Một cơ duyên đưa đẩy, một đam mê cháy lòng, họ đến với nghệ thuật bằng cả tâm hồn và cuộc sống. Tác phẩm của họ, vì thế, bao giờ cũng là kết quả của sự giao thoa giữa nhịp đập trái tim và giai điệu cuộc sống trong một nghệ thuật không liên quan gì đến thanh âm.
Nghệ sĩ nhiếp ảnh cao tuổi nhất Đà Nẵng
Nhân vật trong ảnh “Alô, bé đây” của NSNA Ông Văn Sinh hiện là giáo viên Trường Cao đẳng Nghề Đà Nẵng. |
Ông lão tên là Lê Văn Sỹ, tuổi khai sinh đã là 85 nhưng chưa phải dùng đến mắt kiếng. Hơn 60 năm trước, lần đầu tiên ông được một đồng nghiệp chuyên nghề chụp hình cho ngành thông tin bày cách sử dụng máy ảnh, chiếc máy hiệu Rolleifex của Đức, loại máy vuông, phim 6x6. Về sau, khi người này chuyển ngành, ông thế chân bạn, trước vì kế sinh nhai, sau vì đam mê nghệ thuật mà gắn bó với cái máy ảnh từ đó đến chừ. Ông cùng thời với các nhà nhiếp ảnh Đà Nẵng ngày đó như bà Phụng Ký, ông Chánh, ông Minh Râu... Khi phim màu chưa ra đời, nhiếp ảnh chỉ hai màu đen trắng nhưng họ đã có những tác phẩm để đời, xứng đáng là chuẩn mực để các thế hệ sau này học hỏi.
Có lần ông đi chụp ảnh cho ngành lâm nghiệp, đã “tóm” được một đàn trâu của người Cơtu vào ống kính với ánh sáng ngược rất đẹp. Người Cơtu quen sống rày đây mai đó, đến khi định canh định cư thì đàn trâu cũng theo người về. Tác phẩm được đặt tên “Gọi đàn” ấy là một trong những ảnh nghệ thuật đen trắng nổi tiếng của ông, góp phần đưa ông vào danh sách hội viên Hội Nghệ sĩ Nhiếp ảnh Việt Nam gần 20 năm trước.
Sau hôm săn ảnh pháo hoa bên cầu chữ T, chúng tôi lại gặp ông nơi hiệu ảnh Vinh Anh (ghép tên con rể và con gái ông) ở số 28 Lê Thanh Nghị. Ông còn một người con gái nữa mở hiệu ảnh Mỹ Ảnh ở 670 Núi Thành. Chuyện một lát, mới hay Nghệ sĩ nhiếp ảnh (NSNA) Hồ Xuân Bổn vừa là em rể, vừa là học trò ông, đã được ông dẫn dắt để cho ra những tác phẩm nghệ thuật đầu tay có tiếng. Hơn 60 năm cầm máy, ông không nhớ mình đã chụp bao nhiêu ảnh và có bao nhiêu học trò. Họ học ở ông sự sáng tạo, lòng đam mê trong chuyên môn, sự thật lòng, biết giữ uy tín trong nghề nghiệp.
Không phải sống lâu ra lão làng
“Chung sức” - tác phẩm đầu tay của NSNA Nguyễn Văn Quang. |
Nhiếp ảnh là nghệ thuật bắt lấy khoảnh khắc, nó đòi hỏi ở người nghệ sĩ không chỉ lòng đam mê, sự sáng tạo mà còn phải hội đủ những kiến thức khoa học cơ bản liên quan đến ánh sáng, hình ảnh. Ngoài ra, phải kể đến một yếu tố không kém quan trọng làm nên thành công cho NSNA, đó là cơ may. Huy Đằng bắt gặp hai vợ chồng người Pháp đạp xe đạp từ dưới đường phố Đà Nẵng, theo họ lên tới đỉnh đèo Hải Vân để chụp xê-ri ảnh về du lịch; hoặc mới đây, “mai phục” cả tuần để chụp cho được cảnh sấm sét trên vòm trời cầu Thuận Phước. Ông Văn Sinh một lần đến cơ quan tình cờ thấy con gái một đồng nghiệp đang gọi điện thoại liền “chộp” ngay, tấm ảnh đen trắng có tên là “A-lô, bé đây” này đã đoạt giải B (không A) triển lãm ảnh nghệ thuật QN-ĐN năm 1989...
Nguyễn Văn Quang lúc nhỏ từng chơi thả diều ở bãi biển Thọ Quang, thấy NSNA Mỹ Dũng vác máy ảnh la cà chụp cảnh ngư dân kéo thuyền, trẻ con nô đùa trên bãi biển, mê lắm. Đến khi vào làm photoshop cho Trung tâm Ảnh màu Anh Đức, Quang mới tích cóp đủ tiền mua chiếc máy ảnh chụp phim bán tự động. Đem máy về, gặp lúc thanh niên làng biển đi cứu một chiếc thuyền bị chìm gần bến, Quang chạy ra, bấm luôn 3 tấm. Một trong số đó, Quang đặt tên là “Chung sức”, và thật bất ngờ, nó mang về cho anh giải 3 cuộc thi ảnh nghệ thuật lần 1 năm 2005 về miền biển tỉnh Quảng Nam.
Lúc làm photoshop, Quang tiếp xúc rất nhiều phong cách ảnh, học hỏi các tác giả mỗi người một ít, nhất là những NSNA có ảnh đoạt giải cao. Anh học Minh Đức về bố cục, học Mỹ Dũng về tính chịu khó... Anh từng lặng người trước ánh sáng huyền hoặc trong tác phẩm “Che chở” của Thân Nguyên, hình ảnh đầy xúc cảm của một già một trẻ người Cơtu trong ảnh đã mang về cho tác giả huy chương vàng duy nhất của Hội Nhiếp ảnh Hoa Kỳ (PSA). Điều lớn nhất mà Quang học được ở những NSNA đàn anh là sự đam mê, đam mê đến “chết người” như người yêu đam mê người yêu. Đó là bệ phóng đã giúp anh có những tác phẩm thành công vượt ngoài tuổi tác, trở thành người Đà Nẵng thứ 16 được kết nạp vào Hội NSNA Việt Nam đầu năm nay, khi vừa bước qua tuổi 25.
Trong nghệ thuật, không có lệ sống lâu ra lão làng và càng không có chỗ cho người mắc “bệnh ngôi sao”, như lời NSNA Ông Văn Sinh, phấn đấu vô Hội rồi là chững lại, coi như đã đạt mục đích. Nhà văn Nga F.M.Dostoyevski từng nói “Cái đẹp cứu rỗi thế giới”. NSNA là người góp phần làm nên Cái Đẹp, hãy cứu lấy chính mình bằng sự đam mê nghệ thuật để công chúng không phải hoài nghi về danh hiệu nghệ sĩ của mình.
VĂN THÀNH LÊ