Giải tỏa áp lực cho HLV Park Hang-seo

.

Sau khi Hiệp hội Bóng đá Đông Nam Á (AFF) quyết định tiếp tục dời thời gian tổ chức AFF Cup 2020 sang tháng 12-2021 và kéo dài đến ngày 1-1-2022, toàn bộ kế hoạch chuẩn bị của HLV Park Hang-seo cho đội tuyển Việt Nam cũng như đội U22 Việt Nam hoàn toàn bị đảo lộn.

Nếu không có sự điều chỉnh cần thiết, sẽ quá khó để HLV Park Hang-seo (ảnh) có thể bảo đảm mục tiêu bảo vệ ngôi vô địch cho cả đội tuyển quốc gia lẫn đội tuyển U22 Việt Nam. Ảnh: ĐỨC CƯỜNG
Nếu không có sự điều chỉnh cần thiết, sẽ quá khó để HLV Park Hang-seo (ảnh) có thể bảo đảm mục tiêu bảo vệ ngôi vô địch cho cả đội tuyển quốc gia lẫn đội tuyển U22 Việt Nam. Ảnh: ĐỨC CƯỜNG

Thuận lợi duy nhất mà chiến lược gia người Hàn Quốc có được là việc đội tuyển Việt Nam có thể toàn tâm, toàn ý cho chiến dịch World Cup 2022 và hướng đến mục tiêu giành quyền vào vòng loại thứ 3. Theo kế hoạch cũ, sau khi xong nhiệm vụ cùng đội tuyển Việt Nam ở cả vòng loại World Cup lẫn AFF Cup 2020, từ tháng 10 đến tháng 12, HLV Park Hang-seo sẽ tập trung dẫn dắt đội tuyển U22 Việt Nam tham gia tranh tài tại vòng loại giải Bóng đá U23 châu Á 2022 và SEA Games 2021. Thế nhưng, việc AFF dời lịch thi đấu AFF Cup 2020 lại dẫn đến một trở ngại không nhỏ cho thầy trò HLV Park Hang-seo. Chưa kể đến việc nếu đội tuyển Việt Nam giành quyền vào vòng loại thứ 3 World Cup 2022, thầy trò HLV Park Hang-seo còn phải có kế hoạch cho các trận đấu vào các tháng 8, 9 và 12-2021.

Còn thực tế, AFF Cup 2020 được khởi tranh 3 ngày sau khi SEA Games 31 kết thúc. Chính lịch thi đấu của 2 giải đấu quá cận kề khiến HLV Park Hang-seo đối mặt với rất nhiều khó khăn. Trong đó, đội tuyển U22 Việt Nam được giao chỉ tiêu phải bảo vệ thành công HCV môn bóng đá nam tại SEA Games 31; đồng thời, đội tuyển Việt Nam cũng đặt mục tiêu giữ được ngôi vô địch tại AFF Cup 2020. Và vị chiến lược gia người Hàn Quốc hiện đang được giao nhiệm vụ dẫn dắt cả 2 đội tuyển U22 lẫn đội tuyển quốc gia để hướng đến những mục tiêu trên. Chính sức ép thành tích cùng khối lượng công việc rất lớn buộc Liên đoàn Bóng đá Việt Nam (VFF) lẫn HLV Park Hang-seo phải có những tính toán phù hợp.

Trước đây, HLV Park Hang-seo từng bày tỏ mong muốn chỉ dẫn dắt đội tuyển Việt Nam, thay vì phải đảm trách cả vị trí “thuyền trưởng” của đội U22 Việt Nam. Để giảm tải cho chính mình và được sự đồng ý của VFF, HLV Park Hang-seo từng giao cho các trợ lý, đứng đầu là HLV Kim Han-yoon phụ trách công tác tuyển chọn lực lượng cho đội U22 Việt Nam. Và chỉ đến gần thời điểm diễn ra SEA Games 30, HLV Park Hang-seo mới trực tiếp đảm trách công việc huấn luyện. Song cũng đừng quên, dù trực tiếp dẫn dắt U22 Việt Nam giành HCV SEA Games 30 nhưng không lâu sau đó, cũng với thành phần này, thầy trò HLV Park Hang-seo sớm hứng chịu thất bại tại vòng chung kết giải Bóng đá U23 châu Á 2020. Còn tại AFF Cup 2020 và SEA Games 31, khó khăn càng lớn khi nhà cầm quân người Hàn Quốc phải dẫn dắt 2 đội tuyển mà thời gian chuẩn bị hầu như không có. Bởi lẽ, với khoảng nghỉ chỉ 3 ngày giữa 2 giải đấu, HLV Park Hang-seo không thể thực hiện kế hoạch tập trung, chuẩn bị hoàn hảo cho cả 2 đội tuyển U22 lẫn đội tuyển quốc gia.

Có lẽ, cả VFF lẫn HLV Park Hang-seo cần phải có sự đánh giá lại tầm mức quan trọng ở mỗi giải đấu để HLV Park Hang-seo có sự chuyển giao một trong hai đội tuyển cho một HLV khác. Nếu không dành cho nhà cầm quân Hàn Quốc một sự chia sẻ cần thiết, quá khó để bóng đá Việt Nam có thể đạt được cùng lúc cả 2 mục tiêu tại AFF Cup 2020 lẫn SEA Games 31.

NGUYÊN AN

;
;
.
.
.
.
.