“Khi tôi viết Khúc hát ru những em bé lớn trên lưng mẹ, các câu chữ cứ lần lượt đuổi theo cảm xúc và tiết tấu, mà dường như sự thấu suốt là ở đầu ngọn bút chứ không có một toan tính nào cả. Viết xong mặt đầm đìa nước mắt, tôi vẫn bán tín bán nghi không biết bài thơ đã thành công hay thất bại”.
Nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm vẫn nhớ mãi những khoảnh khắc cảm xúc đáng ghi nhớ về những bài thơ gan ruột của đời ông. Nhà thơ Mai Văn Hoan đã chia sẻ cùng bạn đọc ĐNCT những thông tin thú vị trong một cuộc trò chuyện gần đây nhất giữa ông và tác giả của “Đất nước”, của “Khúc hát ru những em bé lớn trên lưng mẹ...”.
* Đã có ai hỏi ông về cơ duyên nào đưa ông đến với thơ?
Nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm: Tôi nghĩ dòng xúc cảm sẽ được người đọc chấp nhận. |
Lớn lên chúng tôi mỗi đứa đi một ngả. Lên đại học tôi cũng làm thơ. Nhưng chỉ dám ghi trong sổ tay. Có một lần đến thăm nhà thơ Chế Lan Viên ở 56 Trần Hưng Đạo-Hà Nội, tôi đưa ông xem. Khi tôi đến xin lại sổ tay, ông trầm ngâm rồi chỉ nói với tôi một câu: “Cháu cố gắng viết nhiều thêm nữa”. Tôi linh cảm thơ mình chẳng ra sao, xấu hổ muốn chết. Nhưng đến khi chuẩn bị vào chiến trường, tôi lại đến thăm ông. Ông dắt tôi ra quán, mỗi người ăn một vắt xôi với ruốc bông, ông còn tặng tôi mấy hào để đi tàu điện. Không nói gì về thơ. Mấy hôm sau thì tôi vào Nam, cuối 1964.
Vào Nam rồi tôi cũng viết đôi bài thơ nhỏ, nhưng cũng nhận ra mình chưa nhập cuộc thực sự với thi ca. Những năm đầu ở chiến trường, lần đầu tiên mình được sống trọn vẹn với cuộc chiến đấu gian khổ của dân tộc, biết thế nào là nhân dân, thế nào là đồng đội, thế nào là kẻ thù, thế nào là đời sống văn hóa phía Nam, phong phú và phức tạp. Chính lúc đó mình cảm thấy mình có thể viết được một cái gì cao hơn những gì đã viết trong tâm thức một thời đi học.
Tháng 4-1969, tại cơ quan Tuyên huấn Khu ủy Trị Thiên, tôi bắt đầu viết một loạt bài “Đất ngoại ô”, “Con chim thời gian”, “Người con gái chằm nón bài thơ”... với tất cả xúc cảm của người trong cuộc, có nghĩa là tôi đang vào cuộc với thi ca, tôi ý thức mình có sứ mệnh thi ca trong cả cuộc đời. Thơ với tôi là cuộc sống chính mình. Cũng như cuộc sống với bao vui buồn, nỗ lực là mảnh đất của hồn thơ tôi. Tôi không dám nghĩ đến một khả năng ngôn ngữ nào bẩm sinh. Với tôi, thơ ca là tấm lòng nung nấu với cuộc sống.
* Ảnh hưởng của quê hương và gia đình trong cuộc sống ông?
- Tôi sinh ra ở cái làng nhỏ, nơi mà cha và mẹ tôi đều bị Pháp bắt an trí, đưa về đó. Làng Ưu Điềm. Bà nội Đạm Phương đặt tên tôi: An Điềm (an trí ở Ưu Điềm). Lớn lên đi học, tôi cảm thấy tên mình dài như tên con gái, tôi mạo muội bỏ chữ An và thành tên như hiện nay. Kể những chuyện nhỏ như vậy chỉ để nói, tôi chịu ảnh hưởng nhiều mặt của gia đình. Mặc dù khi trở thành con người có ý thức, tôi chưa có điều kiện sống bên bà tôi, cũng như bác tôi, cha tôi, chú tôi, họ là những nhà trí thức và đã hy sinh trong cuộc chiến đấu lâu dài của dân tộc. Và chính điều đó càng đậm nét nỗi đau đớn và vẻ đẹp cuộc đời họ lên tâm trí tôi.
Tôi yêu và tự hào về quê hương mình - thành phố Huế, kinh đô ngày trước của chúng ta. Bạn có thấy Huế đã gieo một tầm ảnh hưởng lên những hồn thơ Nguyễn Du, Cao Bá Quát, Phan Bội Châu, Xuân Diệu, Huy Cận, Tố Hữu, Nguyễn Bính, Tế Hanh, Lưu Trọng Lư... như thế nào không? Chỉ riêng điều ấy Huế đã trở thành biểu tượng đẹp trong tâm hồn chúng tôi.
