.

Ngoại binh

.

Cầu thủ ngoại nhập bỗng trở thành đề tài tranh luận sôi nổi mấy ngày qua sau một giải pháp vừa được Liên đoàn Bóng đá Việt Nam đề cập đến trong tiến trình cải tổ các giải đấu trong nước. Theo đó, có thể từ vài mùa bóng tới, số lượng cầu thủ nước ngoài nhập quốc tịch Việt Nam được vào sân trong một trận đấu chỉ gói gọn là một người.

Lima - cầu thủ ngoại của Thể Công mùa bóng 2009. (Ảnh tư liệu)

Nếu có người thứ hai, dù cũng là cầu thủ nhập tịch thì người ấy vẫn không được tính như một nội binh. Quy định này chắc chắn nhắm đến việc hạn chế số lượng cầu thủ nước ngoài thi đấu trong các giải V-League và hạng nhất quốc gia, đồng thời như một biện pháp ngăn chặn trào lưu nhập tịch ào ạt từng xảy ra ở vài câu lạc bộ, điều có lúc được báo động như một nguy cơ làm thui chột cơ hội thi đấu để mài giũa tài năng của cầu thủ trong nước.

Những người chủ trương giải pháp này - nghe đâu đứng đầu là tân Phó Chủ tịch Liên đoàn Bóng đá Việt Nam Phạm Ngọc Viễn - có lý do để mạnh dạn theo đuổi ý tưởng hạn chế ngoại binh. Sức ép thành tích, nhu cầu trụ hạng hoặc thăng hạng trong điều kiện cạn kiệt nhân tài bóng đá trong nước đã khiến nhiều câu lạc bộ chọn giải pháp cấp thời tăng cường ồ ạt nguồn cầu thủ nước ngoài. Nhiều cầu thủ ngoại tình nguyện nhập tịch, trở thành nội binh da màu trong lòng đội bóng thuần Việt.
 
Thực tế cho thấy có nhiều cầu thủ nước ngoài thực tâm khao khát nhập tịch và nhận thức được giá trị thiêng liêng khi trở thành người Việt, thi đấu cho một câu lạc bộ Việt - thậm chí khoác áo tuyển thủ quốc gia. Song cũng không ít người trở thành cầu thủ nhập tịch chỉ vì mục đích duy nhất là giúp câu lạc bộ mà họ đang đá thuê đối phó với quy định của VFF hạn chế cầu thủ nước ngoài. Hiện tượng nhập tịch thiếu cân nhắc có lúc làm nhiều người lo ngại sẽ tác động không tốt đến tiến trình phát triển của làng bóng nước nhà.
 
Các câu lạc bộ thờ ơ với công tác phát hiện, đào tạo nguồn lực trẻ từ các nhân tố trong nước, chỉ lo chạy theo mua sắm “hàng ngoại” có sẵn, bất chấp chất lượng của các món hàng. Cơ hội thi thố tài nghệ của đội ngũ cầu thủ trẻ trong nước ngày càng hiếm hoi vì khó mà chen chân với ngoại binh. Dù đã xuất hiện một số trường đào tạo cầu thủ triển vọng, nhưng đó là chuyện đường dài ở một số rất ít câu lạc bộ nhìn xa trông rộng.

Thực tế cho thấy tìm được những cầu thủ nội giữ vai trò đầu tàu trong đội hình ra sân ở V-League hay Giải hạng nhất quốc gia quả là chuyện không dễ. Thực tế này xuất phát trước hết từ việc làng bóng nước nhà ngày càng khan hiếm tài năng nhưng không thể không nhắc đến mảnh đất dành cho cầu thủ nội địa thi thố tài nghệ ngày càng hẹp trước cái bóng cao to của đội ngũ cầu thủ ngoại nhập. Cứ xem thành công của các câu lạc bộ hàng đầu V-League mùa qua sẽ rõ: Hầu hết nhân tố quyết định là ngoại binh, họa hoằn lắm mới có vài ngôi sao nội trầy trật chen chân khẳng định tên tuổi.

Tuy vậy, giải pháp hạn chế sự lấn lướt của ngoại binh lại đụng chạm trực tiếp vào mặt tích cực của xu hướng khai thác nguồn lực cầu thủ nước ngoài nhằm nâng chất các giải đấu trong nước, qua đó tăng thêm tính hấp dẫn trong các cuộc tranh tài, đồng thời tạo môi trường cọ xát thiết thực cho cầu thủ Việt Nam. Thực tế cũng cho thấy chất lượng V-League và Giải hạng nhất ngày càng tăng nhờ vào chất lượng không ngừng được nâng lên của các câu lạc bộ nhờ vào các nhân tố nước ngoài.

Bằng việc so tài trực tiếp với cầu thủ ngoại có chất lượng hoặc cùng sánh vai với họ trong một đội hình, cầu thủ Việt Nam ở nhiều câu lạc bộ ngày càng tự tin, vững vàng trên các đấu trường khu vực và châu lục. Thành công của đội tuyển Việt Nam ở AFF Cup, của câu lạc bộ Bình Dương ở Champions League châu lục mới đây không thể thiếu vắng bóng dáng của tiến trình hòa nhập trước hết từ bản thân cầu thủ ở chính câu lạc bộ của họ qua việc cùng thi đấu với các nhân tố nước ngoài.

Mặt khác, cũng đừng quên rằng không ít cầu thủ nước ngoài tự nguyện và tự hào được nhập quốc tịch Việt Nam, và khi đã là công dân Việt Nam thì họ phải được hưởng đầy đủ quyền lợi công dân, trong đó có việc hành nghề cầu thủ.

Nhiều nước đã đúc kết nhiều kinh nghiệm quý trong việc sử dụng ngoại binh nhưng xem ra áp dụng vào bối cảnh và điều kiện đặc thù của Việt Nam là chuyện chẳng dễ. VFF đang đứng trước thử thách lớn mà muốn tìm được lối đi thích hợp, các quan chức điều hành phải vào cuộc bằng tất cả tấm lòng và tầm nhìn xa.

Tường Phước

;
.
.
.
.
.