Tiếng cắt sắt, hàn, khoan, tiếng búa đập cùng tiếng loảng xoảng, va vào nhau của những vật dụng bằng kim loại... vang lên mỗi ngày tại các xưởng cơ khí trong các khu dân cư (KDC) khiến nhiều người dân bức xúc.
Xưởng cơ khí ở đường Trần Xuân Lê, phường Hòa Khê (quận Thanh Khê) hoạt động suốt ngày đêm, gây tiếng ồn, khiến người dân trong khu vực bức xúc. |
Âm thanh rè rè từ tiếng máy cắt sắt, tiếng hàn, khoan... vang lên mỗi ngày tại xưởng cơ khí của bà Võ Thị Hải ngay ngã tư đường Phan Khoan - Đinh Nhật Tân, thuộc tổ 65 phường Hòa An (quận Cẩm Lệ) khiến không ít hộ dân phàn nàn, khó chịu. Ông An sống ở khu vực này cho biết, xưởng cơ khí của bà Hải thường xuyên dập vành xe rùa gây tiếng ồn, đục thùng phuy làm nước dầu nhớt chảy ra đường gây mất vệ sinh.
Một số mảnh lốp xe không còn sử dụng thỉnh thoảng được đốt, gây mùi hôi, ô nhiễm không khí. Dù người dân đã phản ánh nhiều lần, chính quyền địa phương liên tục nhắc nhở, xử phạt hành chính cơ sở của bà Hải nhưng mức độ ô nhiễm tiếng ồn vẫn không được cải thiện. Theo tìm hiểu của phóng viên, mỗi ngày xưởng cơ khí nói trên cắt, dập khoảng 20 thùng phuy phục vụ việc sản xuất xe rùa. Từ cuối năm 2018 đến nay, UBND phường Hòa An tiếp nhận hơn 7 kiến nghị của người dân liên quan đến ô nhiễm tiếng ồn ở xưởng cơ khí này. Theo đó, các hộ dân tổ 65 đề nghị địa phương có phương án xử lý triệt để, yêu cầu xưởng di dời đến vị trí xa KDC.
Xưởng cơ khí xưởng Gia Hưng Phát tại số 9 Đá Mọc 4, KDC Hòa Minh 5, phường Hòa Minh (quận Liên Chiểu) cũng gặp phải sự phản đối quyết liệt từ người dân. Trước đó, nhận được phản ánh của người dân, UBND phường Hòa Minh đã lập tổ công tác xuống kiểm tra, xử lý, yêu cầu chủ cơ sở bảo đảm các yếu tố bảo vệ môi trường, tránh gây tiếng ồn; đồng thời yêu cầu xưởng có phương án di dời đến nơi khác.
Tháng 3-2019, trước đề nghị của cơ quan chức năng, ông Ông Ích Trinh, Giám đốc Công ty TNHH MTV Cơ khí xây dựng Gia Hưng Phát có đơn cho biết công ty được thành lập vào năm 2013 và đặt xưởng cơ khí tại số 9 Đá Mọc 4. Lúc đó, KDC chưa có hộ dân nào đến ở. Ông Trinh cho hay, doanh nghiệp (DN) đang tìm vị trí mới để di dời nhà xưởng, hiện đã có mặt bằng nhưng chưa xây dựng cơ sở vật chất. Xưởng cơ khí rất mong sự thông cảm của người dân để DN có thời gian di dời, chậm nhất tháng 7-2019 sẽ dời ra khỏi KDC. Thế nhưng, đến thời điểm hiện tại, sau một thời gian tạm dừng, xưởng cơ khí này hoạt động trở lại.
Ông Nguyễn Văn Sử, Phó Chủ tịch UBND phường Hòa An cho biết, UBND phường đã gửi công văn lên UBND quận Cẩm Lệ và Phòng Tài nguyên-Môi trường quận có hướng chỉ đạo, giải quyết việc xưởng cơ khí của bà Võ Thị Hải gây tiếng ồn và ô nhiễm trong KDC. Theo ông Sử, từ cuối năm 2018 đến nay, chính quyền địa phương nhiều lần cử cán bộ làm việc, xử phạt hành chính 750.000 đồng, yêu cầu cơ sở khắc phục tiếng ồn, ô nhiễm môi trường; đồng thời di dời máy cắt về phía bắc, sát đường Phan Khoan để bảo đảm khoảng cách xa nhà dân. Trong thời gian đó, chủ cơ sở cần có phương án di dời ra khỏi KDC.
Cách đây không lâu, UBND phường đã mời Bí thư Chi bộ KDC, Tổ trưởng tổ dân phố đến kiểm tra việc khắc phục của cơ sở bà Hải; đề nghị không lấn chiếm vỉa hè, trám các lỗ thông gió tường nhà xưởng sát nhà dân không để phát tán mùi hôi và tiếng ồn; di dời máy cắt và có biện pháp chống rung hiệu quả. Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại, người dân vẫn tiếp tục phản ánh nên chúng tôi đã gửi công văn lên UBND quận Cẩm Lệ nhờ có hướng chỉ đạo, xử lý dứt điểm”, ông Sử cho hay.
Trong khi đó, ông Ông Ích Trinh cho biết, phương pháp di dời chỉ là tạm thời vì hiện nay không có chỗ nào xa KDC. “Chúng tôi mong chính quyền thành phố sớm quy hoạch cụm công nghiệp vừa và nhỏ để tạo điều kiện sản xuất đối với những xưởng cơ khí như chúng tôi. Với bản chất kinh doanh nhỏ, nguồn vốn gối đầu, chúng tôi không có nhiều điều kiện để xây nhà xưởng chỗ này, sản xuất vài ba năm lại phải đổi qua chỗ khác vì dân cư ngày càng đông đúc”, ông Trinh chia sẻ.
Thực tế, việc yêu cầu một xưởng cơ khí hạn chế tiếng ồn là điều không thể. Ông Phạm Bắc Bình, Chủ tịch Hiệp hội DN vừa và nhỏ thành phố cho biết, không chỉ các xưởng cơ khí trong KDC lúng túng không tìm được địa điểm, mà chính những DN vừa và nhỏ đang rất thiếu mặt bằng sản xuất.
Theo ông Bình, thiếu vốn có thể vay, thiếu nhân công có thể tuyển nhưng thiếu mặt bằng sản xuất thì hoặc DN ngừng sản xuất, hoặc phải chờ đợi trong thời gian dài. Đà Nẵng đang có chủ trương di dời toàn bộ DN vừa và nhỏ ra khỏi KDC, tập trung vào các khu, cụm công nghiệp để người dân yên tâm sản xuất và bảo đảm vệ sinh môi trường. Ông Bình hy vọng việc này sẽ được chính quyền thành phố sớm triển khai để giải quyết bài toán đưa các DN vừa và nhỏ, xưởng cơ khí ra khỏi KDC.
Bài và ảnh: HUỲNH LÊ