.

Hà Tiên ngày về

.

Ngày xưa, khi còn là một cậu bé nhà quê, tôi rất thích lên thành phố, tôi thích cái sự sáng choang, kềnh càng của phố thị. Thế nhưng đến lúc này, không biết sao tôi không còn một chút gì của niềm háo hức ấy nữa, có lẽ do tôi đã lội qua hầu hết các thành phố của đất nước… Giờ đây tôi lại yêu những cái gì giản dị, nhỏ xinh, nhà quê… Bởi vậy mà vào ngày cuối của tháng đầu năm 2008, khi nghe Hội An lên thành phố, tôi lại đâm ra buồn, một nỗi buồn không tên khó cắt nghĩa. Bởi vậy tôi đến Hà Tiên lần này mà trong lòng như kiểu tìm về. Chắc Hà Tiên vẫn còn là thị xã?

Hòn Trẹm resort. (Ảnh tư liệu)

Lòng hiếu cổ khiến khi đến Hà Tiên, tôi đã cố mường tượng ra trên nền đất phủ Sài Mạt (âm tiếng Bantay-Meas là thành bằng vàng) còn lại những gì qua gần 4 thế kỷ chiến tranh liên miên đã tận phá hết thảy.

Tôi cố tìm kiếm những nét vương vất của “tiểu quốc” họ Mạc tại đất Hà Tiên, một điểm tựa vững chắc của người Việt ở phương Nam. Để từ tiền đồn này, cư dân Việt đẩy mạnh cuộc “Bắc tiến” ra hướng sông Tiền, cùng với cuộc Nam tiến từ Biên Hòa, Đồng Nai trở vô, hoàn tất nhanh chóng công cuộc chinh phục vùng châu thổ sông Cửu Long chỉ trong khoảng 50 năm. Đó là cuộc mở mang bờ cõi quan trọng và nhanh nhất trong lịch sử “Nam tiến” của dân tộc Việt Nam.

Những gì thuộc về di sản vật thể như trấn thành Hà Tiên, cung điện Phương Thành, đồn lũy Giang Thành và đặc biệt phố cảng Hà Tiên vang bóng một thời… bây giờ ở đâu? Mạc phủ Hà Tiên chắc chắn rất đặc biệt, vì ngoài thực thi các công việc “nội chính” như của “một vương quốc” thì cung điện họ Mạc là nơi trực tiếp điều hành thương cảng hoạt động buôn bán, tàu bè vào ra, huấn luyện thủy quân, bảo vệ nhân dân, vùng đất, vùng biển cửa ngõ...

Bao quanh cung điện là phố cảng, là làng nghề, là hoạt động thương mại sôi nổi… Trong thế kỷ XVIII, thủy binh trấn Hà Tiên của Mạc Thiên Tứ là một lực lượng hùng mạnh, không chỉ có khả năng làm an tâm các thương thuyền ra vào phố cảng mà còn bảo vệ cả một vùng biển rộng lớn trước sự đe dọa của ngoại xâm và hải tặc.

Hà Tiên vào thời Mạc Cửu là một mắt xích quan trọng ở phía đông vịnh Thái Lan, trên tuyến hàng hải thương mại châu Á qua vịnh Thái Lan, men theo bờ biển Đông Việt Nam lên Quảng Châu - Trung Quốc hay Luzon - Philippin. Cha con Mạc Cửu, Mạc Thiên Tích khi cai quản vùng đất này đã áp dụng một chính sách tự do và coi trọng thương mại.

Hà Tiên vì vậy trở thành điểm đến của các đoàn thương thuyền từ bán đảo Mã Lai, Sumatra, Java, Siam, Ấn Độ, Miến Điện, Phúc Kiến, Quảng Đông, Hải Nam... Ở vào thế kỷ XVIII, Hà Tiên là một thị trấn buôn bán sầm uất, một hải cảng luôn có mặt các tàu buôn phương Tây và các nước Nam Á, trong hải trình từ Tây sang Đông và ngược lại.
 
Những tàu này thường xuyên cập bến, những hiệu buôn của người Hoa lẫn người Việt lần lượt mọc lên, buôn bán nhộn nhịp. Quán xá, hiệu ăn và các cửa hàng mỹ nghệ bày bán mời gọi mọi người. Những lưu dân từ các tỉnh miền ngoài lũ lượt đi thuyền, vượt sóng gió vào Nam, tới đây vừa buôn bán, vừa đánh bắt hải sản và giao lưu với người nước ngoài.

Buổi sáng, tôi lên một nhà hàng nổi nằm sát một phố ở Hà Tiên. Xa xa phía phải là cầu bê-tông Tô Châu, mới toanh, to lớn mà vô hồn. Bên trái lặng lẽ là cầu phao nằm ép sát mặt nước buồn bã nhớ người. Sông Giang Thành hiu hắt tàu bè? Không còn những ngôi lầu với khuôn cửa chạm trổ, sơn son thếp vàng? Không có những chiếc thuyền buồm lớn chờ ăn hàng để ra khơi?

