.

Trường chuẩn quốc gia bên cầu Thuận Phước

.

Đã một thời, ở khu vực tả ngạn sông Hàn, nơi có những khu nhà chồ nhếch nhác, hệ thống trường mầm non chẳng khác gì vùng nông thôn, cũng sơ sài, lụp xụp, không đáp ứng yêu cầu chăm sóc, giáo dục trẻ. Thế rồi, mọi sự đã khác, khi tiềm năng của cả vùng đất bên kia sông được đánh thức…

Giờ chơi mà học về Luật Giao thông đường bộ ở Trường mầm non Họa My.

Năm 1976, cô Lê Thị Đờn là một trong 5 cô nuôi dạy trẻ đầu tiên phụ trách các lớp mầm non (lúc đó gọi là lớp mẫu giáo), tiền thân của Trường mầm non Họa My, phường Nại Hiên Đông. 5 cô giáo với 5 phòng học nằm rải rác khắp địa bàn phường, lãnh đạo địa phương đã tạo điều kiện cho cô và cháu trong những ngày đầu khó khăn. Phụ huynh phần lớn làm nghề biển, ai cũng muốn làm một điều gì đó để phụ giúp các cô sớm chiều chăm sóc con em mình, nhưng nhiều khi họ cảm thấy “lực bất tòng tâm”.

Nhu cầu trẻ đến trường ngày một đông mà các phòng học thì, vì nhiều lý do, trong một thời gian dài vẫn chưa mở rộng được. Cũng phải đợi đến cuối những năm 90 thế kỷ trước, trường mới được ngành Giáo dục giao thêm 6 phòng học của Trường cấp 1-2 Nại Hiện Đông và UBND phường xây thêm 4 phòng học mới, 2 ở khu vực Nại Hưng 3 và 2 ở khu vực Nại Tú. Nhờ đó, năm học 1997-1998, năm học đầu tiên sau khi Đà Nẵng trở thành đơn vị hành chính trực thuộc Trung ương, trường có 5 cơ sở với 8 lớp mẫu giáo, trong đó một nửa học bán trú.

Hệ thống trường mầm non toàn thành phố nói chung, Trường mầm non Họa My nói riêng thực sự có được chuyển biến tích cực sau khi UBND thành phố phê duyệt đề án quy hoạch mạng lưới trường lớp mầm non thành phố Đà Nẵng giai đoạn 2001-2010. Từ đó, quận Sơn Trà, phường Nại Hiên Đông đều cấp kinh phí xây dựng nhiều phòng học mới, từng bước tạo ổn định về cơ sở vật chất để nhà trường nâng cao chất lượng chăm sóc, giáo dục trẻ, tạo yên tâm cho phụ huynh.

Từ năm 1998, trường liên tục đạt danh hiệu “Trường tiên tiến”, đây là một trong những điểm mạnh để trường phấn đấu xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia. Cứ tưởng một trường có điểm xuất phát thấp như thế thì đội ngũ giáo viên (tiêu chuẩn 2) sẽ khó đạt, nhưng điều mà cô Lê Thị Đờn, hiện là hiệu trưởng, lo lắng lại là cơ sở vật chất, thiết bị (tiêu chuẩn 4).

Điều này không còn là nỗi lo khi UBND thành phố thực hiện kế hoạch quy hoạch chung, đã bố trí một khuôn viên rộng 2.350m2 tại khu C14 Vũng Thùng, đầu tư 2 tỷ đồng xây dựng cơ sở chính cho nhà trường với 7 phòng học, 7 phòng chức năng và một bếp ăn đạt chuẩn quy trình một chiều. Ngôi trường mới khang trang, sạch đẹp này đã hoàn thành trước ngày khai giảng năm học 2007-2008.

Trường mới nằm trên khu vực tái định cư, phụ huynh nhiều người đến từ các địa phương thuộc diện di dời, giải tỏa. Cả trường có 22 giáo viên, nhưng chỉ có 5 cô là người địa phương, trong đó có 3 cô vừa về theo diện tái định cư ở Nại Hiên Đông. Năm 2000, khi cầu Sông Hàn khánh thành đưa vào sử dụng, các cô giáo nhà ở bên kia sông đã thấy trường lớp và các cháu gần lại. Từ giữa tháng 7-2009 đến nay, các cô càng cảm thấy gần gũi hơn, khi cầu Thuận Phước chính thức hoàn thành với đầu cầu phía đông cách không xa trường các cô. Tuy các cô mỗi người một nơi, một hoàn cảnh, nhưng tất cả đều xem trường như một ngôi nhà chung, không ai bỏ nghề giữa chừng, kể cả những cô dạy hợp đồng.

Đồn Biên phòng 252, đơn vị kết nghĩa với trường, đã có những sẻ chia thắm tình quân dân. Không chỉ giúp trường khắc phục hậu quả những cơn bão dữ, đơn vị còn giúp chuyển đồ dùng từ trường cũ sang trường mới, dọn dẹp tạo cảnh quan sư phạm... Người dân Nại Hiên Đông, trong đó có không ít người từ xóm nhà chồ bước lên đất liền, lâu nay không còn lạ gì cảnh trường lớp nghèo nàn, lụp xụp.

Giờ đây, ai cũng hởi lòng hởi dạ trước ngôi trường mới toanh, bảo nhau có khó khăn gì cũng cố gắng đưa con cháu đến học. Những người lênh đênh mưu sinh trên biển, mỗi lần quay về là mong được sớm nhìn thấy hai trụ dây văng của cây cầu mới sừng sững bên ngọn núi Sơn Trà. Nơi đó, con em họ đang sớm chiều được bảo ban, chăm sóc...

VIÊN PHÚC QUÂN

 

;
.
.
.
.
.