.

Điều cử tri chờ đợi

Hội trường Quốc hội trong tuần cuối cùng của kỳ họp này có phần nóng lên bởi những quan niệm chưa thống nhất về vai trò, vị trí của doanh nghiệp Nhà nước. Có đại biểu tỏ ý bi quan về khả năng hoàn thành mục tiêu công nghiệp hóa đất nước trong 10 năm tới nếu lực lượng được coi là chủ lực của nền kinh tế, tức là các doanh nghiệp Nhà nước (tập đoàn, tổng công ty) vẫn trong tình trạng làm ăn như hiện nay. Không đồng tình với ý kiến trên, một số người cho rằng phải có một cái nhìn lạc quan và đánh giá đúng về các doanh nghiệp Nhà nước những năm qua, việc đổi mới, cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước hiện nay là do đòi hỏi khách quan của quá trình phát triển chứ không vì sự yếu kém của khu vực này.

Doanh nghiệp Nhà nước nên có vai trò thế nào trong nền kinh tế không chỉ là vấn đề gây tranh cãi ở Việt Nam mà còn là vấn đề của thế giới trong một vài thập kỷ gần đây. Ngay ở các nước công nghiệp phát triển, có lúc, quan điểm tư nhân hóa thắng thế, hàng loạt doanh nghiệp quốc doanh đã được cổ phần hóa hoặc bán cho tư nhân.

Ngược lại, cũng ở những nước này, có thời kỳ Nhà nước quốc hữu hóa hàng loạt doanh nghiệp, chiếm giữ tới 75% các doanh nghiệp công nghiệp, giao thông vận tải, bưu chính-viễn thông, ngân hàng, công ty chứng khoán. Ở Việt Nam, dù theo quan điểm nào cũng không thể phủ nhận được vai trò của nền kinh tế quốc doanh, ngay trong quá trình đổi mới mấy chục năm qua.

Năm 2008, các tập đoàn và tổng công ty Nhà nước đã sản xuất 50% lượng hàng hóa xuất khẩu, 39,5% tổng sản lượng công nghiệp, chiếm 40% tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của cả nước. Khó có thể có nền kinh tế Việt Nam như ngày hôm nay nếu không có các sản phẩm như dầu thô, điện, than đá, phân bón, dệt-may, thủy sản và các hoạt động bưu chính-viễn thông, hàng không, giao thông-vận tải, hệ thống ngân hàng… chủ yếu do Nhà nước năm giữ.
 
Tuy vậy, tình hình sản xuất kinh doanh ở các doanh nghiệp Nhà nước cũng còn nhiều yếu kém, có những yếu kém đến mức đáng lo ngại. Nổi lên hàng đầu trong những yếu kém này là hiệu quả sử dụng đồng vốn thấp, sức cạnh tranh kém, thất thoát nhiều tiền của của Nhà nước.

Theo thông tin từ hội trường Quốc hội, 75% doanh nghiệp lợi nhuận dưới 5%, 47,2% dưới 10%, chỉ có 15 trong số 91 tổng công ty và tập đoàn có tỷ suất lợi nhuận từ 15% trở lên trên 1 đồng vốn. Được Nhà nước giao tiền cho kinh doanh, được hưởng nhiều ưu đãi nhưng chỉ đạt được kết quả như vậy là quá thấp, chưa kể tình trạng thất thoát vốn, hiệu quả kinh tế-xã hội không cao, gây cản trở cho sự phát triển chung của đất nước.

Nhưng việc đổi mới và tổ chức hợp l‎ý các doanh nghiệp Nhà nước không phải chủ yếu do những ưu điểm hay khuyết điểm đó mà là do đòi hỏi của thời kỳ hiện nay, thời kỳ phát triển vững chắc, đi vào chiều sâu. Sau giai đoạn tăng trưởng nhanh chủ yếu do lợi thế về lao động, tài nguyên đã đến thời kỳ phải dựa vào sự tiến bộ trong cơ cấu, tổ chức, quản lý để nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh, tăng sức cạnh tranh cả ở trong nước và nước ngoài trong thế bình đẳng, thống nhất về môi trường và điều kiện hoạt động với các thành phần kinh tế khác.
 
Nhấn mạnh mặt tích cực của doanh nghiệp Nhà nước, sẽ nghiêng về bênh che, bảo thủ. Chỉ thấy nhiều yếu kém, khuyết điểm sẽ bi quan. Khách quan và khoa học, đó là điều cử tri chờ đợi và mong được đáp ứng từ các phiên thảo luận này.

Thanh Bình

;
.
.
.
.
.