.

“Làm đẹp” cho bộ mặt công sở

.

Ngày 18-5-2009, Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng ban hành Chỉ thị số 06/CT-UBND về “Tiếp tục tăng cường thực hiện kỷ luật, kỷ cương hành chính tại các cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp trên địa bàn thành phố Đà Nẵng”. Trong đó, nhấn mạnh năm 2009 là năm tập trung làm chuyển biến rõ nét tác phong, lề lối và thái độ công tác của cán bộ, công chức, viên chức; thực hiện “Nụ cười công sở” trong quan hệ xử lý công việc của tổ chức, công dân; thông qua đó góp phần thay đổi diện mạo của các cơ quan hành chính Nhà nước ngày càng thân thiện hơn, gần gũi hơn với tổ chức, công dân.

Văn bản và thực tiễn: Vẫn còn khoảng cách

“Nụ cười công sở” đã làm hài lòng người dân.

Một phóng viên (PV) gọi điện đến cơ quan một hội đoàn ở Đà Nẵng để xin số điện thoại của một cán bộ ở quận nọ. “Đây là văn phòng hội đoàn T., em hỏi có việc gì không?” - một giọng nữ trả lời. “Chị cho em xin số điện thoại của…”. Vẫn giọng nữ đó: “Văn phòng không có người, tôi chỉ là khách”, rồi cúp máy cái rẹt. PV cảm thấy hụt hẫng.

Giọng nói đó thì có lạ gì, một chị tuổi trung niên. Chạy xe tới trước cổng cơ quan hội đoàn, PV gọi điện vào, vẫn người đó bắt máy. Khi nghe hỏi “Xin lỗi, cho em hỏi đây có phải Văn phòng hội đoàn T. không?”, giọng bên kia cụt lủn “Nhầm máy rồi!” và lại cúp máy.

Thiết nghĩ, cán bộ văn phòng là bộ mặt của cơ quan, đơn vị. Xử sự thiếu thân thiện (nếu không nói là quá kém) như thế thì người khác sẽ nghĩ gì về cơ quan, đơn vị mình đang công tác?

Vừa rồi, PV được một phó trưởng phòng ở huyện Hòa Vang đồng ý (qua điện thoại) gặp tại cơ quan để làm việc. PV đến, bất ngờ gặp trưởng phòng (ông này trước đó bị ốm, mới đi làm lại), ông bảo ngồi chờ phó trưởng phòng, rồi về phòng mình. Phó trưởng phòng đến, nói với PV: “Thôi, anh qua gặp anh trưởng phòng đi.

Tưởng đâu không có ảnh, chứ có ảnh thì sếp nắm bắt hết, rõ ràng hơn nhiều”. PV đi gặp trưởng phòng thì cửa phòng ông này đóng kín, một chuyên viên đứng ngoài gọi điện vào nhưng ông không bắt máy. Hôm đó có đủ lãnh đạo gồm một trưởng phòng và ba phó trưởng phòng, nhưng không ai chịu làm việc với PV.

Ngẫm lại, PV thấy lâu nay mình đâu có viết bài gì “phê phán” người ta đến nỗi họ phải đối xử với mình lạnh nhạt đến thế?! Mà dẫu có bị “phê” thì chủ nhà cũng không thể đem cái sự “bế quan tỏa cảng” ấy ra mà đối xử với khách.

Mới đây, PV đến làm việc với hiệu trưởng một trường THCS ở quận nọ theo như đã hẹn. Hai bên đã biết nhau, thế nhưng một bên ngồi ở phòng trong, ngước mắt vô cảm nhìn ra khách một chút rồi tiếp tục gọi điện thoại, một bên cảm thấy bị “quê”, bỏ ra ngoài hành lang. Lát sau, PV quay lại thì tình hình vẫn chưa cải thiện chút nào. Xong cuộc điện thoại, hiệu trưởng tiếp thêm một phụ huynh nữa rồi mới “hạ cố” đi ra phòng ngoài, ngồi cái phịch xuống ghế, chừng hơn phút sau, thấy khách vẫn còn đứng, mới lên tiếng: Mời anh ngồi.

Có thể nói việc thực hiện Quyết định 1866/QĐ-UBND là việc làm thường xuyên, mang tính chấp hành, lâu dài và ổn định đối với tất cả các cơ quan, đơn vị và cán bộ, công chức, viên chức; tuy nhiên mức độ chuyển biến lề lối làm việc của tập thể đơn vị và của cá nhân phải cần có một khoảng thời gian nhất định để nhìn nhận và đánh giá một cách chính xác.

Nguồn: noivu.danang.gov.vn

Ôi! Cái văn hóa ứng xử! Giá như lãnh đạo của trường THCS ấy biết gật nhẹ đầu hoặc vẫy tay (kèm theo nụ cười càng tốt) chào khách một chút thì cuộc sống mới đáng yêu làm sao!

