Hiện nay, tại hầu hết các lối vào khu dân cư (KDC) đều có cổng chào gắn với khẩu hiệu tuyên truyền “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”. Đây cũng là cơ sở thể hiện sự quyết tâm của địa phương trong việc xây dựng nếp sống văn hóa - văn minh đô thị.
Thay thế cổng chào xuống cấp
Cách đây không lâu, khi nhận thấy cổng chào trước lối vào kiệt 127 Quang Trung (phường Thạch Thang, quận Hải Châu) bị xuống cấp, các dòng chữ mờ, cờ phướn rách, UBND phường đã kiểm tra, tháo dỡ, đồng thời đề nghị KDC lên phương án thay thế cổng chào mới, phù hợp hơn với cảnh quan tại khu vực.
Trong năm 2019, UBND phường Thạch Thang (quận Hải Châu) hỗ trợ hơn 50 triệu đồng cho các KDC trên địa bàn sửa chữa, thay thế 12 cổng chào, góp phần nâng cao thiết chế văn hóa cơ sở.
Đại diện lãnh đạo phường Thạch Thang cho biết, những năm gần đây, phường Thạch Thang luôn chú ý các giá trị văn hóa, tích cực xây dựng nếp sống văn minh đô thị; thường xuyên đôn đốc, vận động các tổ dân phố trang trí cổng chào, tránh tình trạng cổng chào rách nát, mất mỹ quan. Đây là một trong những tiêu chí để đánh giá tổ dân phố văn hóa, công nhận tuyến đường văn minh kiểu mẫu. Năm 2019, phường Thạch Thang có 39/44 tổ dân phố đạt danh hiệu “Tổ dân phố văn hóa”. Phường Thạch Thang cũng đạt chuẩn văn minh đô thị 5 năm liền (2015-2019).
Tại quận Thanh Khê, cổng chào vào KDC 1 An Xuân (thuộc tổ dân phố 80, phường An Khê) hiện khang trang hơn trước. Ông Nguyễn Văn Minh sống tại khu vực này cho biết, trước đây, cổng chào khá nhỏ, tạm bợ; dòng chữ mờ tồn tại một thời gian dài nhưng địa phương không có kinh phí sửa chữa, thay mới. Đến tháng 8-2019, tổ dân phố họp, vận động người dân đóng góp kinh phí chỉnh trang cổng chào, mua cờ phướn mới. “Đến nay, cổng chào đẹp và không còn nhếch nhác”, ông Minh nói.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, từ năm 2017, tổ chức Mặt trận và các hội, đoàn thể quận Thanh Khê đã đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến với người dân chủ trương xây dựng đời sống văn hóa, văn minh đô thị, trong đó thay thế và làm mới gần 300 cổng chào ở các KDC với nội dung tuyên truyền “Toàn dân đoàn kết xây dựng đô thị văn minh”. Năm 2019, địa phương này tiếp tục sửa chữa, thay thế những cổng chào không phù hợp, đáp ứng nhu cầu thực tế.
Cần chuẩn hóa cổng chào
Trên địa bàn huyện Hòa Vang, 100% thôn, xã có cổng chào văn hóa. Có thể kể một vài cổng chào ở các thôn Phước Hưng Nam, Thái Lai (xã Hòa Nhơn); Miếu Bông, Quan Châu (xã Hòa Châu); Yến Nê (xã Hòa Tiến); Túy Loan (xã Hòa Phong)… Theo ghi nhận của chúng tôi, những cổng chào này khá hoành tráng, được xây dựng bằng bê-tông cốt thép, có hai trụ lớn, bên trên làm mái, lợp ngói đỏ khá đẹp. Để xây dựng được những cổng chào như vậy, theo lời người dân, kinh phí huy động từ vài chục triệu đến cả trăm triệu đồng. Cũng có nơi đời sống người dân còn khó khăn, cổng chào chỉ là hai trụ sắt gắn với tấm bảng nằm ngang có gắn khẩu hiệu.
Từ năm 2015, trước thực trạng nhiều cổng chào xây dựng theo kiểu tự phát, thiếu tính đồng bộ, nhất quán, không theo quy chuẩn, UBND thành phố Đà Nẵng quy định việc thiết kế, xây dựng cổng chào tại các kiệt, hẻm phải được UBND quận, huyện phối hợp với ngành chức năng cấp phép nhằm bảo đảm mỹ quan, phù hợp với cảnh quan từng KDC. UBND thành phố cũng yêu cầu UBND các quận, huyện có biện pháp xử lý những trường hợp xây dựng cổng chào trái phép, không tự phát xây dựng cổng chào, tránh ảnh hưởng đến quá trình cứu hộ, cứu nạn.
Nắm bắt chủ trương này, vài năm trở lại đây, các phường thuộc quận Liên Chiểu đã lập phương án, kế hoạch thay thế nhiều cổng chào KDC. Trong đó, đáng chú ý nhất là hàng chục cổng chào theo mô hình “Cổng làng văn minh” tại địa bàn phường Hòa Khánh Bắc, đồng bộ về hình dáng, kích thước lẫn khẩu hiệu tuyên truyền, như cổng vào kiệt 117 Nguyễn Lương Bằng, kiệt 19 Lạc Long Quân… Điều đáng nói, tất cả kinh phí xây dựng do người dân tự nguyện đóng góp và kêu gọi xã hội hóa, trên dưới 100 triệu đồng/cổng.
Dù vậy, theo quan sát của chúng tôi, trên địa bàn thành phố vẫn còn không ít cổng chào ở các KDC mang nhiều kiểu dáng, kích cỡ khác nhau, cái bằng bê-tông, cái chỉ là khung sắt đơn giản. Càng đi sâu vào KDC, cổng chào càng nhếch nhác. Kinh phí xây dựng cổng chào văn hóa phần lớn do nhân dân đóng góp theo tinh thần tự nguyện nên thiếu tính đồng bộ và nhất quán, nếu không muốn nói là chưa đẹp, chưa phù hợp với bộ mặt đô thị. Có cổng chào ghi cụ thể tên tổ dân phố, khu vực KDC, nhưng cũng có cổng chào chỉ ghi đơn giản câu tuyên truyền, khẩu hiệu.
Là người gắn với các hoạt động văn hóa, thể thao tại địa phương, ông Lê Hữu Việt, Phó Giám đốc Trung tâm Văn hóa - Thể thao và Học tập cộng đồng phường Xuân Hà (quận Thanh Khê) cho rằng, những cổng chào nằm ngay cửa ngõ ra vào KDC, gắn với khẩu hiệu tuyên truyền về đời sống văn hóa như một cách cổ vũ, động viên, thể hiện quyết tâm của người dân trong khu vực. Trong quá trình xây dựng cổng chào, đặc biệt trước các lối vào kiệt, hẻm, ngoài việc cân nhắc khẩu hiệu tuyên truyền, các tổ dân phố cần chú ý kích thước, kiểu dáng phù hợp, hạn chế việc lấn chiếm không gian, cản trở quá trình cứu hộ, cứu nạn, cũng như không bảo đảm mỹ quan đô thị.
TIỂU YẾN