.

Cổ tích một tình yêu

.

Lẽ ra tôi phải về đến nhà trước khi ghé thăm bất cứ một ai khác. Thế nhưng khi đi ngang cổng ngõ nhà chị Bường, tôi ngẩn người ra khi nghe tiếng hát ru con vang ra tận đầu ngõ: “Ầu ơ… chị đi kháng chiến trở về. Nhà thông thốc ngọn gió quê lỡ thì. Mưa qua đi, nắng qua đi. Ầu ơ… Chứ… Nỗi buồn ở lại thầm thì sớm hôm…”.

Tôi ngẩn người ra không phải vì giọng hát ru của chị Bường quá hay, cũng không phải vì bài thơ lục bát của ai đó từng làm tôi xuýt xoa khen lấy khen để, mà vì, có đúng là chị Bường đã có con bế con bồng rồi sao. Đã lâu lắm rồi tôi mới về quê. Bấy lâu nay những thư đi tin lại, chị Ngà và mẹ tôi đâu có báo tin chuyện chị Bường có con. Hay là con cái nhà ai nhờ chị Bường trông giúp. Hay là… nếu quả chị Bường đã có con thì cái “nỗi buồn” trong câu thơ kia sẽ không còn lý do tồn tại trong đời chị, dù chị chẳng phải thuộc lớp người kháng chiến, mà là một số phận khác, một hoàn cảnh khác. Cầu mong lời hát ru chị Bường vừa ầu ơ cất lên kia là câu hát òa ra từ vô thức của người mẹ khi chạm tới sợi tao nôi, chứ không phải là tiếng kể lể của một phận người cho vơi bớt nỗi niềm trắc ẩn.

Xách cái túi xách nặng chịch trong tay, tôi ngoặt vào ngõ nhà chị Bường. Hai bên lối đi vào vẫn hai hàng chè tàu được tỉa tót, cắt xén một cách vuông vức. Trên mặt phẳng mỗi hàng đan dày những sợi dây tơ hồng bò lõa xõa xuống hai bên. Vẫn là bậc tam cấp được lót bằng đá chẻ nơi cuối lối vào bước lên sân nhà. Tuổi thơ dại tôi và chị Bường vẫn thường ra ngồi nơi đây chơi trò chồng vợ, nhất là vào mùa nước lụt, vô số thuyền giấy của chúng tôi cũng từ bến bờ này trôi đi, không biết đã tít tắp về những đâu. Tôi vẫn thường là tên thua cuộc mỗi khi chị Bường giận dỗi bắt đền vì một con nước hỗn đã cuốn thuyền chị trôi xa. Thế là bất chấp hiểm nguy, tôi bơi theo con nước lũ đưa thuyền chị trở về cho bằng được. Rét run, ướt sũng, tôi vẫn cầu mong nước lũ đừng rút để dòng sông trước nhà mãi ở lại cùng chúng tôi.

Vừa bước lên khỏi bậc tam cấp, lúc tôi còn tần ngần đứng ở đầu sân nhìn vào nhà, chị Bường đứng bên chiếc võng chừng như đang ru cháu nhỏ, mới vừa kịp trông thấy tôi, chị đã ù chạy ra ôm lấy mừng rỡ và hỏi liên hồi:

- Nhượng về Tết phải không? Trời ơi, tôi ngó chừng mỏi mắt từ hôm nghe Ngà nói lại Tết này Nhượng sẽ về. Làm gì mà biền biệt chẳng nghe tăm hơi, định bỏ làng đi luôn chắc?

Chị Bường vừa nói vừa đấm thùi thụi vào lưng tôi. Rồi chẳng cần nghe tôi trả lời, một tay chị giằng chiếc túi xách, tay kia nắm lấy tay tôi lôi vào nhà như kéo theo một đứa trẻ. Hình như cảm xúc đã làm tôi trở thành nghễng ngãng. Không một chút ngượng ngùng, tôi bước theo chị mà như chạy, như bay!

