.
Ứng xử giới trẻ

Những bài học từ diễn đàn

.

Có ai đó đã nói rằng, mọi lỗi lầm trong cuộc đời đều do chính chúng ta gây ra mà thôi. Và quan trọng hơn là chúng ta đã nhận biết, học hỏi được gì từ việc khắc phục lỗi lầm.

Giờ chào cờ đầu tuần cũng là dịp để nhà trường nói chuyện với các em về văn hóa ứng xử.

“Khi xã hội phát triển, chúng ta buộc phải trang bị tiếng Anh, mạng, vi tính, xe máy, điện thoại… như một phương tiện để bước vào đời. Bạn nghĩ như vậy là đủ và có bao giờ bạn giật mình nếu gặp trên đường hình ảnh không đẹp của giới trẻ trong cách ứng xử với bạn bè, người lớn?” là câu hỏi của học sinh (HS) Trần Thị Phước Thanh, Trường THPT Nguyễn Hiền đưa ra thảo luận trong Diễn đàn “Chúng tôi là 9X” do Thành Đoàn Đà Nẵng kết hợp với Sở GD&ĐT thành phố tổ chức trong khuôn khổ Ngày hội HS THPT diễn ra vừa qua.

Thiếu những diễn đàn về văn hóa ứng xử

Theo ghi nhận của chúng tôi, tham gia diễn đàn “Chúng tôi là 9X” về đối thoại giữa HS và những nhà tâm lý đến từ TP. Hồ Chí Minh trong Ngày hội HS THPT vừa qua, chỉ có 12 trong tổng số 20 trường THPT trên địa bàn thành phố cử đại diện HS tham gia như THPT Phan Thành Tài, Nguyễn Thượng Hiền, Ngũ Hành Sơn, Lê Quý Đôn, Phan Châu Trinh, Thái Phiên, Hoàng Hoa Thám…

Con số ấy không nhiều, dù đây được xem là những hoạt động chứa đựng nhiều thông tin bổ ích mà giới trẻ quan tâm về tâm tư, tình cảm, giới tính cũng như nguyện vọng của mình. Chưa kể đến việc các em HS được trò chuyện, trao đổi với nhau hay học cách nói lên những thắc mắc, suy nghĩ của mình về tâm lý lứa tuổi.

Bạn Hồ Vũ Bình, HS Trường THPT Hòa Vang chia sẻ, diễn đàn đã tạo điều kiện cho Bình giao lưu, học cách nói lên suy nghĩ của mình. Mới đầu, các bạn khá rụt rè khi nói đến giới tính và những quan niệm về giới, nhưng sau lại thảo luận sôi nổi về tính cách của con gái, con trai ở lứa tuổi học đường và nêu ra những tình huống, cách ứng xử còn mang tính bộc phát trong sân trường, ngoài xã hội.

Tuy nhiên, với hàng ngàn HS đến từ 20 trường THPT trên địa bàn thành phố mà chỉ có 60 em đại diện cho 12 trường tham gia diễn đàn này là một con số rất hạn chế, không tạo được sức lan tỏa mạnh. Thạc sĩ tâm lý Bùi Văn Vân, Trưởng khoa Tâm lý-Giáo dục, Trường ĐH Sư phạm Đà Nẵng chia sẻ, lời ăn tiếng nói, ngôn ngữ giao tiếp với người lớn tuổi, với bạn bè đồng trang lứa hay trang phục mà bạn trẻ khoác trên người… đều thể hiện tính cách của họ.
 
Trong môi trường học đường, khả năng giao tiếp của HS rất hạn chế, nếu cộng thêm những ức chế về tâm lý từ gia đình, áp lực chuyện học hành, các em rất dễ phát ra những lời nói xấc xược. Khi những mâu thuẫn đó không được giải quyết kịp thời bằng thái độ tích cực thì chuyện xảy ra xung đột chỉ còn là vấn đề thời gian.

Bằng chứng là thời gian gần đây, Đà Nẵng xảy ra nhiều vụ bạo lực học đường nghiêm trọng dẫn đến chết người. HS hiện nay còn thiếu những diễn đàn về văn hóa giao tiếp mang tính “thông tin đại chúng”. Những diễn đàn có cả cha, mẹ, những người thầy, người cô… để các em có dịp chia sẻ, nói lên những suy nghĩ của mình. Qua đó, những người có trách nhiệm có thể nắm bắt được yếu tố tâm lý phức tạp của các em để có hướng uốn nắn, giáo dục thích hợp.

