Căn cứ Điều lệ Giải Báo chí thành phố Đà Nẵng ban hành kèm theo Quyết định số 9294/QĐ-UBND ngày 11-12-2009 của Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng, Ban Tổ chức thông báo Giải Báo chí thành phố Đà Nẵng năm 2019 như sau:
I. ĐIỀU KIỆN DỰ GIẢI
1. Tác giả
Tác giả dự Giải Báo chí thành phố Đà Nẵng năm 2019 là công dân Việt Nam, bao gồm các nhà báo chuyên nghiệp và không chuyên nghiệp, có tác phẩm báo chí xuất sắc viết về thành phố Đà Nẵng được đăng tải trên các phương tiện thông tin đại chúng (báo in, phát thanh, truyền hình, báo điện tử...) do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp giấy phép.
Tác giả dự Giải Báo chí thành phố năm 2019 không vi phạm 10 Quy định đạo đức nghề nghiệp của người làm báo Việt Nam, không vi phạm Luật Báo chí và các quy định của luật pháp liên quan.
- Thành viên Ban Tổ chức, Ban Giám khảo không được tham gia dự giải.
- Trường hợp nhiều người cùng thực hiện một tác phẩm thì giải sẽ trao cho nhóm tác giả tối đa là 5 người.
2. Tác phẩm
Là tác phẩm đã được sử dụng từ ngày 1-1-2019 đến ngày 31-12-2019 trên các phương tiện thông tin đại chúng đã được nêu ở trên.
Những tác phẩm được sử dụng trong thời gian này đã được trao giải thưởng ở các cuộc thi của ngành hoặc liên ngành của Trung ương, địa phương vẫn được quyền dự Giải Báo chí thành phố, nhưng cần ghi rõ mức giải và cuộc thi do đơn vị nào tổ chức.
Những tác phẩm đăng hoặc phát sóng nhiều kỳ, nếu những kỳ đầu được sử dụng trước ngày 1-1-2019 mà chưa tham dự Giải Báo chí thành phố năm 2018 thì được gộp vào các kỳ tiếp theo để thành tác phẩm hoàn chỉnh tham dự Giải 2019.
II. QUY ĐỊNH VỀ TÁC PHẨM THAM GIA DỰ GIẢI
1. Nội dung
- Tác phẩm dự thi bám sát nhiệm vụ chính trị của Thành ủy, UBND thành phố, phản ánh kịp thời và sâu sắc tình hình thực tế, có tính phát hiện, phục vụ thiết thực về sự đổi mới và quá trình phát triển thành phố, sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; phản ánh trung thực đời sống chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, quốc phòng, an ninh của thành phố, việc triển khai các chỉ thị, nghị quyết của Đảng và Nhà nước trong năm 2019.
- Khuyến khích các tác phẩm báo chí xuất sắc có nội dung phản ánh về các điển hình tiên tiến, nhân tố mới, phê phán chống lại các hành vi tiêu cực, những quan điểm sai trái của các thế lực thù địch; các tác phẩm có tính định hướng dư luận cao và có sức thuyết phục; có tác động tích cực đến tiến bộ xã hội; về thực hiện cuộc vận động “Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”…
- Không xét tác phẩm có yếu tố hư cấu (thơ, tranh vẽ, tiểu phẩm, ký văn học, câu chuyện văn nghệ, truyện ngắn, tạp văn…).
2. Yêu cầu về chất lượng và hiệu quả xã hội của tác phẩm:
- Thông tin chính xác, trung thực, khách quan.
- Nêu được vấn đề mới, có tính phát hiện.
- Đề cập những vấn đề Đảng, Nhà nước, nhân dân quan tâm, có tính định hướng dư luận cao, thuyết phục, có tác động tích cực đến đời sống xã hội.
- Tác phẩm biểu dương điển hình tiên tiến, nhân tố mới phải được cơ quan quản lý chuyên ngành xác nhận đã phát huy hiệu quả trong thực tế.
- Tác phẩm đề cập những vụ việc tiêu cực phải được các cơ quan có thẩm quyền kết luận là đúng sự thật hoặc đã được các tổ chức, cá nhân sai phạm thừa nhận và khắc phục.
- Tác phẩm đề cập đến lĩnh vực chuyên ngành khoa học tự nhiên, khoa học xã hội, lịch sử, còn có những ý kiến khác nhau thì phải được cơ quan có thẩm quyền chuyên ngành thẩm định.