Trên các trang sách, khi nói tới Hà Tiên thì đồng thời một loạt các tính từ đẹp nhất được bộ hành theo: giàu, đẹp, nên thơ, giao thoa văn hóa ba dân tộc, nhiều di sản văn hóa có giá trị, đỉnh cao văn học Tao đàn Chiêu Anh Các… Nhưng Hà Tiên thập cảnh giờ đã ở đâu? Kim Dự lan đào (Núi Pháo Đài) hiện đã bị bao chiếm cho những khách sạn, nhà hàng quán nhậu mọc lên.

Lộc Trĩ thôn cư (xóm Bãi Nò) chỉ còn lại trong những câu thơ di cảo Chiêu Anh Các. Đông Hồ Ẩn Nguyệt (Đầm Đông Hồ) cũng đang bị một dự án lấn biển làm biến dạng… Những cảnh tượng trong thơ Chiêu Anh Các như vầy bây giờ còn đâu ?

Cò đâu kể số muôn vàn

Tuồng mây vén ngút man man bay về

(Cò đậu Châu Nham)

Đã hay lai láng dòng xanh

Cá phun nước mực, hạc quanh khói trà

Nhạn gần xa hãy còn hiệp lũ

Chốn bãi nồm bay phủ mừng xuân

(Sóng nước Nam Phố)

Không hiểu sao, đến Hà Tiên trong những ngày người ta đang hối hả tìm cách quy hoạch Hà Tiên thành một đô thị du lịch, tôi lại nhớ đến Tao đàn Chiêu Anh Các và chùa Phù Dung. Người Hà Tiên ngày nay ai cũng tự hào về mảnh đất đã khai sinh ra tao đàn lớn thứ 2 trong lịch sử văn chương dân tộc thời phong kiến.

Nhưng không ai đủ bình tâm để thấy rằng: ở Tao đàn này, ngoài chủ soái duy nhất là Mạc Thiên Tứ, có ai là gốc Hà Tiên không? Chỉ thấy mấy chục người của tao đàn đều từ các nơi khác đến (Phúc Kiến, Quảng Đông - Trung Quốc, Thuận Hóa, Quảng Nam, Gia Định). Không hiểu sao suốt triều Nguyễn, dù rất khuyến khích mở mang việc học hành thi cử trên đất phương Nam, nhưng qua 20 khoa thi Hương, không có người nào là dân Hà Tiên đỗ Cử nhân Hán học, và nền văn học Hà Tiên cũng không có người nào đủ sức để nối tiếp tao đàn Chiêu Anh Các?

Lại nhớ đến bài thơ “Thạch Động thôn vân” của Trịnh Liên Sơn:

Hô hấp đáo thiên thông đế tọa

Vãn lai tùy địa luyến nham a

Thôn tàn thiên địa tinh hoa khí

Tịnh xuất bồng lai ngũ sắc ca

(Hút phun đến chốn trời cao ngự

Qua lại tùy nơi mến đá cây

Nuốt hết đất trời tinh khí tốt

Nhả ra năm sắc ấy bồng lai)

Thật hào sảng và mạnh mẽ thay ! Thế nhưng nền đất lầu Chiêu Anh Các bây giờ ở đâu cũng chưa ai biết rõ ?

Còn chùa Phù Dung với những pho tượng có cốt xường làm bằng tre, bên ngoài đắp hồ bột, giấy thơm, được sơn son thiếp vàng rất lộng lẫy trầm mặc với câu chuyện về người vợ lẽ Mạc Thiên Tứ chỉ còn là câu chuyện gợi nhớ nàng Tiểu Thanh trong thơ Nguyễn Du… Bởi vậy, nỗi buồn càng lớn!

Trên đường đi-về Hà Tiên, qua Kiên Lương thấy những ngọn khói của mấy cái nhà máy xi-măng Hà Tiên, Holcim nghi ngút trên nền trời mà vẫn thấy lo hơn là mừng… Hà Tiên - Kiên Lương đặc biệt hơn hết ở vùng châu thổ mênh mang sông nước này chính là hệ sinh thái núi đá vôi đặc biệt và duy nhất ở Việt Nam ở nhiều phương diện khác nhau như sự cô lập về mặt địa lý, cảnh quan và địa hình núi đá vôi kỳ vĩ, hang động có tính thẩm mỹ cao, đa dạng sinh học cao với nhiều loài đặc hữu.
 
