Nhật ký làng những ngày 'ai ở đâu thì ở đó'

.

ĐNO - Ngày 16 tháng 8…

Làng Quang Châu, xã Hòa Châu, huyện Hòa Vang, bắt đầu “đóng băng” mọi hoạt động đi lại, buôn bán, hội họp, giỗ quảy… Những chiếc cổng lâu nay vốn luôn mở rộng cả ngày để đón hàng xóm sang uống bát nước chè bàn chuyện mùa màng, nay khép kín ngăn cách giữa các nhà với nhau một cách đầy cương quyết. Không một tiếng xe máy đi về trên các con ngõ nhỏ. Chỉ có tiếng gà gáy, tiếng chó sủa, tiếng ve kêu và tiếng nhạc bolero mùi mẫn vang lên từ những khu vườn xanh um cây cối.

Đôi lúc có cảm giác như thời gian đang ngược trôi về thời quá vãng. Đó là những năm 80 thế kỷ trước, cả làng chỉ có một chiếc xe máy duy nhất của ông Hòa, chủ máy xay xát lúa gạo. Chiếc xe Honda C50 ấy mỗi lần chạy, ống pô xả khói phì phì như khói đốt đồng. Bây giờ, trên đường làng, duy nhất chỉ có tiếng xe đi về của các thành viên Ban điều hành phòng, chống Covid-19 của thôn khiến không gian càng trở nên yên ắng hơn bao giờ hết.

Nhịp sinh hoạt những ngày thực hiện “ai ở đâu thì ở đó” tuy có thay đổi nhưng không vì thế mà dừng lại. Mấy khi có dịp ở nhà dài ngày nên mọi người tranh thủ chăm lại mảnh vườn, sửa cái chuồng gà hay dành thời gian chơi cùng con cái. Cánh đàn ông nay tạm gác lại thú vui khề khà bên chén trà, chén rượu sau một ngày đồng áng và chuyển sang mục “tám chuyện” qua điện thoại về thông tin dịch bệnh, tiêm phòng vắc xin… Cứ thế, kênh thông tin “truyền miệng” phát không kể giờ giấc này đã trở thành một nét đặc thù của làng quê những ngày chống dịch.

Ở quê, việc đi thu gom rác vẫn theo lịch 2 ngày 1 lần. Người thu gom rác thường đi xe máy kéo theo đằng sau chiếc ba gác nhỏ. Chiếc xe cứ thế mà cù ca cút kít rong ruổi khắp đầu làng cuối xóm. Nhân viên vệ sinh còn mang theo bên mình chiếc loa nhỏ, phát to những bài hát thời thượng như mời cả xóm cùng thưởng thức. Trong những ngày đường quê vắng vẻ, nhiều người chợt nhận ra rằng âm thanh quê kiểng ấy sao bỗng nhiên thân thương đến lạ.

Ngày 18 tháng 8…

Ngày thứ ba trong chuỗi “7 ngày ở yên tại chỗ”, cán bộ thôn phát giấy hẹn đi xét nghiệm Covid-19 cho toàn thể dân làng. Sau 3 ngày chưa ra khỏi cổng, đôi chân tuy có vẻ rộn ràng hơn nhưng dường ai cũng kiệm lời. Gặp nhau chỉ gật đầu chào, hay nhìn nhau cười qua lớp khẩu trang và kính chắn giọt bắn. Cánh đàn ông đưa tay lên lên chào nhau hăm hở. Chiếc loa phóng thanh treo trên nóc nhà họp thôn hoạt động hết công suất kêu gọi bà con đi xét nghiệm đúng giờ, tuân thủ 5K.

Mới chỉ có mấy ngày “ai ở đâu thì ở đó” mà ai cũng thấy thèm đến lạ một tiếng chào hỏi, một nụ cười rạng rỡ mỗi khi gặp nhau! Tuy là nhớ da diết đến thế nhưng khi ngồi vào ghế đợi đến lượt xét nghiệm, ai cũng nghiêm túc thực hiện theo hướng dẫn của nhân viên y tế. Trước khi ra về không quên sát khuẩn tay, điều mà trước đây hiếm thấy trong nếp sinh hoạt của người nông dân…

Tranh thủ vài phút trước khi vào khởi động guồng quay xét nghiệm, trưởng ban công tác Mặt trận thôn Nguyễn Mậu Thôi cho biết: “11 giờ đêm hôm qua, cả ban điều hành thôn nháo nhào khi có một người dân trong thôn xin thông chốt đi khám bệnh vì nghi ngờ nhiễm bệnh do liên quan đến chuỗi lây nhiễm chợ đầu mối Hòa Cường. Cả đêm điện thoại cứ rung lên liên tục. May mà không bị chi!”.