III. HÌNH THỨC THỂ HIỆN
1. Báo in gồm các nhóm: Bài phản ánh, phỏng vấn, xã luận, bình luận, chuyên luận, phóng sự, phóng sự điều tra, ký báo chí, ghi chép. Tác phẩm là một bài (hoặc một loạt) bài cùng tiêu đề (không quá 5 kỳ) của cùng tác giả (hoặc nhóm tác giả cùng đứng tên), về cùng một đề tài; không xét loạt bài ghép từ những bài độc lập của các tác giả đứng tên riêng lẻ ở các thời điểm đăng báo khác nhau, không có tên chung loạt bài.
2. Báo nói (Phát thanh) gồm các nhóm: Bài phản ánh, phỏng vấn, bình luận, chuyên luận, phóng sự, phóng sự điều tra, bút ký, tọa đàm, chuyên đề phát thanh tổng hợp. Tác phẩm là một (hoặc một loạt) bài về một chủ đề, một sự kiện hoặc một đối tượng, phát một kỳ hoặc nhiều kỳ; thể hiện được đặc trưng của báo phát thanh, âm thanh phải rõ ràng, tiếng nói nhân vật, tiếng động, âm nhạc bảo đảm chất lượng, hấp dẫn; thời lượng tác phẩm dài nhất không quá 60 phút.
3. Báo hình (Truyền hình) gồm các nhóm: Phóng sự, ký sự, bình luận, giao lưu, tọa đàm, phim tài liệu truyền hình. Tác phẩm phải là một (hoặc một loạt) bài về một chủ đề, một sự kiện hoặc một đối tượng, phát một kỳ hoặc nhiều kỳ; thể hiện được đặc trưng của báo hình, hình ảnh động; phải đạt yêu cầu về chất lượng; thời lượng tác phẩm dài nhất không quá 60 phút.
4. Báo điện tử gồm các nhóm: Bài phản ánh, phỏng vấn, bình luận, tọa đàm, giao lưu trực tuyến, phóng sự, phóng sự điều tra, ký báo chí, ghi chép. Tác phẩm phải viết riêng cho báo điện tử; không xét những tác phẩm lấy từ báo in; thể hiện được đặc trưng của báo điện tử ngắn, gọn, có tính liên kết, tính đa phương tiện. Mỗi tác phẩm là một hoặc (hoặc một loạt) bài cùng tiêu đề không quá 5 kỳ của cùng tác giả (hoặc nhóm tác giả cùng đứng tên), về cùng một đề tài; không xét loạt bài ghép từ những bài độc lập của các tác giả đứng tên riêng lẻ ở các thời điểm đăng báo khác nhau, không có tên loạt bài.
5. Ảnh báo chí: Tác phẩm ảnh báo chí được thể hiện bằng ảnh màu hoặc đen trắng. Đối với nhóm ảnh hoặc phóng sự ảnh, chỉ tuyển chọn mỗi nhóm ảnh hoặc phóng sự ảnh không quá 10 ảnh, đăng trên cùng một số báo hoặc cùng thời điểm xuất bản (đối với báo điện tử); không xét ảnh ghép, ảnh xử lý bằng vi tính, ảnh phong cảnh.
IV. CÁCH THỨC TUYỂN CHỌN
1. Ban Tổ chức Giải Báo chí thành phố Đà Nẵng năm 2019 chỉ tiếp nhận các tác phẩm báo chí có xác nhận của Chi hội Nhà báo hoặc lãnh đạo cơ quan nơi tác giả công tác và sinh hoạt. Ban Tổ chức Giải không nhận tác phẩm dự giải của cá nhân tự gửi đến.
2. Những tác giả không phải là hội viên Hội Nhà báo Việt Nam thì tác phẩm đăng, phát sóng ở báo, đài nào, tác giả có quyền gửi tác phẩm dự giải thông qua chi hội hoặc cơ quan báo chí đó.
3. Mỗi tác giả hoặc nhóm tác giả dự thi gửi không quá 2 tác phẩm báo chí.
V. HỒ SƠ DỰ GIẢI
1. Tất cả các tác phẩm dự Giải Báo chí thành phố Đà Nẵng năm 2019 ghi đầy đủ thông tin (theo mẫu đính kèm): Họ và tên tác giả/nhóm tác giả; cả tên khai sinh và bút danh (nếu có); tên tác phẩm; thể loại báo chí; đơn vị công tác; số điện thoại của tác giả/nhóm tác giả; ngày, tháng, năm phát hành báo, tạp chí hoặc thời lượng phát sóng của tác phẩm. Nếu là tập thể tác giả, phải ghi tên từng tác giả, nếu bút danh phải ghi tên thật (trong hồ sơ). Những hồ sơ không đúng thông báo sẽ bị loại. Ban Tổ chức Giải không giải quyết các khiếu nại, đề nghị về việc thay đổi hoặc bổ sung tên tác giả/nhóm tác giả đối với tác phẩm đoạt giải, không chấp nhận đổi tên bút danh sang tên thật.