Chợt tiếng bập bẹ “Ba, ba” của đứa bé đang nằm trong chiếc võng làm tôi sực nhớ lại những suy nghĩ về chị Bường lúc còn dừng chân ngoài đầu ngõ nghe chị hát ru vọng ra. Thấy tôi nhìn chăm chăm vào chiếc võng, có lẽ hiểu được sự phân vân của tôi, nhưng chị Bường vẫn làm ra dáng phớt lờ. Chẳng nói gì thêm, chị thả chiếc túi xách của tôi xuống nền gạch, rồi lại bế xốc đứa bé nằm trong chiếc võng lên đứng thẳng trên vai mình, hai tay chị cầm hai bàn tay bé bỏng của đứa bé đưa lên cao quá đầu. Chị vừa nựng con vừa đi nhong nhong quanh hàng hiên: “Này, này, cười lên đi con trai cưng của mẹ, có ba con về đấy. Cười lên, cười lên cục cưng của mẹ”. Cả hai mẹ con chị Bường cười như nắc nẻ, có vẻ như làm ra dáng cố ý quên tôi đang chưng hửng trố mắt nhìn theo.

Nhà tôi và nhà chị Bường cách nhau hai khu vườn rộng. Từ nhà chị Bường có thể băng qua vườn nhà tôi. Mẹ tôi và mẹ chị Bường vốn là bạn từ thưở tóc còn để chỏm. “Con gái làng Yên như tiên giáng trần”, khi mẹ tôi lấy chồng về bên kia sông Yên, bà cũng tìm cách mối mai cho người bạn gái về làm dâu cùng làng.Vì thế chúng tôi có cùng chung quê ngoại lẫn quê nội. Tôi nhỏ hơn chị Bường một tuổi, chị Bường lại nhỏ hơn chị Ngà của tôi một tuổi. Số phận của mẹ tôi và mẹ chị Bường như có cùng một khuôn với nhau. Cả hai bà đều góa chồng lúc đang còn thanh xuân và ở vậy nuôi con khôn lớn. Có khác nhau chăng là mẹ tôi có được tôi và chị Ngà, còn bác Thiệp – mẹ của chị Bường thì chỉ độc nhất mỗi mình chị.

Nếu như ai cũng có một nơi gìn giữ trong ký ức một phần đời đẹp đẽ nhất thì chị Ngà, chị Bường và tôi có chung một thiên đường như thế. Đó là cái thế giới nhỏ bé từ khu vườn nhà bác Thiệp thông qua vườn nhà mẹ tôi, và ra đến tận bờ sông Yên. Vườn nhà bác Thiệp trồng toàn cau trầu và thanh trà, vườn nhà mẹ tôi hẹp hơn, mẹ lại chuyên buôn bán nên chẳng có người chăm sóc, chỉ lưa thưa chuối và mít ở bốn góc vườn.Vì vườn nhà bác Thiệp trồng cau mà lại toàn đàn bà con gái nên tôi một thời là “anh hùng” tí hon tung hoành trong vườn nhà bác trước sự thán phục của chị Ngà và chị Bường. Những cây cau cao khẳng khiu chọc trời, tôi đã từng trèo bẻ cau cho bác Thiệp không biết bao nhiêu lần. Lần nào có chị Bường đứng dưới đất ngửa mặt nhìn lên là từ trên ngọn cau cao vời vợi tôi chơi trò xiếc, đến nỗi chị Bường phải nhiều phen hú vía chạy đi gọi bác Thiệp ra vườn ngăn cản tôi mới chịu ngừng trò chơi dại dột ấy lại. Đà có lần chị Bường giận dỗi đi nhờ một đứa trẻ khác cùng xóm bẻ cau hộ, thế là đến lượt tôi khóc vì… ghen. Kể từ đó tôi quên hẳn trò chơi ngu ngốc ấy. Hồi còn nhỏ, tôi chưa bao giờ gọi chị Bường là chị. Một Bường, hai Bường, Bường ơi đi thả diều, Bường ơi ra sông tắm… Ngược lại Bường đối với tôi cùng như thế. Chị Ngà đã nhiều lần cắp đôi tôi và Bường, cả mẹ tôi và bác Thiệp nữa. Thoạt đầu chúng tôi còn giẫy nẩy khóc tức tưởi, riết rồi nghe quen quen, nghe thinh thích. Lâu lâu thấy vắng tiếng trêu chọc ấy lại thấy buồn buồn.

