Không chỉ chuyên gia thể lực, đội ngũ y tế mà các VĐV thế giới đều rất cần các chuyên gia tâm lý. Thế nhưng, ở Việt Nam, do chưa coi trọng vai trò của chuyên gia tâm lý nên khi các VĐV đối mặt với những khủng hoảng, họ luôn phải tự tìm cách giải quyết theo cách của mình…
Thiếu sự quan tâm cần thiết, Ánh Viên rơi vào sự khủng hoảng tâm lý và cô quyết định chia tay đội tuyển Bơi lội Việt Nam trong sự tiếc nuối của nhiều chuyên gia. Ảnh: ANH VŨ |
Các VĐV chuyên nghiệp thường gặp vấn đề về tâm lý và điều này luôn ảnh hưởng rất lớn đến việc tập luyện cũng như thành tích thi đấu của từng người. Để giúp VĐV giải tỏa sức ép, vai trò của các chuyên gia là hết sức quan trọng. Vì thế, các đội tuyển, các VĐV trên thế giới luôn có các chuyên gia tâm lý theo cùng. Song với thể thao Việt Nam, điều này vẫn còn mới mẻ.
Mới đây dư luận rất bất ngờ trước việc tuyển thủ bơi lội Nguyễn Thị Ánh Viên xin giã từ đội tuyển quốc gia. Nhiều người cho rằng, sức ép thành tích quá lớn từ ngành thể thao và người hâm mộ đã khiến Ánh Viên không chịu nổi áp lực, qua đó cô đã phải xin chia tay đội tuyển; thậm chí, chấm dứt sự nghiệp thi đấu để lo cho tương lai của mình.
Khi trở thành một hiện tượng từ sau SEA Games 2015 tại Singapore với 8 HCV, Ánh Viên gặp sức ép lớn do mọi người luôn muốn cô phải giành chiến thắng ở tất cả giải đấu mình góp mặt. Bất chấp tại giải vô địch thế giới hay Olympic, dù biết đó là sân chơi quá tầm với bơi lội Việt Nam.
Thậm chí, trước ASIAD 2018, mọi người bất ngờ khi HLV Đặng Anh Tuấn - người trực tiếp huấn luyện Ánh Viên vào thời điểm đó - cho biết, cô bị trầm cảm thời gian dài và phải sử dụng thuốc an thần, Không nhận được sự giúp đỡ cần thiết để giải tỏa khủng hoảng khiến Ánh Viên cảm thấy rất cô đơn. Đáng kể hơn, từ năm 2020 đến nay, cô chỉ tự tập mà không có HLV nên thành tích càng đi xuống…
Không chỉ Ánh Viên, tuyển thủ của nhiều bộ môn thể thao khác cũng trong tình trạng tương tự. Ngay cả đội tuyển bóng đá, môn thể thao được quan tâm nhất ở Việt Nam, cũng không có chuyên gia tâm lý, dẫu biết đây là môn chịu nhiều sức ép nhất của thể thao Việt Nam. Trong thời gian phải tập trung cho các trận đấu thuộc khuôn khổ vòng loại (cuối cùng, khu vực châu Á) World Cup 2022 từ đầu tháng 8, do phải thực hiện nguyên tắc khép kín nên các học trò của HLV Park Hang-seo không được tiếp xúc với người ngoài, dẫn đến dễ bị ức chế tâm lý.
Bên cạnh đó, sự kỳ vọng quá lớn từ giới truyền thông và người hâm mộ càng khiến các tuyển thủ thường xuyên bị áp lực song không thể chia sẻ cùng ai. Vì thế, người gần gũi và có thể lắng nghe các tuyển thủ nhiều nhất lại chính là các chuyên gia y tế của đội tuyển, dù nhiệm vụ của họ chỉ là chăm sóc sức khỏe hằng ngày cho các cầu thủ. Dù vậy, đội ngũ này không phải là chuyên gia tâm lý để có thể giúp cho các tuyển thủ những lời khuyên chuẩn xác nhất, cũng như không thể giải tỏa sức ép cho họ trong những trường hợp cụ thể...
Hiện nay, mạng xã hội ngày càng phát triển, qua đó các tuyển thủ bóng đá cũng như những VĐV chuyên nghiệp phải hứng chịu nhiều sức ép tâm lý từ cộng đồng mạng. Vì thế, đã đến lúc thể thao Việt Nam cần quan tâm đến tâm lý VĐV, đừng để các VĐV cô đơn khi phải tự chống chọi với sức ép từ những vấn đề không đến từ chuyên môn.
ĐƯỜNG MINH