Những ngày này, người nào cũng khư khư ôm cái điện thoại trong người. Bởi cái phương tiện hiện đại này trở thành phương tiện duy nhất để thông báo tình hình dịch, để hỏi thăm sức khỏe, thậm chí chỉ để nghe thấy giọng nói của nhau cũng thấy ấm lòng. Cụ bà Trần Thị Bảy, năm nay 92 tuổi, gọi điện tâm sự với con gái đang ở quận Sơn Trà rằng: “Chưa bao giờ làng mình vắng bóng người qua lại như mấy bữa ni. Con đừng lo, má cũng ở yên trong nhà chớ không dám ra đường. “Cô vy” có chừa ai mô!”.

Ngày 20 tháng 8…

Dạo này trời bắt đầu vào thu nên đêm trở nên dịu dàng hơn bởi hơi sương nhè nhẹ phả vào những khu vườn cây trái. Những vườn cau đổ bóng dưới ánh trăng, khoác lên làng quê một màu yên bình. Tối, điện thoại từng nhà thuộc tổ dân cư số 3 reo lên, giọng cô tổ phó Trần Thị Hiếu Vân thông báo: “Mời bà con sáng mai ra ngõ nhà mình nhận quà rau củ quả của thành phố hỗ trợ”.

Đến ngày thứ năm của tuần lễ đặc biệt, thức ăn dự trữ mới vừa vơi hơn phân nửa. “Phiếu đăng ký đi chợ hộ” chưa dùng tới thì đã nhận được “viện trợ” rau xanh. Điều đó cho thấy rằng chiến lược chống dịch của thành phố quả là chu đáo.

Chị Lê Thị Thục Oanh, cán bộ một ngân hàng nghỉ làm việc vì Covid, cho biết: “Sáng vừa mở mắt đã thấy gói quà gồm bí đỏ, su su, cà rốt, cải thảo… treo trên cánh cổng từ hồi nào”. Hai đứa con chị reo lên thích thú như vừa nhận được món quà của bà tiên trong chuyện cổ tích mang cho. Cầm bịch quà đặc biệt cho những ngày chống dịch trên tay, ai cũng nghe lòng mình ấm lại...

Theo lời chị Vân, ban cán sự tổ được thông báo nhận số rau, củ, quả từ thôn phân phát về mỗi tổ dân cư vào lúc 10 giờ đêm. Chị thức đến đầu giờ của ngày hôm sau và làm cho nhanh để sáng ra mới phân chia đều cho 67 hộ trong tổ… Chị còn thông báo thêm để bà con yên tâm: “Sẽ còn nhiều “gói quà rau xanh” nữa trong nay mai. Thành phố cương quyết không để dân thiếu lương thực thực phẩm đâu mà lo!”.

Trong thời gian thành phố dừng các hoạt động, số ca bệnh được cập nhật hằng ngày như một lời khuyến cáo người dân tăng cường ý thức phòng chống dịch. Vậy mà đọc báo, thỉnh thoảng vẫn thấy nhiều người bất chấp sự nguy hiểm của dịch bệnh cũng như sinh mạng của bản thân, ra đường vì những lý do hết sức vớ vẩn… “Bằng mọi cách, thôn khuyến cáo bà con trong thôn chấp hành triệt để việc “ai ở đâu thì ở đó” để cùng toàn thành phố đẩy lui dịch bệnh sớm nhất”, trưởng thôn Quang Châu Đoàn Bông nói rất cương quyết.

Từ chiều tối, ban cán sự tổ lại quày quả chuyển giấy mời bà con trong thôn sáng mai đi xét nghiệm Covid-19 lần thứ 3. Hy vọng mọi việc được tốt đẹp...

NHƯ HẠNH ghi chép

;
;
.
.
.
.
.