ĐNO - Việc bảo quản thực phẩm tươi ngon trong mùa dịch được các chị em nội trợ quan tâm hơn bao giờ hết, và gia đình tôi cũng không ngoại lệ.
Que tăm có nhiệm vụ hấp thụ nước giúp rau giữ độ ẩm tốt hơn, tránh tình trạng nhớt, khô héo. Ảnh: LÊ MAI |
Với rau, củ, quả... tôi cắt bỏ những phần gốc, ngọn không cần thiết để tiết kiệm không gian tủ lạnh, đồng thời loại bỏ phần bị hỏng vì chúng sẽ sinh ra khí ethylene, nấm mốc lây lan, làm hư những thực phẩm khác.
Tôi rửa rau, củ, quả và để thật ráo trước khi cho vào tủ lạnh. Việc rửa rau thật sạch giúp loại bỏ vi khuẩn và hóa chất, vì nếu còn bám trên rau sẽ khiến rau nhanh hỏng. Khi rửa rau, nhớ nhẹ tay để rau không bị dập nát, thời gian bảo quản cũng lâu hơn.
Không nên cắt nhỏ rau, củ, quả vì như vậy sẽ làm mất đi các chất dinh dưỡng thiết yếu và tạo điều kiện cho vi khuẩn phát triển.
Que tăm và khăn giấy sẽ giúp hút nước, giúp rau, củ, quả không bị úng, giữ tươi lâu hơn. Tôi dùng một miếng khăn giấy khô gói phần rau củ lại hoặc lót vào đáy hộp đựng thực phẩm. Sau đó thả vài que tăm vào đáy hộp rồi xếp rau củ vào. Cứ 1-2 ngày, tôi mở hộp kiểm tra, nếu thấy que tăm hoặc khăn giấy bị ướt thì thay khăn và tăm mới.
Với giá đỗ, đậu phụ, tôi hay ngâm vào nước muối trong hộp kín rồi bảo quản trong ngăn mát tủ lạnh. Cách này giúp bảo quản giá, đậu phụ tươi ngon 1-2 tuần. Hằng ngày cần thay nước để hiệu quả bảo quản đạt tối đa.
Với chuối, tôi tách từng trái ra khỏi nải rồi dùng màng bọc thực phẩm bọc riêng từng trái lại, bảo quản tủ lạnh sẽ giữ được 1-2 tuần mà không làm đen vỏ. Nếu để nguyên nải chuối, khí ethylene ở vỏ chuối chín sẽ khiến chuối nhanh chín hơn và vỏ bị thâm héo.
Với bánh mì, bánh tráng cuốn, tôi thường cấp đông. Việc cấp đông giúp giữ độ mềm của bánh 1-2 tuần. Lúc sử dụng, chỉ cần lấy bánh mì, bánh tráng ra để ở nhiệt độ phòng 2-5 phút là bánh mềm, có thể nướng hoặc ăn trực tiếp.
Với những chia sẻ trên, tôi hy vọng bạn có thêm những mẹo bảo quản rau củ quả tươi ngon để dùng hằng ngày.
LÊ MAI