Sau một tuần học sinh học theo hình thức trực tuyến, Báo Đà Nẵng ghi nhận nhiều ý kiến của các phụ huynh bày tỏ băn khoăn về chương trình học, lịch học, việc để trẻ ngồi trước màn hình máy tính quá lâu...
Nhiều phụ huynh có ý kiến lịch học trực tuyến cần kéo giãn, rút ngắn chương trình không cần thiết, chỉ tập trung vào những nội dung chính. TRONG ẢNH: Học sinh tiểu học đang học trực tuyến trong năm học 2021-2022. Ảnh: H.LÊ |
* Chị
N.H , quận Thanh Khê: Mong không áp lịch học bình thường vào học trực tuyếnNăm học này con tôi vào lớp 6. Ban đầu, cháu nhận được lịch học trực tuyến mỗi buổi sáng 5 tiết, bắt đầu từ 6 giờ 45 đến 10 giờ 55 mỗi ngày (thứ bảy và chủ nhật nghỉ). Ngoài ra, chiều thứ sáu học 2 tiết nữa, lịch học buổi chiều tiết thứ nhất bắt đầu từ 12 giờ 50. Như vậy, lịch học trực tuyến cũng giống như lịch học trực tiếp bình thường ở trường.
Ngay trước buổi học đầu tiên, nhà trường thông báo lại giảm áp lực cho học sinh bằng cách chỉ học 3 tiết mỗi buổi, vào lớp lúc 8 giờ sáng. Nhưng đó là lịch tạm thời của tuần đầu tiên, còn những tuần sau nếu vẫn học trực tuyến thì chưa biết như thế nào, khả năng là để tải hết chương trình học thì phải theo lịch như học ở trường.
Tôi rất mong khi đưa ra lịch học trực tuyến, các trường nên lưu tâm việc bảo vệ sức khỏe lâu dài cho học sinh, mà điều này chỉ thực hiện được khi chủ trương của ngành giáo dục thành phố phải rõ ràng và cho phép các trường được làm điều đó. Ngồi nhiều trước điện thoại, máy tính rất có hại cho sức khỏe thể chất và tinh thần của trẻ em. Điều này đã được cảnh báo rất nhiều. Nạp nhiều kiến thức mà tổn hại đến sức khỏe người học thì không nên. Thay vào đó, nếu còn phải học trực tuyến lâu dài, chương trình chỉ nên chọn kiến thức trọng tâm để có thể cắt bớt số tiết mà vẫn bảo đảm nội dung quan trọng. Tiếp đó, với một số tiết như lý thuyết môn Thể dục cũng không nhất thiết đưa vào học trực tuyến. Thay vì ngồi trước màn hình nói về ý nghĩa của việc… tập thể dục, cần dành khoảng thời gian đó cho học sinh tự do vận động.
* Anh Nguyễn Huy Bình (phường Khuê Trung, quận Cẩm Lệ): Cần giảm tải chương trình, rút ngắn thời gian học trực tuyến
Tôi có 2 con học lớp 10 và lớp 12 tại Trường THPT Hòa Vang, lịch học trực tuyến cả hai đều diễn ra buổi chiều, từ 13 giờ 30 đến 16 giờ 40 các ngày trong tuần (khối 10 nghỉ ngày thứ 5, khối 12 nghỉ ngày thứ 6); thứ 7 có thêm tiết sinh hoạt lớp từ 16 giờ 50 đến 17 giờ 30. Con tôi thường ngồi trước màn hình máy tính cho có lệ, ít tập trung và hay làm việc riêng, chưa kể chất lượng đường truyền Internet khá kém, ảnh hưởng đến việc nghe giảng.
Sau một tuần triển khai, tôi cho rằng ngành giáo dục cần đánh giá lại chất lượng học trực tuyến để có cách điều chỉnh tốt hơn, như: Làm sao giám sát sự tập trung của học sinh? Với những gia đình không đủ điều kiện cơ sở vật chất, các em đã trải qua một tuần học tập như thế nào? Cốt lõi của việc học trực tuyến là có hiệu quả hay không, ngành giáo dục nên lấy ý kiến từ phụ huynh, học sinh lẫn giáo viên để có sự đánh giá khách quan, chính xác. Theo tôi, đầu tiên cần giảm chương trình không cần thiết, như môn thể dục cho khối THPT và các tiết thể dục, âm nhạc, mỹ thuật, đạo đức cho khối tiểu học.
