Trọng Thao: “Làm sao không suy nghĩ khi Đà Nẵng có điều kiện quá tốt để xây dựng và phát triển hoạt động thể thao biển nhưng chúng ta lại không có các đại diện tham gia tranh tài các giải quốc gia được tổ chức ngay tại thành phố quê hương!”.

Nếu được đầu tư đúng mức, các VĐV trẻ của Bóng ném Đà Nẵng (áo xanh dương) hoàn toàn có thể gặt hái được những thành tích khả quan trong tương lai. Ảnh: ANH VŨ
Nếu được đầu tư đúng mức, các VĐV trẻ của Bóng ném Đà Nẵng (áo xanh dương) hoàn toàn có thể gặt hái được những thành tích khả quan trong tương lai. Ảnh: ANH VŨ

Sau Đại hội TDTT toàn quốc lần thứ 7 (2014) và Đại hội Thể thao Bãi biển châu Á 2016 (ABG 5) lực lượng HLV, VĐV các môn thể thao biển Đà Nẵng được củng cố, tăng cường; chất lượng VĐV ngày càng được nâng cao. Nhưng theo ông Nguyễn Trọng Thao, số lượng cũng như chất lượng HLV, chuyên gia chưa được như kỳ vọng; chưa có cán bộ quản lý chuyên trách các môn thể thao biển; đồng thời, VĐV các tuyến còn mỏng, nhất là lực lượng kế cận. Năm 2018, ngành TDTT chỉ có 54 VĐV chuyên nghiệp và bán chuyên nghiệp thuộc 5 bộ môn Bóng đá Bãi biển (nam), Bóng chuyền Bãi biển (nữ), Bóng ném Bãi biển (nam), Đá cầu Bãi biển và phần lớn VĐV vừa tham gia thi đấu trong nhà, vừa tham gia thi đấu bãi biển.

Bên cạnh đó, các bãi biển có điều kiện phát triển nhóm môn thể thao này nhưng chưa được giao cho cơ quan quản lý thể thao, quy hoạch cấp phép cho các đơn vị phát triển thể thao biển trước đây gần như đã chuyển đổi mục đích sử dụng sang phục vụ dịch vụ, du lịch là chủ yếu. Các đội tuyển phải tự tìm kiếm, thuê mướn, mượn địa điểm hay tự tạo sân bãi để tập luyện. Vì vậy, rất khó đòi hỏi các đội tuyển thể thao biển Đà Nẵng gặt hái thành tích khả quan. Mặt khác, vào thời điểm đó, thành phố chưa có chiến lược phát triển và quy hoạch thể thao biển…

May mắn khi trong chuỗi hoạt động của ABG 5, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp với Tổ chức Du lịch thế giới và UBND thành phố tổ chức Hội nghị quốc tế về Du lịch và Thể thao, đề cập xu hướng phát triển loại hình khai thác dịch vụ thể thao gắn với du lịch tại một số quốc gia và khu vực ở châu Á, trong đó, có Đà Nẵng. Từ hội nghị, “Tuyên bố chung Đà Nẵng” như một thông điệp nhằm thu hút sự quan tâm của các chính phủ, cac điểm đến và cộng đồng doanh nghiệp trong việc tạo chính sách thu hút đầu tư, thúc đẩy phát triển du lịch và thể thao.

Với bờ biển dài hơn 60km và từng tổ chức nhiều sự kiện quốc tế như giải Lướt sóng quốc tế 1993, nội dung bơi của các Cuộc thi IRONMAN 70.3 và đặc biệt, tổ chức thành công các môn thi đấu ABG 5, Đà Nẵng hoàn toàn có cơ sở để xây dựng và phát triển thể thao biển, đáp ứng yêu cầu giải trí cho du khách cũng như nhu cầu tập luyện, thi đấu của nhân dân. Chưa kể, căn cứ vào chiến lược phát triển thể thao thành tích cao Đà Nẵng đến năm 2020 xác định các môn Bóng đá Bãi biển, Bóng chuyền Bãi biển thuộc nhóm 2 là nhóm có huy chương Đại hội TDTT toàn quốc và một số môn mới, phù hợp với tố chất con người và truyền thống của miền Trung, Đà Nẵng để đầu tư phát triển. Thể thao biển, vì vậy được coi là hướng mở của thể thao Đà Nẵng, góp phần từng bước xây dựng Đà Nẵng thành thành phố tổ chức sự kiện thể thao biển hàng đầu Việt Nam trong tương lai. 

NGUYÊN AN

 

;
;
.
.
Liên kết hữu ích
.
.
.