Ngày 4-3-2008, Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng ký Quyết định số 1866/QĐ-UBND về việc ban hành Kế hoạch “Tăng cường thực hiện kỷ luật, kỷ cương, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong lề lối làm việc của cán bộ, công chức, viên chức tại các cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp trên địa bàn thành phố Đà Nẵng”. Quyết định đã được triển khai thực hiện hơn 20 tháng qua tại 23 sở (tương đương) và 8 quận, huyện trên địa bàn thành phố, nhưng một vài nơi, một vài cán bộ, công chức (CBCC) vẫn còn những hành vi ứng xử đáng tiếc như thế.

Làm cho đủ cái còn thiếu

Người dân có thể phản ánh thái độ, cung cách
của CBCC qua nhiều hình thức.

 

Trong Hướng dẫn Tiêu chuẩn và thủ tục công nhận các danh hiệu văn hóa trong phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” trên địa bàn thành phố giai đoạn 2008-2010, Ban chỉ đạo phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” thành phố Đà Nẵng quy định một trong những tiêu chuẩn đối với CBCC là:

Bảo đảm giờ giấc và đeo thẻ công chức trong làm việc; thái độ vui vẻ, giao tiếp ứng xử văn minh, giải quyết công việc nhanh gọn, không gây phiền hà cho người dân. Nhờ đó, đã giảm thiểu đáng kể tình trạng một số CBCC ở một số các cơ quan, đơn vị có thái độ ứng xử không đúng mực với các tổ chức, công dân đến liên hệ công tác.

Đã một thời, CBCC bị người dân đánh giá là có gương mặt lạnh như tiền, vô cảm, nói năng cộc lốc, vô lễ với cả người lớn tuổi... Gần đây, sau khi thực hiện “nụ cười công sở”, CBCC ở Đà Nẵng đã hiện ra trong mắt người dân với một dáng vẻ mới. Bà Nguyễn Thị Hồng, Trưởng phòng Nếp sống văn hóa và Gia đình (Sở Văn hóa-Thể thao- Du lịch thành phố) lạc quan: “Chuyển biến tích cực dễ nhận thấy nhất là ở các tổ một cửa của UBND các quận, huyện, của các cơ quan, đơn vị. Nếu thấy CBCC nào có thái độ tiếp dân không chu đáo, quan liêu, cửa quyền, hách dịch... người dân có thể phản ánh qua hòm thư hoặc sổ góp ý”.

Để giáo dục CBCC làm tốt hơn, bản thân các cơ quan, đơn vị cũng phải tạo điều kiện để các tổ chức, công dân góp ý. Tuy nhiên, theo nhận xét của ông Nguyễn Hữu Hòa, Phó Chánh văn phòng Sở Tài chính, lâu nay việc lập hòm thư góp ý hiệu quả không lớn, chỉ có đơn thư khiếu nại, tố cáo mới gửi vào đây; còn góp ý về tư cách, ứng xử của CBCC qua kênh này còn ít. Ghi vào sổ góp ý của cơ quan, đơn vị thì nhiều người rất ngại, hầu như họ chưa góp ý gì cụ thể, chỉ có ghi nhận những vướng mắc về thủ tục hành chính, chứ chưa có góp ý gì về cách ứng xử, giao tiếp của CBCC.

Việc lấy ý kiến qua phiếu thăm dò hằng năm (theo quy định của thành phố) để đánh giá mức độ hài lòng của tổ chức, công dân đối với cơ quan, đơn vị qua việc thực hiện các thủ tục hành chính cũng đã góp phần giúp CBCC ứng xử ngày một văn hóa hơn trong giao tiếp. Thêm vào đó, ông Hòa cho rằng có trình độ cao thì CBCC sẽ ứng xử tốt hơn:

“Như ở Sở Tài chính, hiện có gần 96% CBCC có trình độ từ đại học trở lên, nhận thức của họ đương nhiên tốt hơn một số đơn vị khác về trình độ chuyên môn. Đã qua môi trường đào tạo, giáo dục như vậy thì đương nhiên việc ứng xử, giao tiếp sẽ tốt hơn một số đơn vị có cán bộ, công nhân trình độ thấp hơn”.

Tuy nhiên, nói như thế không có nghĩa là văn hóa ứng xử bao giờ cũng tỷ lệ thuận với bằng cấp. Bởi, nói như Edouard Herriot (1872-1957), nhà khoa học và chính khách, viện sĩ Viện hàn lâm Pháp, “văn hóa là cái còn sót lại khi ta quên tất cả, là cái còn thiếu khi ta đã học tất cả”. Vấn đề là tự thân mỗi CBCC nhận thức được mình là bộ mặt của cơ quan, có thế mới góp phần tạo dựng diện mạo cơ quan ngày càng thân thiện hơn, gần gũi hơn với tổ chức, công dân.

VIÊN PHÚC QUÂN

;
.
.
.
.
.