Vận động viên sử dụng chất cấm

Phải chăng do thiếu hiểu biết?

.

Nếu tính 2 đô cử Nguyễn Thị Thu Trang và Bùi Đình Sáng vừa bị phát hiện sử dụng chất cấm thì 17 năm qua đã có 16 VĐV Việt Nam bị dính doping. Đầu tiên là trường hợp các VĐV Hoàng Hồng Anh (2 HCV canoeing), Phạm Thị Dịu (3 HCV lặn), Phạm Toàn Thắng (3 HCV lặn) và Nguyễn Mai Quỳnh (HCB nhảy 3 bước) được phát hiện doping khiến đoàn VĐV chủ nhà Việt Nam bị tước 8 HCV và 1 HCB tại SEA Games 22 (2003).

Đáng nói, không phải các VĐV đều ý thức những tác hại khi sử dụng các loại thuốc uống hoặc thực phẩm chức năng, song lại có những dược chất nằm trong danh mục chất cấm của các tổ chức thể thao quốc tế. Trường hợp VĐV thể dục dụng cụ Đỗ Thị Ngân Thương ngay trước thềm Olympic Bắc Kinh 2008 được xem là hết sức hy hữu. Chỉ vì muốn có... vóc dáng đẹp hơn khi thi đấu nên Ngân Thương tự ý sử dụng loại thuốc lợi tiểu với mục đích giảm cân mà không hề có sự kiểm soát cũng như chỉ định của bác sĩ.

Thế nhưng, thuốc này lại có hàm lượng lớn chất Furosemide, nằm trong danh mục chất cấm của Cơ quan phòng chống Doping thế giới (WADA - thuộc Ủy ban Olympic Quốc tế IOC). Cũng thời gian này, do thiếu hiểu biết nên VĐV Thể hình Nguyễn Thị Mỹ Linh cũng sử dụng các thuốc Noroxin và Lasix, theo chỉ định của bác sĩ bệnh viện. Đây cũng là những loại thuốc có Furosemide nhưng may mắn cho Mỹ Linh, bởi kết quả xét nghiệm có trước khi giải Vô địch Thể hình châu Á 2008 được tổ chức nên cũng như Ngân Thương, Mỹ Linh chỉ bị cấm thi đấu 1 năm. Thế nhưng, không hẳn những trường hợp dính doping của VĐV Việt Nam đều do thiếu hiểu biết.

Đối với môn cử tạ, HLV đội tuyển Đà Nẵng Phan Văn Thiện cho biết: “Với những VĐV đạt thành tích tốt tại các giải quốc tế, Liên đoàn Cử tạ thế giới (IWF) sẽ được cấp mã số để đăng ký với WADA và WADA sẽ tổ chức các cuộc kiểm tra đột xuất. Vì thế, những VĐV từng giành được huy chương hoặc thành tích tốt tại các giải đấu quốc tế cần phải ý thức để tránh những trường hợp bị phát hiện dương tính với chất cấm, có thể do vô ý hoặc chủ quan khi điều trị bệnh”.

Ông Đỗ Đình Kháng, Phó Vụ trưởng Vụ Thể thao thành tích cao 2 (Tổng cục Thể dục - Thể thao), phụ trách bộ môn Cử tạ cho rằng, cũng có thể xảy ra trường hợp trong thời gian không thi đấu, một số VĐV sử dụng chất cấm để tăng cường sức mạnh cơ bắp hoặc tránh chấn thương. Bên cạnh đó, việc sử dụng thực phẩm dinh dưỡng có thể là “con dao hai lưỡi” nếu lãnh đạo các đội tuyển hoặc VĐV không có nhiều kiến thức lẫn ý thức trong việc bảo vệ VĐV.

Chưa kể, khi các địa phương tổ chức tập huấn nước ngoài, có thể do áp lực thành tích, những chuyên gia được thuê sẽ cho VĐV sử dụng một số chất bị cấm để VĐV nâng cao thành tích. Với thể thao Việt Nam hiện nay, do thiếu kinh phí nên các giải đấu cấp quốc gia đều chưa thể thực hiện việc kiểm tra doping. Đồng thời, do chạy theo thành tích nên việc các VĐV sử dụng doping là hoàn toàn có thể. Và những án phạt thật nặng với các trường hợp sử dụng doping mới đủ tác dụng để hạn chế các trường hợp “con sâu làm rầu nồi canh” như đã từng xảy ra.

BẢO AN

;
;
.
.
.
.
.