* Gần đây, tiến tới Đại lễ Nghìn năm Thăng Long – Hà Nội, các phương tiện thông tin đại chúng thường nói tới An Nam tứ đại khí. Xin quý báo nói rõ hơn về đề tài này. (Trương Văn An, Hải Châu, Đà Nẵng).
- Theo Từ điển Bách khoa Việt Nam, An Nam tứ đại khí là 4 công trình nghệ thuật bằng đồng nổi tiếng của văn hóa thời Lý, Trần, nhưng nay đều không còn. (1) Tượng Phật chùa Quỳnh Lâm (Đông Triều, Quảng Ninh). Tương truyền, do nhà sư Minh Không đời Lý đúc. (2) Tháp Báo Thiên dựng năm 1057 ở Thăng Long (Hà Nội), chỏm tháp bằng đồng. (3) Chuông Quy Điền (chuông ruộng Rùa), đúc năm 1101 ở chùa Diên Hựu (chùa Một Cột), Thăng Long. (4) Vạc Phổ Minh, ở chùa Phổ Minh, Thiên Trường (Nam Định), đúc vào thời Trần Nhân Tông (1279 - 1293).
Sơ đồ vị trí tháp Báo Thiên ở thành Thăng Long (vẽ theo bản đồ Hồng Đức 1490). |
Tượng Phật chùa Quỳnh Lâm (một trong những ngôi chùa nổi tiếng nhất đời Trần) ở xã Hà Lôi, huyện Đông Triều, tỉnh Quảng Ninh. Bia chùa Quỳnh Lâm chép rằng, tượng Phật ở đây cao 6 trượng, đầu tượng chạm nóc điện cao 7 trượng, đứng ở bến đò Triều Đông xa mươi dặm (gần 5km) còn trông thấy rõ. [Theo Từ điển tiếng Việt của Hoàng Phê (chủ biên), NXB KHXH, Hà Nội, 1988, trượng có 2 nghĩa: 10 thước Trung Quốc cổ (khoảng 3,33 mét) hoặc 4 thước mộc (khoảng 1,7 mét)]. Thời gian xâm lược nước ta (1407-1427), giặc Minh đã phá hủy chùa và cướp tượng mang đi. Đầu thời Lê, chùa được dựng lại, nhưng đến đời Thiệu Trị (1841-1847) lại bị đốt trụi.
Tháp Báo Thiên (gọi đầy đủ là Đại thắng tư thiên bảo tháp) được dựng vào năm Đinh Dậu (1057) đời Lý Thánh Tông. Theo Đại Việt sử lược, tháp cao 20 trượng, gồm 30 tầng (có tài liệu chép là 12 tầng), số tầng chẵn thể hiện lời cầu chúc cho triều Lý (1009 – 1225) ổn định, tĩnh tại, bền vững dài lâu. Ngọn tháp đúc bằng đồng khắc ba chữ Đao Ly Thiên tỏ ý tưởng của đấng Tối cao xông lên tận trời thẳm. Đỉnh tháp có tượng người tiên bưng mâm ngọc hứng móc ngọt làm thuốc cho vua. Sau khi được trùng tu nhiều lần vì thiên tai, tháp đã bị quân Minh phá hủy để đúc súng.
Chuông Quy Điền được đúc trong lần sửa lại chùa Diên Hựu vào tháng 2 năm Tân Tỵ (1101) đời Lý Nhân Tông. Để đúc chuông, nhà vua đã cho sử dụng đến 12 ngàn cân (7,3 tấn) đồng. Chuông đúc xong, đánh không kêu, nhưng vua cho rằng đó là thành khí, không hủy mà sai người vần chuông ra khu ruộng sau chùa. Do thấp trũng, có nhiều rùa, nên ruộng có tên là Quy Điền (ruộng Rùa), từ đó gọi chuông là chuông Quy Điền. Tháng 10 năm Bính Ngọ (1426), chuông Quy Điền đã bị Vương Thông (nhà Minh) cho phá hủy để chế súng đạn, hỏa khí.
Vạc Phổ Minh được đúc vào tháng 2 năm Nhâm Tuất (1262) đời Trần Thánh Tông (lúc đó là Thượng hoàng) về chơi Tức Mặc và đổi tên Tức Mặc thành phủ Thiên Trường, dựng cung Trùng Quang để các vua sau khi đã nhường ngôi về ở. Phía Tây cung Trùng Quang vua cho dựng chùa Phổ Minh và đúc một chiếc vạc lớn, cho khắc bài minh lên vạc. Tương truyền, miệng vạc dày và rộng đến nỗi hai người có thể chạy nhảy và đi lại trên đó. Cùng với chuông Quy Điền, tháng 10 năm Bính Ngọ (1426) khi bị vây ở Đông Quan, Vương Thông đã cho phá vạc Phổ Minh, trước đó đã được quân Minh chuyển từ Thiên Trường (Nam Định) về Đông Quan (Hà Nội).
ĐNCT