Biết kiềm chế “cái tôi đáng ghét”

Những sân chơi lành mạnh là nơi các bạn trẻ có thể chia sẻ, trao đổi những vấn đề quan tâm.

 

Trong diễn đàn “Chúng tôi là 9X”, Lê Duy Tài, HS Trường THPT Ngũ Hành Sơn đưa ra một ví dụ khá phản cảm thuộc về văn hóa ứng xử như việc không ít bạn trẻ sau khi ăn uống xong, ngậm tăm đi lại “hồn nhiên” ngoài đường, hay đưa ra những lời chửi mắng kiểu “Ông (bà) không có mắt à?”, khi ai đó vô tình chạm vào xe của họ. Nhiều bạn trẻ hiện nay đặt cái tôi “lên đầu” khi nói chuyện với người khác, cái mà bạn nghĩ là “có cá tính” mà không nghĩ tới việc người ta sẽ nghĩ gì và nghĩ như thế nào về “thái độ thiếu thiện cảm” ấy của bạn… là những điều Tài trăn trở.

Trong một cuộc gặp gỡ giáo viên trẻ ngày 20-11 vừa qua do Sở GD&ĐT tổ chức, Nhà giáo Nhân dân Lê Phú Lộc, nguyên Trưởng ty Giáo dục QN-ĐN (cũ) chia sẻ với giáo viên trẻ và những em HS những điều thầy đã đúc kết trong cuộc đời của mình: “Đôi khi, chỉ là một lời nói vui thôi, nhưng nếu nói không đúng lúc và đúng hoàn cảnh, sẽ trở thành vô duyên và thiếu tế nhị.

Mọi người sẽ nhìn các em bằng con mắt thiếu thiện cảm. Đừng để cái tôi điều khiển mình. Tuổi trẻ rồi cũng qua, có lúc các em đủ chín chắn để nhìn nhận mọi việc. Khi ví von cuộc sống như một tấm gương, các em sẽ thấy giá trị của cho và nhận. Hãy thử cười thật tươi, bạn sẽ thấy “người trong gương” cười với bạn. Khi bạn khóc, sẽ có người cùng khóc như một sự chia sẻ. Và khi bạn cau có, đừng mong nhận được ở người khác nụ cười…

Trong cuốn sách “Đối thoại với cái tôi của tuổi trẻ”, Tiến sĩ Tâm lý Huỳnh Văn Sơn cho rằng, có thể nhận thấy trong sâu thẳm sự phát triển tâm lý của lứa tuổi thanh niên là sự phát triển của cái tôi, là sự tranh đấu giữa tôi và ta, tôi và người khác, là sự giằng xé giữa riêng và chung, giữa cái cá nhân và cái chuẩn mực... Tất cả điều đó làm nên những đặc điểm rất đáng yêu ở độ tuổi này, nhưng nếu không tỉnh táo thì biết bao chuyện dở khóc dở cười cũng xuất phát từ chữ “tôi” dễ ghét ấy.

Trong vòng 0,45 giây, Google đã cho 76.7000 kết quả liên quan đến cụm từ “văn hóa ứng xử của giới trẻ”. Phần lớn đó là những bài viết phê phán về văn hóa ứng xử của giới trẻ, với những cái nhìn thiếu thiện cảm về một bộ phận lớn thanh, thiếu niên trong xã hội hiện nay.

Theo Thạc sĩ tâm lý Bùi Văn Vân, chúng ta không thể “vơ đũa cả nắm” nhưng cũng không thể chấp nhận được những biểu hiện phản cảm trong lối sống hiện nay của giới trẻ. Trong xã hội hội nhập và phát triển, gia đình, nhà trường và xã hội chỉ có thể chấp nhận những biểu hiện này ở một chừng mực nào đó chứ không thể thỏa hiệp với những hình ảnh xấu. Đà Nẵng cần tổ chức nhiều hơn nữa những diễn đàn về văn hóa-ứng xử để các em có thể nói lên những suy nghĩ của mình.


TIỂU YẾN

;
.
.
.
.
.