Không chỉ bây giờ mà ngày xưa việc học hành thi cử của các cụ cũng buồn vui, hên xui lắm chuyện…
Hai anh em cùng đi thi, bị nghi là chép bài của nhau.
Khoa thi năm 1848 tại trường thi Thừa Thiên, Tham tri Bộ Binh là Hoàng Tế Mỹ làm Chánh chủ khảo, Biện lý Bộ Lễ là Phan Huy Thực làm Phó chủ khảo. Có hai học trò người Quảng Nam dự thi và cùng đỗ Cử nhân.
Khi xem lại bài thi của các thí sinh thi đỗ, hai vị Chánh, Phó chủ khảo vô cùng bối rối vì hai bài thi có nhiều luận điểm giống nhau. Lại là bài thi của hai anh em ruột. Sợ quá, hai vị bèn tâu về triều đình. Thấy vậy, vua Tự Đức cho tổ chức sát hạch riêng từng người, mỗi người ngồi một phòng riêng ở Tả vu và Hữu vu trong điện Cần chánh.
Sau khi xét duyệt, vua phê: “Văn hành công khí, quý đắc chân tài; huynh đệ đồng khoa, thành vi mỹ sự”. Nghĩa là “sự hành văn là việc chung, cốt để chọn chân tài; hai anh em cùng đỗ một khoa đó là điều tốt đẹp”.
Hai anh em ruột người Quảng Nam cùng đỗ Cử nhân khoa thi đó một người tên là Hoàng Kim Giám, 22 tuổi; một người tên là Hoàng Kim Tích, tức Hoàng Diệu, 19 tuổi, quê ở làng Xuân Đài, huyện Điện Bàn, Quảng Nam (nay là xã Điện Quang, huyện Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam).
Đỗ xong, Hoàng Kim Giám không ra làm quan, ở nhà dạy dỗ các em thành tài. Còn Hoàng Diệu, đỗ Phó bảng năm 1853, khi mới 24 tuổi và đã trở thành một trong những danh sĩ hàng đầu của đất Quảng.
May cho anh em Hoàng Diệu, gặp được một ông vua hay chữ và công tâm trong việc thi cử, chứ không thì...
Tiến sĩ dễ hơn Cử nhân
Cụ Trần Quý Cáp là người học giỏi nổi tiếng, nhưng thi Hương mãi không đỗ Cử nhân, do đó không được thi Hội. Học trò cụ nhiều người đỗ đạt, biết tài học của cụ nên đã làm đơn xin cho cụ đặc cách dự kỳ thi Hội với tư cách là người nhiều lần đỗ Tú tài (gọi là Tú tài hạng nhất). Nhờ vậy cụ mới đỗ được Tiến sĩ.
Khoa thi năm Giáp Thìn (1904) cụ đã đỗ Tiến sĩ cùng khoa với cụ Huỳnh Thúc Kháng. Thi Hội, cụ Huỳnh đỗ đầu (Hội nguyên), cụ Trần đỗ thứ nhì và Đặng Văn Thụy đỗ thứ 3. Khi vào thi Đình, Đặng Văn Thụy đỗ đầu, cụ Trần đỗ thứ nhì, cụ Huỳnh tụt xuống vị thứ 3. Như vậy, người đỗ đầu kỳ thi Đình lại đỗ dưới cụ Trần trong thi Hội, còn người đỗ đầu kỳ thi Hội lại đỗ dưới cụ Trần trong thi Đình. Thật là tréo ngoe.
Do điều thú vị đặc biệt này mà cụ Đào Nguyên Phổ, người đỗ Hoàng giáp (đỗ đầu kỳ thi Đình) khoa thi 1898 (khoa thi có Ngũ Phụng tề phi của Quảng Nam), đã tặng cụ câu đối: “Tố Tiến sĩ khước dị, tố Cử nhân khước nan; ức ức dương dương, vô phi tạo ý/ Áp Hội nguyên ư Đình, áp Đình nguyên ư Hội; vinh vinh quý quý, hà tất khôi khoa”. Tạm dịch: “Đỗ Tiến sĩ thì dễ, đỗ Cử nhân lại khó, thăng trầm không phải không do ý trời/ Đỗ trên người đỗ đầu thi Hội trong thi Đình; đỗ trên người đỗ đầu thi Đình trong thi Hội đã rất vẻ vang rồi, cần gì phải đỗ đầu”.
Học giỏi và đỗ thủ khoa nhờ... may mắn!
Huỳnh Thúc Kháng là người chăm học, học giỏi và đỗ cao thì ai cũng biết. Nhưng chuyện sau thì ít người biết:
Phan Châu Trinh có tặng Huỳnh Thúc Kháng một câu thơ “Khách lai vô thoại chỉ đam thư” (Khách đến không nói chỉ mê sách). Câu này đã nói đầy đủ đức tính chăm học của cụ rồi.
Khi học ở trường tỉnh (Thanh Chiêm, Điện Bàn) cùng với 40 người khác gồm cả học sanh (học sinh bình thường), ấm sanh (con của các quan nên được hưởng tập ấm) và Cử nhân (những người đã đỗ trong kỳ thi Hương, chuẩn bị thi Hội) trong đó có Phạm Liệu, Phan Châu Trinh, Nguyễn Đình Hiến... do Đốc học Trần Đình Phong làm Đốc giáo. Trong các kỳ sát hạch, bài của Huỳnh Thúc Kháng luôn được đứng đầu. Ông cho rằng sức học của ông không hơn gì mấy vị kia nhưng nhờ thầy ưu ái. Về sau, trong bài Phải chăng là cái số “Trước phúc đầu họa” đăng trên báo Tiếng Dân vào năm 1939, cụ Huỳnh kể lại rằng: “Cụ Đốc học Mã Sơn bảo: “Học sanh lương ít - ít hơn ấm sanh và Cử nhân, lương ưu mỗi tháng chỉ có 16 quan tiền thôi - anh nhà xa trường, lại nghèo, nên phê cho hạng ưu đặng có tiền ăn học”.
Cũng trong bài viết đó, cụ Huỳnh kể tiếp: “Đến khoa thi năm Canh Tý (1900) trong 4 trường, quyển tôi có một trường ưu, ba trường bình, mà quyển của cụ Nguyễn Đình Hiến 2 trường ưu, 2 trường bình; quyển của cụ Phan Châu Trinh, một trường ưu, một trường bình, một trường thứ, lại ưu trường phúc hạch. Bằng theo quyển thì hai cụ đáng đỗ đầu nhưng vì trường 3 hai cụ nạp quyển có trễ vào số “nạp trì” có thanh tự mới được chấm. Vì thế quyển tôi lại đỗ đầu! Cái Hương nguyên không ngờ!
Đi thi Hội khoa Giáp Thìn (1904) 4 trường hội trong số trúng cách, quyển tôi cùng quyển ông Nguyễn Mai (Tiên Điền, Nghệ An) đều 11 phân như nhau. Quan trường không biết lấy ai đậu đầu, mới hội lại đặt hai quyển lên bảo tên lính không biết chữ bắt thăm, nó bắt nhằm quyển tôi, thế là tôi đậu đầu! Cái Hội nguyên không ngờ”.
Đúng là may mắn đã nhắm vào người “xứng đáng được may mắn”.
LÊ THÍ