Ngày 6-4-2020, Chính phủ ban hành Quyết định số 13/2020/QĐ-TTg về cơ chế khuyến khích phát triển điện mặt trời (ĐMT) trên mái nhà tại Việt Nam. Quyết định có hiệu lực từ ngày 22-5, theo đó Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) sẽ thực hiện thanh toán lượng điện năng từ hệ thống ĐMT mái nhà phát lên lưới điện quốc gia với giá 1.943 đồng/kWh.
Công ty CP Đầu tư và Phát triển Công nghệ HI-RUBIC thi công điện mặt trời mái nhà tại quận Ngũ Hành Sơn. Ảnh: HUỲNH LÊ |
Xu hướng điện mặt trời mái nhà
Tính đến tháng 7, trên địa bàn quận Cẩm Lệ có gần 400 công trình ĐMT lắp đặt trên mái nhà, với tổng công suất khoảng 9,120 MW. Trong đó nhiều khách hàng đầu tư đường dây 22kV và trạm biến áp công suất 5x1.000 kVA, 630 kVA và 750 kVA, chủ yếu tập trung ở Khu công nghiệp Hòa Cầm, các dự án, nhà xưởng dọc tuyến quốc lộ 1A (xã Hòa Phước, huyện Hòa Vang).
Để khuyến khích người dân, Điện lực Cẩm Lệ hỗ trợ lắp đặt miễn phí công-tơ đo đếm hai chiều, đấu nối vào hệ thống, ký kết hợp đồng mua bán điện với khách hàng theo mức giá quy định, hằng tháng thanh toán tiền điện nếu chỉ số điện phát ra từ hệ thống năng lượng mặt trời lớn hơn sản lượng điện năng tiêu thụ thực tế.
Năm 2019, anh Phạm Đức Tiến (trú phường Khuê Trung, quận Cẩm Lệ) bỏ ra gần 100 triệu đồng đầu tư hệ thống ĐMT trên sân thượng. Trung bình mỗi tháng, hệ thống ĐMT của anh sản xuất hơn 700 kWh, thừa khoảng 400 kWh so với nhu cầu tiêu thụ điện của gia đình. Theo tính toán của anh, mỗi tháng gia đình tiết kiệm gần 2 triệu đồng, chỉ sau 5-7 năm có thể hoàn lại chi phí ban đầu. “Tuổi thọ của hệ thống ĐMT trên 25 năm nên đầu tư vừa có lợi, vừa hỗ trợ nhà nước duy trì ổn định năng lượng điện phục vụ người dân”, anh Tiến nói.
Không có sẵn cơ sở vật chất để đầu tư ĐMT áp mái, Công ty TNHH MTV Đầu tư xây lắp công nghiệp Quảng Nam quyết định thuê lại mái nhà của Công ty TNHH MTV SMC tại Khu công nghiệp Hòa Cầm để thực hiện dự án có quy mô công suất 950kW, bao gồm trạm biến áp 1.000 kVA - 22/0,4kV và đường dây trung áp. Bà Mai Thị Hải, Giám đốc Công ty TNHH MTV Đầu tư xây lắp công nghiệp Quảng Nam cho biết, sau khi Chính phủ có cơ chế khuyến khích người dân đầu tư hệ thống ĐMT áp mái, đơn vị đã nghiên cứu và tìm hiểu quy trình thực hiện. “Hiện nay, các thủ tục đấu nối, ký kết hợp đồng mua - bán điện diễn ra khá thuận lợi, giúp công ty đẩy nhanh quá trình thi công và đưa vào vận hành hệ thống ĐMT”, bà Hải cho hay.
Tại quận Liên Chiểu, chỉ trong tháng 7, ngành Điện lực chi trả gần 2 tỷ đồng tiền điện từ hệ thống ĐMT mái nhà của khách hàng hòa vào điện lưới. Ngoài ra, có 85 khách hàng liên hệ lắp đặt ĐMT mái nhà với tổng công suất 3.877 kWp (nâng tổng số khách hàng đến thời điểm này là 201 người), lượng điện bán lên hệ thống đạt 445.717 kWh/tháng.
Bà Trần Thị Ka Ly (trú phường Hòa Khánh Bắc, quận Liên Chiểu) cho biết, gia đình bà lắp đặt ĐMT mái nhà từ tháng 8-2019, khi sử dụng, trung bình mỗi tháng mùa nắng bà nhận từ 500.000 - 800.000 đồng tiền bán điện. “Lắp đặt hệ thống ĐMT không chỉ giúp gia đình tôi thoải mái sử dụng điện, có số dư để bán lại hệ thống mà các tấm pin năng lượng mặt trời cũng giúp ngôi nhà giảm nhiệt”, bà Ka Ly chia sẻ.
Tiềm năng lớn cho nhà đầu tư
Điện lực miền Trung cho biết, thành phố Đà Nẵng có tiềm năng phát triển ĐMT mái nhà khi có số giờ nắng trung bình 2.100 giờ/năm và sản sinh cường độ bức xạ trung bình 4,89kWh/m2/ngày. Chính quyền thành phố cũng đặt mục tiêu đến năm 2025 nâng tổng công suất lắp đặt ĐMT mái nhà tại Đà Nẵng đạt 100,69 MW (khoảng 4% tổng nhu cầu điện tại địa phương), đồng thời tiếp tục cơ chế khuyến khích người dân và doanh nghiệp tham gia đầu tư vào dự án hấp dẫn này.
Công nhân ngành Điện đang thi công công trình điện mặt trời mái nhà tại tuyến đường Thăng Long, quận Cẩm Lệ. Ảnh: HUỲNH LÊ |
Ông Nguyễn Trung Hướng, Giám đốc Công ty Kỹ thuật Năng lượng môi trường TNHH Bảo Gia Khang cho biết, giá thành pin mặt trời hiện trên thị trường khá rẻ, tuổi thọ khoảng 30 năm nên nhiều hộ gia đình tại Đà Nẵng liên hệ tư vấn, lắp đặt. Theo ông Hướng, ĐMT với ưu điểm sạch, thân thiện môi trường, tận dụng nguồn năng lượng có sẵn từ thiên nhiên mang tính bền vững, có giá trị kinh tế cao nên người dân có thể tận dụng để tiết kiệm nguồn chi phí sinh hoạt giữa thời điểm giá điện ngày càng tăng cao. Ngoài ra, khách hàng sau khi lắp đặt ĐMT áp mái sẽ được cung cấp hệ thống đo đếm hiện đại, dễ dàng quản lý, theo dõi sản lượng, công suất phát qua ứng dụng cài đặt trên điện thoại, máy tính.
Có thể nói, ĐMT mái nhà là xu hướng phát triển nguồn năng lượng bền vững được ngành Điện lực Đà Nẵng khuyến khích trong thời gian gần đây. Bà Trịnh Thị Tình, Phó Giám đốc Điện lực Liên Chiểu cho biết, trong tháng 7-2020, đơn vị ký kết hợp đồng mua - bán điện với hai dự án ĐMT mái nhà lớn gồm: Công ty TNHH Đầu tư và Thương mại Tuấn Phong SOLAR và Công ty Cổ phần Phoenix Energy & Automation. Hệ thống sau khi đấu nối đã hòa vào lưới điện Liên Chiểu tổng công suất khoảng 1.500 kWp và chỉ sau một tháng lắp đặt, sản lượng điện mà hai dự án này sản sinh, bán lên hệ thống đạt khoảng 25.280 kWh.
TIỂU YẾN