Họa sĩ Nguyễn Đức Hạnh (Thúc Hạnh), người thường được biết đến với danh hiệu “họa sĩ dân làng” vừa qua đời vào ngày 9-3, tại nhà riêng ở xã Hòa Nhơn, Hòa Vang, TP Đà Nẵng, sau một cơn bệnh đột ngột. Trước đó hai ngày, ông vẫn có mặt tại một cuộc triển lãm tranh cá nhân tại Nhà văn hóa xã Hòa Phú, và đang háo hức chuẩn bị tác phẩm tham gia cuộc Triển lãm Chào mừng 35 Ngày giải phóng thành phố Đà Nẵng sắp đến...
Họa sĩ Nguyễn Đức Hạnh
Họa sĩ Nguyễn Đức Hạnh quê quán Nghệ An, cư trú tại Hòa Nhơn, Hòa Vang (TP Đà Nẵng) - hội viên Hội Mỹ thuật Việt Nam. Ông tốt nghiệp Cao đẳng Mỹ thuật công nghiệp Hà Nội năm 1967, sau đó vào Nam sống, chiến đấu và vẽ tranh gắn bó suốt thời trai trẻ bên cạnh những đồng đội văn nghệ sĩ Hà Xuân Phong, Nguyễn Hoàng Kim, Chu Cẩm Phong, Thanh Quế... ở chiến trường khu 5, Quảng Nam - Đà Nẵng.
Sinh thời, suốt nhiều năm qua, ông luôn dành thời gian lớn lặn lội cùng chiếc xe đạp cà tàng đến từng huyện, xã miền quê tìm chỗ triển lãm tranh để giới thiệu tác phẩm của mình đến với công chúng. Hầu như năm nào ông cũng có tranh trưng bày tại các nhà văn hóa huyện, xã ở Đà Nẵng, Quảng Nam, kể cả Tây Nguyên, và ra... đảo. Trong cuốn sổ tay ghi chép tỉ mỉ của ông, chỉ riêng địa bàn Quảng Nam, tính lại đã có hơn 20 cuộc triển lãm. Cứ mỗi lần nghe nói tranh ông trưng bày, từ những thôn xóm vùng sâu, vùng xa, không ít những mẹ, chị, thương binh, anh bộ đội, em học sinh... lại lũ lượt đến xem. Bởi đơn giản: họ gặp lại chân dung của chính mình, của người thân và ký ức một thuở quê nhà trong tranh vẽ. Đáng ngạc nhiên hơn cả, khi có người hỏi ông: “Tranh của ông phần lớn triển lãm ở các thôn xã miền quê, vậy bán được không?”. Ông trả lời: “Bán làm chi! Tranh tôi không đời nào bán cho ai. Bởi vì tranh bán đi là mất, lấy gì phục vụ cho dân!”.
Chính vì vậy, Nguyễn Đức Hạnh luôn thích được gọi mình là “họa sĩ dân làng”. Tranh của Nguyễn Đức Hạnh thường sử dụng chất liệu màu nước, thuốc nước, thiên về thủ pháp tả thực. Ông chú tâm nhiều đến đề tài Bác Hồ, chị dân công, người chiến sĩ... Do vậy, nhiều người cho rằng, nếu sắp xếp toàn bộ tác phẩm của ông lại, chúng ta sẽ có một cuốn sách lịch sử bằng tranh, ít nhất là vào một giai đoạn không thể nào quên của quê hương đất Quảng. Có thể đó là anh bộ đội hớt tóc trong giờ dừng quân. Có thể đó là hình ảnh của đoàn quân tóc dài, vai trăm cân chân vạn dặm băng qua lửa đạn để kịp phục vụ chiến đấu. Có thể đó là khung cảnh thanh bình diễn tả người thương binh bị mù cả hai mắt vẫn đầy lạc quan bên đời sống gia đình... (năm 1973, ông ký họa chân dung Alăng Bhuôch, một thanh niên mù Cơtu được tuyên dương tại Đại hội Chiến sĩ thi đua các huyện miền núi Quảng - Đà về kỳ tích 10 năm phục vụ dân công hỏa tuyến. Hiện nay, Alăng Bhuôch sống với gia đình tại huyện Tây Giang, sản xuất giỏi và chơi rất hay ba loại nhạc cụ dân tộc truyền thống).
Những tác phẩm của họa sĩ Nguyễn Đức Hạnh. |
Nhà thơ Thanh Quế cho biết: “Tôi thật may mắn được xem phần lớn những bức tranh, những ký họa của Nguyễn Đức Hạnh từ hồi chiến tranh. Thời điểm ấy, việc sáng tác chỉ là việc phụ, việc làm tranh thủ lúc giải lao, giữa giờ làm rẫy, giữa cơn sốt rét, lúc đúc kết kinh nghiệm sau một chiến dịch, những khoảnh khắc mãi mãi hằn trong tâm trí chẳng thể nào quên”.
Theo họa sĩ Nguyễn Trọng Dũng, Chủ tịch Hội Mỹ thuật TP Đà Nẵng, tại cuộc triển lãm chủ đề “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh và chào mừng đại lễ 1000 năm Thăng Long” tổ chức vào tháng 10-2009 tại Hà Nội, họa sĩ Nguyễn Đức Hạnh được chọn trưng bày tác phẩm “Bác Hồ với đất Quảng”. Mới đây, UBND TP Đà Nẵng cũng đã đồng ý duyệt kinh phí theo đề nghị của họa sĩ Nguyễn Đức Hạnh về Triển lãm chuyên đề Hồ Chủ tịch nhân dịp kỷ niệm 110 năm Ngày sinh nhật Bác 19-5-2010. Hội Mỹ thuật Đà Nẵng cũng đã chọn giới thiệu một số tác phẩm của ông trong đợt Triển lãm chào mừng 35 năm Ngày giải phóng thành phố Đà Nẵng (29-3-2010).
“Không vẽ, không đưa triển lãm đến với bà con ở các miền quê thì không chịu được, lúc nào tôi cũng cảm thấy áy náy, day dứt như có lỗi với đồng đội, bạn bè đã khuất. Vì vậy, suốt hơn 30 năm qua trên hành trình nghệ thuật của mình, tôi chưa hề nhận được bất cứ giải thưởng, huân chương nào, ngoại trừ một danh hiệu không dễ ai có được: Họa sĩ dân làng (!)”. Họa sĩ Nguyễn Đức Hạnh |
TRẦN TRUNG SÁNG