Giữ gìn rạn san hô ở bán đảo Sơn Trà

.

Báo Đà Nẵng tiếp nhận thông tin từ bạn đọc liên quan đến tình trạng các rạn san hô ở bán đảo Sơn Trà bị xâm hại do hoạt động du lịch. Việc này đã xảy ra từ nhiều năm nay nhưng chưa được xử lý triệt để.

Rạn san hô bị xâm hại

Mô-tô nước chạy trên bề mặt rạn san hô. Ảnh: XUÂN SƠN
Mô-tô nước chạy trên bề mặt rạn san hô. Ảnh: XUÂN SƠN

Từ phản ánh của một số người dân và du khách, phóng viên có mặt tại Bãi Nồm - nơi có rạn san hô để ghi nhận tình hình ở đây. Theo ghi nhận, tại đây có nhiều tàu du lịch neo đậu gần rạn san hô cũng như du khách chạy mô-tô ngay trên bề mặt rạn san hô. Chỉ trong vòng 10 phút, đã có gần chục mô-tô nước di chuyển qua lại khu vực này.

Anh Lê Chiến, Trưởng nhóm cứu hộ sinh vật biển Sasa, thường xuyên lặn xuống bãi Nồm để cứu chữa những rạn san hô bị hư hại, chia sẻ: “Khu vực Bãi Nồm được đưa vào khai thác du lịch vài năm nay nhưng giờ đã bị tổn hại so với trước. San hô gãy đổ và chết rất nhiều. Dưới đáy nước nơi san hô sinh trưởng có rác của du khách vứt xuống và đặc biệt là có cả lưới ma (mảnh lưới cũ bị ngư dân vứt đi hoặc lưới rách trôi nổi trong làn nước, khi vướng vào cơ thể cá, tôm, san hô… có thể gây thương tổn cho sinh vật - PV)”.

Theo quan sát của chúng tôi, phần rạn san hô cách bờ tầm 100m đã bị chuyển sang màu trắng, là san hô đã chết. “Là động vật biển, san hô dễ bị căng thẳng bởi tiếng ồn lớn của động cơ mô-tô lan tỏa trong nước. Quá trình này khiến sự phát triển của san hô bị ảnh hưởng và có thể chết”, anh Chiến cho biết thêm. Bên cạnh đó, việc tàu thuyền, nhà nổi thả neo đóng chốt neo thẳng vào rạn san hô cũng khiến loài sinh vật này bị thương tổn.

Chị Dương Thùy Tâm, du khách đến từ Hà Nội lo ngại: “Không chỉ san hô mà cả những du khách thường xuyên bơi lội ở đây cũng rất sợ mô-tô nước, bởi khi phương tiện này di chuyển với tốc độ cao qua Bãi Nồm thì rất dễ gây tai nạn”.

Tăng cường quản lý, bảo tồn san hô và môi trường biển

Tiếp nhận phản ánh từ Báo Đà Nẵng, Chi cục Thủy sản thuộc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) cho biết đã có Công văn số 438/CCTS-QLNTBVNLTN đề cập các giải pháp xử lý cụ thể tình trạng đã nêu. Theo nội dung công văn, trong thời gian qua, Sở NN&PTNT đã tham mưu UBND thành phố ban hành các văn bản nhằm quản lý, bảo vệ san hô và các hệ sinh thái biển khu vực bán đảo Sơn Trà trên cơ sở kết quả đề tài “Điều tra, nghiên cứu rạn san hô và các hệ sinh thái liên quan vùng biển từ Hòn Chảo đến nam đèo Hải Vân và bán đảo Sơn Trà” do Viện Hải dương học Nha Trang thực hiện năm 2006.

Bên cạnh đó, Chi cục Thủy sản đã phối hợp với các địa phương vận động thành lập 2 tổ khai thác kết hợp bảo vệ nguồn lợi thủy sản tại phường Thọ Quang và phường Mân Thái, hỗ trợ kinh phí hằng năm cho 2 tổ để tổ chức tuần tra bảo vệ san hô, các hệ sinh thái biển, nguồn lợi thủy sản tại khu vực bán đảo Sơn Trà; đồng thời xây dựng, duy trì việc sửa chữa hằng năm 3 pa-nô khuyến cáo bảo vệ rạn san hô và các hệ sinh thái biển khu vực bán đảo Sơn Trà.