Vừa đúng mười lăm tuổi, tôi phải chuyển từ trường huyện ra phố học theo lệnh của cậu Út. Cho dù tôi có khóc lóc, bỏ ăn, làm tình làm tội thế nào cũng chẳng thế chống lại ông cậu quá nghiêm khắc ấy. Buổi sáng tôi bước lên đò qua dòng sông Yên lẽo đẽo chạy theo chân cậu Út. Chị Bường và chị Ngà đứng bên này bờ sông Yên đỏ hoe con mắt nhìn theo. Còn tôi, kể từ ấy, nơi phố xá mà cậu Út hứa ngon hứa ngọt dẫn tới, cứ tưởng đâu như chân trời xa lắc. Nhưng chân trời mà tôi tưởng xa ấy không thuộc về địa lý, mà là chân trời thuộc về một lý do khác. Hình như con người mỗi ngày một lớn lên, biết khôn dại nhiều hơn, cũng là lúc tình cảm tự nhiên có vẻ nghèo nàn lại. Những năm đầu ra phố học, vào dịp Tết hay nghỉ hè tôi thường về nhà, trông ngóng nữa là đằng khác. Vậy rồi dần hồi thưa dần, cho đến khi chị Ngà và chị Bường học xong bậc trung học, chị Ngà thi đỗ vào trường sư phạm, còn chị Bường lại đỗ vào trung cấp nông - lâm, từ đó chúng tôi dường như ngày mỗi thêm ráo hoảnh năm tháng hoa niên của mình.

Ra trường, chị Ngà về dạy tiểu học ở trong làng, chị Bường về công tác ở một lâm trường chuyên trồng rừng. Còn tôi thì giấc mơ “hành phương Nam” đầy quyến rũ đã làm mờ đi dòng sông thơ ấu ít nhiều khi cầm trên tay giấy báo trúng tuyển đại học. Những năm theo học ở Sài Gòn, tôi nhận được tin bác Thiệp qua đời vì một căn bệnh nan y, chị Bường cũng bỏ việc cơ quan về nhà ở luôn từ đó. Học xong đại học, trong khi chờ đợi công việc, tôi có thời gian về quê ở suốt mấy tháng dài. Phải đến có dư mười năm tôi với chị Bường mới có dịp cận kề trở lại. Nhưng bây giờ thì không thể “Bường ơi ra sông tắm, Bường ơi chơi trò vợ chồng” hoặc là “Bường ơi nước lụt vào thềm rồi, đua thuyền giấy đi”. Dường như cả tôi và Bường đều nghe được tiếng gọi ấy cất lên quanh mình, vậy rồi lặng lẽ, vậy rồi nuốt vào trong như một tặng vật của thời gian để mỗi người thường hằng nuôi một giấc mơ không tên không tuổi.

- Nhượng này, sao không xin việc ở quê mà phải ở tít tận phương Nam?

Đó là câu hỏi đến lần thứ mấy rồi chị Bường hỏi tôi. Một buổi chiều, tôi qua chào chị Bường để sáng mai vào Sài Gòn nhận công việc. Vẫn câu hỏi đó chị Bường lặp lại. Tôi nói với chị: “Ở thành phố dễ tìm việc hơn, và… có ở xa thương nhớ mới nhiều hơn”. Chiều hôm đó tôi bắt gặp nguyên vẹn đôi mắt đẹp của chị Bường giống như buổi sáng ngày xưa đã có lần tiễn tôi ra phố học. Ngồi ở bậc tam cấp cuối sân, thời gian im lặng nhiều hơn là lời chúng tôi trò chuyện, một trong những câu chuyện ít ỏi mà chị Bường đã nói cho tôi nghe hôm đó, lại là chuyện quan trọng của đời chị mà chỉ mỗi mình tôi biết.

- Nhượng biết tại sao trước đây tôi xin về một lâm trường ở miền núi không?

- Yêu núi!

- Không, nhờ núi che chở, núi giúp tôi quên… ai ngờ đã không giúp mình quên, lại khoét sâu vào người một vết thương sâu hoắm. Ai cũng nghĩ Bường về nhà ở luôn vì thương mẹ và phải lo hương khói cho mẹ, thực ra thì còn thêm một lý do nữa. Hơn hai năm ở lâm trường, chất độc màu da cam da kiết gì không biết lại nhằm Bường đốn ngã. Khi nằm điều trị ở bệnh viện, bác sĩ lại cho biết mình mất khả năng sinh nở. Thế là Bường quyết định về quê luôn làm… cô gái lỡ thì. Ở nhà còn có Ngà, có Nhượng, có quê và họ hàng nội ngoại tùm lum tùm la, tình yêu sẽ ấm hơn mọi nơi khác phải không Nhượng.

