Một số đối tượng bệnh nhân phải đồng chi trả chi phí khám chữa bệnh (KCB) với BHXH, ở mức từ 5-20%, theo Luật BHYT, đã khiến không ít bệnh nhân nghèo lo lắng. Với họ, ăn còn chưa đủ lấy đâu để cùng chi trả BHYT..
Với nhiều bệnh nhân phải điều trị bệnh thường xuyên, liên tục, việc phải trả 5-20% chi phí điều trị cũng là một gánh nặng khá lớn đối với gia đình họ. (ảnh chụp tại khoa Hồi sức cấp cứu-BV Đà Nẵng). |
Với chị Mai Thị Miền, ở khu chung cư dành cho người nghèo đầu tuyến đường Sơn Trà-Điện Ngọc, khó khăn càng chồng chất khi cách đây 6 tháng, chị phát hiện bị bệnh ung thư cổ tử cung. Hai lần mổ chỉ cách nhau 20 ngày, chị Miền gần như kiệt sức, tóc rụng gần hết, ánh mắt chị thất thần khi nhìn 5 đứa con đang trong tuổi ăn, tuổi học. Chiếc ghe nhỏ chồng chị làm nghề cá đã bị vỡ trong cơn bão số 9. Cần câu cơm không còn, anh chuyển sang “đi bạn” cho một chiếc tàu đánh cá, nhưng biển động, trong 1 tuần anh mang về cho chị được đúng 50.000 đồng.
Hai đứa con gái lớn của chị hằng ngày đến làm ở các cơ sở chế biến tôm xuất khẩu, có được khoản tiền công 50-70.000 đồng/ngày. Cả nhà trông chờ vào đó. Đang trong quá trình chữa bệnh bằng thẻ BHYT dành cho người nghèo, chị Miền được bệnh viện thông báo phải nộp tiền thuốc chuyền hóa chất bắt đầu từ đầu tháng 8, mỗi lần là 1,6 triệu đồng (người không có bảo hiểm phải nộp 6 triệu).
Đó quả là một số tiền quá lớn đối với những bệnh nhân nghèo, chị Miền đành nhờ con mang sổ khám bệnh qua bệnh viện nhận thuốc, “trốn” bác sĩ và tạm quên chuyện điều trị bằng hóa chất. Chị ngậm ngùi: “Người nghèo mà còn nộp tiền chữa bệnh nữa thì khó quá, trong khi cả nhà phải giật gấu vá vai. Thương hai đứa con đi làm từ 6 giờ sáng đến 6 giờ tối, từ ngày nghe bệnh viện thông báo phải nộp thêm tiền thuốc, hai đứa mỗi ngày gắng làm thêm một tiếng để có tiền cho má chữa bệnh...”.
Trong số hơn 560 hộ nghèo và 26 hộ đặc biệt nghèo của phường Thọ Quang, quận Sơn Trà, phần lớn là những gia đình có người mất sức lao động, người bị bệnh không có khả năng lao động. Cũng như toàn thành phố qua hai đợt điều tra có hơn 1.000 hộ gia đình là hộ nghèo có hoàn cảnh khó khăn, còn gọi là diện “đặc biệt nghèo” để thành phố có hướng giúp đỡ trong chương trình “5 không, 3 có”, thay đổi mục tiêu, tạo hướng thoát nghèo bền vững.
Với những gia đình này, hầu hết đều có người bị bệnh, ốm đau thường xuyên, nên chiếc thẻ BHYT dành cho người nghèo là một trong những cứu cánh giúp họ tiếp cận với các dịch vụ y tế. Hiện toàn quận Sơn Trà có 15.557 thẻ BHYT đã được cấp cho người nghèo trong năm 2009; ngoài ra còn có 12.844 người nghèo được hưởng BHYT trong 2 năm tiếp theo sau khi ra khỏi chuẩn nghèo như quy định của thành phố.