Đối với tình hình ở Bãi Nồm, Sở NN&PTNT giao Chi cục Thủy sản phối hợp với cơ quan chức năng tăng cường tuần tra, xử lý vi phạm khu vực này; đề nghị tổ khai thác kết hợp bảo vệ nguồn lợi thủy sản phường Thọ Quang tăng cường tuần tra, báo cáo thông tin về các vụ việc gây ảnh hưởng xấu đến nguồn lợi san hô khu vực Bãi Nồm cho Thanh tra thủy sản, Đồn Biên phòng Sơn Trà, Ban quản lý (BQL) bán đảo Sơn Trà và các bãi biển du lịch Đà Nẵng để kịp thời xử lý.

“Đồng thời, đề nghị Sở Du lịch chỉ đạo BQL xử lý nghiêm các đơn vị, cá nhân tổ chức du lịch ở vùng nước Bãi Nồm không tuân thủ các quy định; thông báo, trao đổi kịp thời với lực lượng Biên phòng, Thanh tra thủy sản các vụ việc vi phạm về bảo vệ nguồn lợi san hô”, ông Đặng Duy Hải - Chi cục phó Chi cục Thủy sản cho biết.

Về chương trình phát triển hệ thống rạn san hô hiện hữu, đại diện Chi cục Thủy sản cho biết, theo Quyết định số 541/QĐ-TTg ngày 20-4-2020 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt nhiệm vụ lập quy hoạch bảo vệ và khai thác nguồn lợi thủy sản thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến 2050, khu vực biển bán đảo Sơn Trà nằm trong danh sách 11 khu vực có tiềm năng thành lập thành khu bảo tồn biển được điều tra khảo sát bổ sung.

Sau khi có kết quả điều tra khảo sát tại vùng biển bán đảo Sơn Trà của Bộ NN&PTNT, phía Sở NN&PTNT sẽ tham mưu UBND thành phố rà soát, sửa đổi, bổ sung thay thế Quyết định số 54/2007/QĐ-UBND ngày 13-9-2007 của UBND thành phố quy định về quản lý, bảo tồn rạn san hô và các hệ sinh thái liên quan đến vùng biển từ Hòn Chảo đến Nam Hải Vân và bán đảo Sơn Trà; đồng thời tham mưu UBND thành phố lập khu bảo tồn biển cấp tỉnh hoặc khu bảo vệ nguồn lợi thủy sản theo thẩm quyền quy định tại Luật Thủy sản và Thông tư số 19/2018/TT-BNNPTNT.

Thành phố quy định vùng biển bán đảo Sơn Trà có 5 khu vực có các bãi, rạn san hô và thảm cỏ biển được phân vùng bảo vệ, trong đó có 4 khu vực thuộc vùng bảo vệ nghiêm ngặt gồm: Hòn Sụp, Bãi Bụt, Hục Lỡ - Vũng Đá, Bãi Bắc và Bãi Nồm thuộc vùng phục hồi sinh thái. Cả 5 khu vực này đã được UBND thành phố giao các đơn vị thực hiện thả phao khoanh vùng bảo vệ và tổ chức quản lý, cụ thể Hòn Sụp được quản lý bởi Ban quản lý bán đảo Sơn Trà và các bãi biển du lịch Đà Nẵng. Khu vực Bãi Bụt và Bãi Nồm giao cho Công ty CP Hải Duy và Công ty CP Sơn Trà quản lý. Khu vực Hục Lỡ - Vũng Đá và đông Bãi Bắc giao cho Công ty CP Địa Cầu quản lý.
Theo Chi cục Thủy sản, hệ sinh thái rạn san hô đóng vai trò là vườn ươm, nơi trú ẩn, nơi sinh sản, sinh trưởng và phát triển cho nhiều loài thủy sản. Các vùng rạn san hô còn có tiềm năng bảo tồn đa dạng sinh học và nguồn giống hải sản tự nhiên cho nghề khai thác và nuôi trồng hải sản trên biển; đồng thời đem lại nhiều lợi ích kinh tế như: du lịch, môi trường sống cho nghề cá thương mại, bảo vệ bờ biển và bảo tồn hệ sinh thái của biển. Ngoài ra, rạn san hô là “dây xích sinh thái” quan trọng trong biển và vùng ven bờ. Không có hệ sinh thái rạn san hô, biển ví như “thủy mạc”.

XUÂN SƠN

;
;
.
.
.
.
.