2. Đối với tác phẩm báo in: Nộp bản in chính hoặc sao chụp từ báo in (nhưng phải rõ ràng, sạch, đẹp). Gửi kèm bản đánh máy in trên khổ giấy A4 để giám khảo chấm. Nếu tác phẩm có sự tiếp nối nhỏ, lẻ, phải được cắt dán phần tiếp nối trên giấy trắng khổ giấy A3 và đánh số trang, số kỳ cho phần tiếp nối đó.
3. Đối với báo điện tử: Gửi đường link tác phẩm qua thư điện tử email: thyuyen1977@gmail.com, đồng thời gửi bản in chụp từ giao diện điện tử in trên khổ giấy A4 kèm theo hồ sơ dự giải (không nhận tác phẩm đánh máy lại). Ban giám khảo chấm theo đường link của tác phẩm.
4. Đối với tác phẩm phát thanh: Ghi trên đĩa CD, USB, mỗi đĩa/USB chỉ ghi 1 tác phẩm và trên nhãn đĩa ghi rõ tên đơn vị, tên tác phẩm, tác giả, thể loại, thời lượng và thời gian phát sóng, kèm theo phần lời bình của tác phẩm in trên khổ giấy A4.
5. Đối với tác phẩm truyền hình: Ghi trên đĩa VCD, DVD, USB, mỗi đĩa/USB chỉ ghi 1 tác phẩm, trên mặt đĩa ghi rõ tên đơn vị dự giải, tên tác phẩm, tác giả, thể loại, thời lượng và thời gian phát sóng, kèm theo thuyết minh lời bình của tác phẩm in trên khổ giấy A4.
6. Đối với tác phẩm ảnh báo chí: Cùng với ảnh được đăng trên báo phải kèm theo ảnh gốc khổ 12cm x 18cm (đối với nhóm ảnh hoặc phóng sự ảnh) và 18cm x 24cm (đối với ảnh đơn).
7. Thời hạn gửi tác phẩm: Từ ngày thông báo cuộc thi đến hết ngày 27-3-2020 (theo dấu bưu điện). Nơi nhận tác phẩm: Văn phòng Hội Nhà báo thành phố Đà Nẵng, số 46 Trần Quốc Toản, Đà Nẵng; ngoài bì ghi rõ: tham dự Giải Báo chí thành phố Đà Nẵng năm 2019.
8. Tổng kết và trao thưởng: Tại Đại hội Hội Nhà báo thành phố Đà Nẵng, khóa IX, nhiệm kỳ 2020 - 2025 (dự kiến cuối tháng 5-2020).
VI. PHƯƠNG THỨC XÉT THƯỞNG
- Giải Báo chí thành phố Đà Nẵng năm 2019 có các nhóm giải tương ứng với 5 loại hình báo chí: báo in, báo nói, báo hình, báo điện tử, ảnh báo chí. Mỗi nhóm gồm nhiều thể loại tác phẩm báo chí tương ứng và các mức giải thưởng: Nhất, Nhì, Ba, Khuyến khích. Số lượng tác phẩm đoạt giải do Trưởng ban Tổ chức giải quyết định sau khi có kết quả chấm điểm của Ban Giám khảo.
- Ban Tổ chức Giải thành lập Ban Giám khảo để chấm chọn, đề xuất công nhận giải. Quyết định xếp giải sau cùng thuộc thẩm quyền của Ban Tổ chức giải thưởng.
- Ban Giám khảo thành lập các Tiểu ban Giám khảo cho mỗi loại hình báo chí và ban hành Quy chế đánh giá, chấm điểm làm cơ sở xét chọn, đề nghị trao giải.
- Kết quả giải thưởng được thông báo công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng.
Trưởng Ban Tổ chức
(Đã ký)
LÊ TRUNG CHINH
Phó Chủ tịch UBND TP. Đà Nẵng
* Trong quá trình thực hiện, nếu có vấn đề gì cần trao đổi hoặc giải đáp, đề nghị các đơn vị liên hệ: Ban Thư ký Tổng hợp Giải Báo chí thành phố theo số điện thoại 0905 767 909 (Thy Uyên), email: thyuyen1977@gmail.com. |