Khi Luật BHYT quy định người bệnh cùng chi trả mức phí KCB, với mức thấp nhất cho mỗi lần là 5%, thì những người bị bệnh hiểm nghèo, bệnh “kinh niên”, lại thuộc diện “đặc biệt nghèo” thì đây quả là vấn đề hết sức nan giải cho người bệnh. Các bác sĩ cũng đã đặt ra vấn đề là có thể xuất hiện một nguy cơ khá tiêu cực, là bệnh nhân nghèo khi không thể thanh toán nổi chi phí điều trị, sẽ trốn viện, bỏ dở việc điều trị.
Mới đây, bà Nguyễn Thị Vân Lan, Chủ tịch Hội Bảo trợ Phụ nữ và trẻ em nghèo bất hạnh TP. Đà Nẵng cho biết, Bệnh viện Phụ nữ thành phố sẽ miễn hoàn toàn viện phí cho bệnh nhân ung thư nghèo. Thông tin này sẽ giúp những phụ nữ bị bệnh hiểm nghèo như bà Mai Thị Miền và rất nhiều phụ nữ khác được điều trị miễn phí.
Luật BHYT mới ra đời là một bước đi đúng. Với mục đích lấy thu bù chi, gắn trách nhiệm cùng chi trả và chống việc kê đơn lạm dụng thuốc của các bác sĩ. Tuy nhiên, đối tượng bệnh nhân nghèo, ăn còn chưa đủ lấy đâu để cùng chi trả BHYT. Ông Nguyễn Hùng Anh, Trưởng phòng Thu, BHXH Đà Nẵng cho biết, trong năm 2009, thành phố đã có gần 86.000 thẻ BHYT dành cho người nghèo, với mức phí bảo hiểm tương ứng vào khoảng trên 9,7 tỷ đồng (năm nay số tiền chữa bệnh bằng bảo hiểm dành cho người nghèo chỉ giảm ở con số gần 26 triệu đồng).
Hiện nay, mức thực chi bảo hiểm KCB cho người dân toàn thành phố năm 2009 là (ước tính) gần 214 tỷ đồng, vượt quỹ đến gần 45 tỷ đồng (quỹ BHYT của thành phố năm nay chỉ ở mức 168,6 tỷ đồng).
Theo Luật mới, người bệnh sẽ cùng chi trả một mức từ 5-20% chi phí KCB, số chi vượt sẽ giảm một phần, đỡ gánh nặng cho ngân sách. Nhưng BHXH Đà Nẵng vẫn gửi công văn nêu rõ những khó khăn mà bệnh nhân là người nghèo sẽ gặp phải khi phải trả một số ít tiền khám bệnh, để thành phố có hướng hỗ trợ, đặc biệt là những người có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, nhưng đến nay vẫn chưa có công văn phản hồi về vấn đề này.
Các mức được thanh toán BHYT: Đối với KCB đúng tuyến: Bottom of Form Mức 1: BHYT thanh toán 100% chi phí KCB, người bệnh không phải cùng chi trả: Trẻ em dưới 6 tuổi; Người có công với cách mạng. Tổng chi phí của một lần KCB hiện tại thấp hơn 15% mức lương tối thiểu (thấp hơn 97.500 đồng) Mức 2: BHYT thanh toán 95% chi phí KCB, người bệnh đồng chi trả 5% chi phí còn lại: Người hưởng lương hưu; trợ cấp mất sức lao động; trợ cấp bảo trợ xã hội theo quy định của pháp luật. Người thuộc hộ gia đình nghèo, người dân tộc thiểu số. Mức 3: BHYT thanh toán 80% chi phí KCB và người bệnh đồng chi trả 20% chi phí còn lại: Áp dụng cho các đối tượng còn lại. Đối với KCB vượt tuyến: BHYT thanh toán 30% chi phí KCB và người bệnh đồng chi trả 70% chi phí còn lại.
HIỀN LƯƠNG