* Chị Nguyễn Thị Quỳnh (phường An Hải Đông, quận Sơn Trà): Con học trực tuyến, cha mẹ đi làm nên khó theo sát
Cha mẹ nên đồng hành với con trong quá trình học trực tuyến là điều giáo viên đề nghị phụ huynh chúng tôi trong buổi gặp mặt trực tuyến đầu năm học, nhưng thật sự điều này rất khó. Bởi lẽ, trong thời gian con trai (đang học lớp 2, Trường Tiểu học Ngô Gia Tự - PV) học trên máy, vợ chồng tôi vẫn phải đi làm nên khó theo sát, nhắc nhở; không ít lần cháu đang học thì quay sang chơi game hoặc coi YouTube, không chú ý lời cô giảng. Có hôm vợ chồng tôi có việc đi làm sớm, cháu ở nhà không thể tự vào Zoom cho tiết học 9 giờ, dù chúng tôi đã hướng dẫn trước đó. Tôi thấy rất khó đánh giá chất lượng việc học trực tuyến của con hiện nay.
* Lê Văn Tuấn (phường Hải Châu 1, quận Hải Châu): Trẻ ngồi máy tính quá lâu sẽ ảnh hưởng đến thị lực
Con tôi đang học lớp 5, Trường Tiểu học Hoàng Văn Thụ. Con bị loạn thị bẩm sinh nên khi nhà trường triển khai học trực tuyến, tôi rất lo lắng. Tuần học đầu tiên sau khai giảng, lịch học của con kéo dài từ 9-11 giờ, không có thời gian nghỉ giải lao. Nhìn con mệt mỏi, thỉnh thoảng đưa tay lên dụi dụi mắt khiến tôi bất an, có lúc tôi phải yêu cầu con rời máy để điều tiết lại mắt. Tôi biết làm như vậy là ảnh hưởng đến sự tiếp thu bài học của con, nhưng không còn cách nào khác nếu muốn bảo vệ mắt con.
Tôi nghe nói sau 2 tuần ôn tập, các con sẽ có lịch học chính thức. Thật sự tôi rất lo, chỉ mong thời khóa biểu của các con kéo giãn, không ngồi máy tính quá lâu để không ảnh hưởng nhiều đến thị lực.
* Anh T.N, quận Thanh Khê: Cần quan tâm hơn đến trẻ tiếp thu chậm
3 đứa con của tôi đều đang học trực tuyến, trong đó một cháu học lớp 4 mấy hôm nay sợ đến giờ học vì khó tập trung trước màn hình và không làm nổi tất cả bài tập cô giao làm thêm. Đánh giá một cách khách quan, tôi nhận thấy với lịch học 2 buổi trực tuyến/tuần, mỗi buổi hơn 1 giờ đồng hồ mà con đang học là không nhiều. Ngoài ra, việc cô giao làm thêm 8 bài toán, 1 bài tập làm văn trong vài ngày để sau đó cô sửa bài qua hình thức trực tuyến cũng không quá khó vì mỗi bài đều nhỏ, ngắn, mang tính ôn tập kiến thức cũ. Tuy nhiên, với sức học của con tôi thì bị quá khả năng, cháu không làm nổi, lại thiếu tập trung khi ngồi nghe cô giảng qua màn hình và càng như vậy càng sợ tới giờ học.
Tôi mong rằng, cũng như khi học bình thường, các thầy cô sẽ có sự quan tâm riêng đối với các cháu có học lực không bằng mặt bằng chung của lớp thay vì giao bài đều nhau và đưa ra yêu cầu như nhau. Có thể với những cháu này, thầy cô giao ít bài tập hơn và có 20-30 phút của buổi nào đó trong tuần online riêng cho nhóm này để giáo viên hướng dẫn chậm hơn giúp các cháu bắt kịp chương trình.
T.VÂN - H.LÊ ghi