Sự kết hợp hài hòa giữa biển, núi đá vôi, hang động, rừng ngập mặn, đồi núi đất, đồng lúa… đã tạo nên một chân dung tự nhiên đặc biệt cho Hà Tiên. Tính từ năm 1993, tổng diện tích đá vôi là 3,6 km2, song đến năm 2004 chỉ còn lại 3km2. Chắc chắn con số này sẽ tiếp tục giảm mạnh vì ngày càng có nhiều ngọn khói lò xi-măng ngoằn ngoèo vẽ lên nền trời Hà Tiên…

Lại nhớ hồi người bạn ở Tân Bình khoe đã sưu tập được một loại lan độc nhất vô nhị ở Việt Nam là Lan Bầu Rượu Kiên Lương (Calanthe kienluongensis) mới biết lời anh ta không phải nói khoác chơi vui. Rồi đây, khi những con đường rải nhựa lao tới, cắt chéo những vùng đất biên địa hoang sơ này, những loài ốc đặc hữu tại các núi đá vôi ở Hòn Chông, những loài chân đốt và voọc bạc quý hiếm trên một số đồi đá vôi Moso, Lô Cốc, Khoe Lá, và núi Chùa Hang sẽ không còn ngôi nhà để sinh tồn.

Hang động khô khốc không còn là nơi cư trú của một số loài chim, dơi, để theo mùa theo năm mà ăn côn trùng và thụ phấn cho cây sầu riêng. Lại nhớ hình bóng hai cha con ở hòn Phụ Tử, quấn quýt bên nhau qua bao tháng năm, giờ đã lìa xa, và đành chịu cảnh cô đơn giữa sóng biển bạc đầu.

Đường từ Hòn Trẹm về Hà Tiên vẫn còn nhiều quãng cây cối tự nhiên chạy dọc hai bên đường. Cây thốt nốt đơn độc bên những cây dừa, cây keo lá tràm. Bần, đước, sứ, vẹt vẫn còn bám theo mặt đường chạy ra tận những con sóng biển dù cho nhiều đoạn vẫn bị con người cắt khoảnh phân lô để nuôi tôm, nuôi cua xuất khẩu. Đôi chỗ nhà dân lấn ra mặt vịnh, những nền đất bơm cát chờ ngày đóng cọc bê-tông xây nhà cao tầng…

Tôi có thói quen tham lam là đôi khi trên đường lữ thứ tôi cứ hay tự hỏi một câu: nếu mình đến đây luôn để ở thì được không ? Đến Hà Tiên, câu ấy lại hiện lên rất rõ… Tôi quay ra phía ngoài cầu Tô Châu chừng gần 10 cây số, rồi đứng ngắm nghía đất đai ở đấy như thầy địa lý tìm huyệt mộ cho mình, và thấy lòng thật yêu mến nơi này. Lòng lại muốn ly hương. Ca dao Hà Tiên có một câu rất lạ, nhưng lại rất hợp với tôi lúc ấy: Hà Tiên dẫu chẳng là quê / Mà sao vẫn cứ đi về bên nhau.

Tối về ngủ ở resort Hòn Trẹm. Nửa đêm mở cửa thấy dưới chân những ngọn đèn xanh đỏ của ngư dân đánh bắt cá thắp lên giữa tiếng sóng rào rào. Ngay sát những ghềnh đá cheo leo, bóng người trên những chiếc thuyền nhỏ soi đèn, cầm vợt, thong dong mà nhỏ nhoi mờ mờ giữa nhân ảnh. Không nhìn thấy dãy núi Chung Sơn huyền thoại.

Hòn Kiến Vàng cũng không thấy. Buổi tối ở hòn Trẹm thật yên tĩnh. Lại nhớ những quán cóc lác đác mọc lên hai vệ đường nằm dưới những cây sao, cây dương, cây mù u... Lại nhớ những món quê dân dã như hủ tiếu hấp, chả giò khoai môn chiên, món xôi ba màu (xôi xoài, xôi hột gà và xôi tôm khô), canh chua cá bớp nấu sả nghệ, bún kèn, bánh khéo, rượu mỏ quạ,... Nhớ ốc giác và biên mai, những sinh vật giáp xác sống bám theo các vùng đá rạn, vách đá ngập sâu trong nước biển.
 
Tôi đặc biệt mê Phật thủ, nên khi đến Hà Tiên bao giờ cũng làm mấy que “kem” chuối nướng dẻo thơm của người Khmer… Thật yên lòng khi về ở Hòn Trẹm. Có lẽ đêm vô tư đã phủ xuống thế gian một bóng mờ che lấp hết mọi thứ, che đi đôi mắt luôn mở to với nhiều lo âu, ưu tư thường có của con người?

Rời Hà Tiên, tôi cứ sợ hãi khi nghĩ Hà Tiên ngày nào đó sẽ lên thành phố, và tôi sẽ không còn nơi chốn để yêu nhớ, tìm về… Và cứ phân vân tự hỏi: lòng mình có ích kỷ lắm không khi cứ mong sao Hà Tiên của tôi vẫn mãi mãi là một thị xã lặng lẽ, nồng vị biển khơi, đậm nét hoang sơ?

Ký của LÊ QUANG ĐỨC

;
.
.
.
.
.