Phát triển hệ thống cây xanh đô thị ứng phó với bão

.

Sau cơn bão số 5 trong tháng 10 vừa qua, trên địa bàn thành phố Đà Nẵng xảy ra mưa lớn liên tục kèm theo gió xoáy, giật mạnh liên hồi khiến cây xanh trên đường phố bị ngã đổ, nghiêng thân, gãy cành nhánh.

Theo thông tin từ Sở Xây dựng, tính đến cuối ngày 31-10-2019, đã có 675 cây xanh trên các tuyến đường bị ảnh hưởng, chiếm khoảng 0,6% tổng số cây xanh hiện đang quản lý trên toàn thành phố. Trong đó, hai loài cây muồng tím, lim xẹt chiếm tỷ lệ lớn (lim xẹt: 161/675 cây, chiếm 23,8%; muồng tím: 301/675 cây, chiếm 44,6%).

Qua rà soát, trên địa bàn thành phố hiện có khoảng 111.000 cây xanh thuộc hơn 100 loài khác nhau; trong đó, có khoảng 32.000 cây lim xẹt (chiếm khoảng 28,8%) và 15.000 cây muồng tím (chiếm khoảng 13,5%).

Với số lượng chiếm ưu thế và trồng phổ biến trên các tuyến đường chính khắp thành phố như trên, tỷ lệ cây xanh bị ngã đổ cao thuộc hai loài này là điều có thể hiểu được. Muồng tím và lim xẹt là hai loài cây có sức sống mạnh, không kén đất, nhanh cho bóng mát, giá thành thấp, nguồn giống sẵn có phổ biến có thể đáp ứng số lượng lớn trong thời gian ngắn… phù hợp với yêu cầu sớm phủ xanh của thành phố.

Do đó, hai loại cây này được quy hoạch, thiết kế trồng rất nhiều trong giai đoạn phát triển nhanh các khu đô thị mới từ những năm 2005 đến nay. Ngoài các nguyên nhân do vỉa hè hẹp dẫn đến tán cây bị lệch trong quá trình phát triển; các công trình ngầm choán hết vỉa hè làm hạn chế phần đất cho hệ rễ bám; việc xén rễ khi cải tạo vỉa hè, thi công các công trình ngầm…, thì tốc  độ nảy chồi, sinh tán quá nhanh của các loài cây muồng tím, lim xẹt lại chính là nguyên nhân ảnh hưởng đến sự ổn định của cây xanh khi gió bão tác động mạnh lên hệ tán lá.  

Theo ông Diệp Dân Hùng, kỹ sư trồng trọt, hiện công tác tại Văn phòng Đoàn ĐBQH, HĐND và UBND thành phố, người rất quan tâm đến vấn đề cây xanh đô thị ở Đà Nẵng, cây muồng tím đã được trồng tại thành phố Đà Nẵng từ rất lâu.

Hiện nay, trên vỉa hè các tuyến đường Bạch Đằng, Trần Phú vẫn còn rất nhiều cây muồng tím cổ thụ. Tuy nhiên, cần xem xét trồng loài cây này tại những khu vực có nền đất rộng như các công viên, vườn hoa… để bảo đảm an toàn và phát huy được vẻ đẹp, độ phủ rộng lớn của tán cây. Cho đến nay, hệ thống cây xanh bóng mát của thành phố đã khá ổn định. Do đó, bên cạnh các giải pháp cắt tỉa cành nhánh, chống dựng cây xanh, có thể xem xét chọn các loại cây gỗ cứng, dẻo dai như sao đen, sấu…

Tuy cây có tốc độ sinh trưởng chậm, nhưng bền vững, an toàn trong điều kiện thời tiết nhiều mưa bão tại Đà Nẵng. Hiện nay, cây lim xẹt đã trở thành loài cây chiếm chủ lực trong hệ thống cây xanh của thành phố. Đây là loài cây đáp ứng được các tiêu chí của cây xanh đô thị như: cây có lá xanh quanh năm, không rụng lá trơ cành; thân, dáng đẹp; có rễ ăn sâu, ít rễ nổi; không có gai sắc nhọn, hoa quả gây mùi khó chịu, không hấp dẫn côn trùng. Tuy nhiên, điểm hạn chế của cây lim xẹt là: lá nhỏ, rụng nhiều gây khó khăn cho việc quét dọn vệ sinh, cành nhánh giòn, dễ gãy.

Là địa phương đối mặt với biển, chịu tác động trực tiếp khi bão đổ bộ, trước khi đi sâu vào đất liền mới suy giảm thành áp thấp nhiệt đới, việc tiếp tục nghiên cứu, chọn trồng các loài cây có gỗ cứng, dẻo dai, lá không quá nhỏ… theo ý kiến của các chuyên gia để thích ứng với biến đổi khí hậu ngày càng khó lường là điều hết sức cần thiết tại thành phố Đà Nẵng.

PHI LÂM

;
;
.
.
.
.
.