* Bài thơ “Khúc hát ru những em bé lớn trên lưng mẹ” và trường ca “ Mặt đường khát vọng” đều được ông viết vào năm 1971?
- “Khúc hát ru những em bé lớn trên lưng mẹ” viết vào buổi sáng ngày 25 tháng 3 năm 1971, tại cơ quan Tuyên huấn Khu ủy Trị Thiên. Trước đó nửa tháng, tôi có chuyến công tác dọc Trường Sơn trên vùng biên giới Việt-Lào. Đến núi Ka-lưi, tôi đã gặp em Cu Tai, còn khúc hát ru là viết từ xúc cảm. Lúc đó máy bay và bom đạn của giặc gầm rú suốt ngày đêm, số phận của đất nước từng giây phút bị đe dọa. Tôi muốn có một tiếng hát ru vỗ yên cho em bé ngủ, nuôi lớn những giấc mơ cao đẹp của em mà cũng là của chúng ta cho một thắng lợi cuối cùng.
Trường ca “Mặt đường khát vọng” được viết tại trại sáng tác của Hội Văn nghệ Giải phóng Khu Trị Thiên vào tháng 12 năm 1971. Lúc này, phong trào đấu tranh chống Mỹ và tay sai trong học sinh, sinh viên và đồng bào lao động các giới tại Huế lại bùng lên mạnh mẽ. Phong trào “Hát cho đồng bào tôi nghe” vang dội đường phố. Từ vùng căn cứ, tôi hằng ngày được đọc những thông tin, những tạp chí tranh đấu, những xấp ảnh ghi đầy đủ những cuộc xuống đường đầy khí thế của các bạn trẻ, không lùi bước trước lưỡi lê và khói lựu đạn cay, gây cho tôi cảm xúc mạnh mẽ như mình đang lao ra mặt đường với bè bạn.
Tôi đem tất cả xúc cảm nóng bỏng đó vào trại viết, đẩy ngòi bút đi rất nhanh trên trang giấy. Bom B52 đánh bay tung cả ngôi nhà chúng tôi ở, bản thảo rải trắng đất, chúng tôi lại nhặt nhạnh viết tiếp, lòng dâng lên xúc cảm mới, mong muốn chia lửa với các anh chị sinh viên trên đường phố. Đó là những giây phút lạ lùng của một người sáng tạo.
* Ông tin rằng dòng xúc cảm trong những tác phẩm của mình sẽ được người đọc chấp nhận?
- Trong “Khúc hát ru những em bé lớn trên lưng mẹ...” điều làm tôi đến giờ vẫn ngạc nhiên là không biết thế nào tôi đã tìm tới cấu trúc kết hợp giọng nói của tác giả với giọng ru của bà mẹ người dân tộc thiểu số, tạo nên ba chương nối tiêp nhau trong cùng một cấu trúc như chương đầu, với nội dung luân chuyển từ thấp đến cao, cho đến cao trào ở chương thứ ba. Nó như một khúc ca, cân đối trong các chương, vì vậy tôi quyết định đặt tên “Khúc hát ru những em bé lớn trên lưng mẹ”.
Thêm một điều nữa, tôi bắt được chất giọng giản dị, dễ hiểu, cách lập ngôn có tính hình tượng của người dân miền núi. Điều may mắn là các câu chữ cứ lần lượt đuổi theo cảm xúc và tiết tấu, mà dường như sự thấu suốt là ở đầu ngọn bút chứ không có một toan tính nào cả. Viết xong mặt đầm đìa nước mắt, tôi vẫn bán tín bán nghi không biết bài thơ đã thành công hay thất bại. Nhưng linh cảm mách bảo tôi đã viết tốt.
Chương Đất nước trong “Mặt đường khát vọng” là một chương tôi viết hồ hởi, phóng khoáng nhất. Tôi không chịu để mình bị trói buộc theo một thể thức nào cả. Tôi không ngại bỏ qua mọi sự mực thước cần có khi nói đến một chủ đề trang trọng và thiêng liêng là chủ đề Đất nước. Bởi vì tôi đề cập đất nước qua lời âu yếm của một đôi gái trai, trong sự nồng nhiệt, bồng bột mà không kém phần sâu lắng của một thế hệ học đường.
Họ yêu nhau và họ yêu đất nước, họ không cần những hình tượng đã trở thành khuôn thước, những triều đại bảng vàng bia đá, lòng họ trong trẻo những ca dao, tục ngữ, họ sống với những giá trị muôn đời. Vì vậy, chương Đất nước là một phát ngôn lạ, có thể đem lại cho bạn trẻ niềm xao xuyến ngọt ngào. Trong cách lập ngôn như vậy, khó đạt tới một sự hoàn chỉnh về tri thức, nhưng tôi nghĩ dòng xúc cảm sẽ được người đọc chấp nhận.
MAI VĂN HOAN (Thực hiện)