Giọng chị Bường se se như gió bấc, cái thằng “Oắt con” đầy nhạy cảm trong tôi lại thêm một lần “iêng hùng”, nhưng khác với ngày xưa “anh hùng” xiếc đu mình trên ngọn cau, lần này tôi người lớn rồi nên “oai phong” một lời hứa:

- Vậy thì chị Bường xin con nuôi đi, Nhượng sẽ làm bố đứa bé cho!

- Thật không?

- Xin những viên đá chỗ chúng ta ngồi đây làm nhân chứng

Buổi chiều hôm đó dài hơn mọi buổi chiều chúng tôi ngồi với nhau. Cả hai cùng nhỏ dại như ngày xưa nhỏ dại. Chị Bường đã ôm chầm lấy tôi reo lên như bắt trên tay niềm hạnh phúc trẻ thơ trong veo không lấm một chút bụi nào.

* * *

Thằng oắt con đẹp hết chỗ nói, nhất là cái miệng cười toe toét. “Đàn ông rộng miệng thì sang”. Nhưng con cái nhà ai ngon lành như thế này lại để lọt vào tay chị Bường.

- Nhượng làm sao mà đứng như trời trồng thế, quên những viên đá ở bậc tam cấp này à.

- Quên sao được mà quên. Vừa nói tôi vừa bước ra sân theo chị. Không ai bảo ai, chúng tôi cùng ngồi xuống bậc tam cấp. Rêu xanh lún phún mọc dày trên từng viên đá chẻ. Tôi vu vơ lấy tay bóc từng lớp rêu, hình như đã có ai đó nói rằng: Rêu là biểu thị của sự quên lãng, đồng thời rêu cũng là thành quách giữ gìn tiếng nói của thời gian. Tôi đang ở phía nào đây không biết nữa. Chị Bường ôm thằng bé vào lòng hôn đánh “chụt” một cái rõ tiếng, rồi quay qua nói cùng tôi:

- Nhượng có quyền thu lại lời hứa.

- Chuyện gì phải thu lại thu đi, nhưng thằng bé này là…

- Nếu thế thì là… con của chúng mình! Đấy là một khối thịt xương của một mối tình ồn ã lời thề non hẹn biển và giàu có bạc tiền nhưng lại vô sinh tình yêu, một thứ vô sinh còn bi kịch hơn ngàn lần người phụ nữ không may không sinh nở được. Bường đã nhận cháu về nuôi từ một trung tâm tình thương đã hơn một năm rồi.

- Tên của con là gì vậy?

- Ngồi trên bậc tam cấp này nghe Nhượng hứa, nên Bường đặt tên nó là Thạch.

- Thế chị Ngà và mẹ Nhượng có nói gì không?

- Bà nội bảo: - Một đứa như thế này chứ mười đứa bà cũng nuôi luôn, còn Ngà thì bảo: Thằng Nhượng suốt đời cứ mãi “anh hùng” tí hon.

- Chị Bường này…

Chị Bường chuyền cu Thạch qua tay tôi.

- Này, ẵm về mà làm bố. Bà nội và cô Ngà đã sắm sửa áo quần Tết cho cu Thạch cả lô bên nhà rồi đấy.

Tôi há mồm ngọng nghịu không nói nên lời, tay đón thằng cu Thạch mà nào dám xưng với nó mình là bố. Thằng cu Thạch giẫy nẫy không cho tôi bế. Nó choài người thả hai bàn chân xuống đất rồi vịn tay vào hàng chè tàu sát bậc tam cấp lửng chửng bước đi từng bước một.

Những sợi tơ hồng vàng óng lõa xõa bò xuống gần sát mặt đất, cu Thạch cứ thế với tay kéo nhùng nhằng rồi cho vào miệng. Không biết những sợi tơ hồng óng ả kia đã tạo ra được những gì khoái cảm mà cu cậu quay lại nhìn tôi và Bường rồi cười toe toét.

Truyện ngắn Nguyễn Nhã Tiên

;
.
.
.
.
.