.

Những nghệ sĩ của nhân dân

.

Vài năm trở lại đây, người dân Hòa Vang dần quen với cái cảnh í ới gọi nhau đi xem hát dân ca ở điểm văn hóa xã mỗi khi có đội Thông tin lưu động huyện về diễn. Cũng từ phong trào “hát cho dân nghe” này, nhiều nông dân vốn đã quen với việc cuốc cày bỗng một ngày được biết đến như một “nghệ sĩ viết kịch dân ca chuyên nghiệp”…

Viết kịch chỉ vì… mê




Ngoài những đêm lưu diễn tại cơ sở, ca sĩ Thanh Châu cùng một số đồng nghiệp truyền dạy cho các em nhỏ kỹ năng hát dân ca (Trong ảnh: Ca sĩ Thanh Châu đang đứng lớp dạy các em trường THCS Phạm Văn Đồng – Hòa Vang hát dân ca).


Dẫu đã hơn sáu chục tuổi, nhưng ông Trần Nhật Bằng, tổ 21, phường Hòa Thọ Tây, quận Cẩm Lệ vẫn nhớ như in những ngày ông mê đi xem “hát hiến” (hát không thu tiền). Ngày đó, mỗi khi trong xóm nhà nào có chuyện vui, những người “có năng khiếu” hát dân ca, hát bội vẫn đến hát vài bài chung vui với gia đình. Giữa cảnh miền quê quanh năm phủ bóng tre xanh, yên bình đến độ buồn tẻ thì những đứa trẻ như ông ngày đó rất mê mấy đám hát ấy. Nó trở thành một món ăn tinh thần không thể thiếu của những đứa bé cả ngày quẩn quanh bên mé ruộng để chăn trâu, cắt cỏ. Cũng vì mê, ông Bằng đã không bỏ sót một buổi “hát hiến” nào cho đến khi thuộc làu từng câu hát. Thế rồi ông Bằng tập tành viết lời để thỏa miền đam mê. Lúc đầu, ông chỉ viết một vài câu ca dao để nói lên tình huống, sự việc xảy ra trong xóm, trong làng. Những câu đó chưa rõ vần, rõ nhịp. Rồi dần dà, ông tự mày mò học hỏi thêm, và viết… ra chất dân ca hơn.

Mãi đến sau này, trong suy nghĩ của mình, ông Bằng vẫn nhớ hai câu ca dao ông đã viết khi còn là thanh niên. Câu ca nói lên sự buồn khổ, cô đơn của người phụ nữ trong làng bị chồng ruồng rẫy, bỏ đi làm ăn tận Tây Nguyên không chịu về. Bà vợ khi nhận được mấy câu ca dao ông viết, đã gửi kèm theo lá thư vào cho chồng. Ông chồng đọc xong, động lòng thương xót nên đã trở về. Đó chỉ đơn giản là hai câu “Chiều chiều ra đứng sân ga. Nghe xe lửa hú ngỡ cha mình về”. Sau “thành công ngoài mong đợi” ấy, ông Bằng tự tin hơn với những sáng tác của mình.

Cũng một niềm đam mê như ông Bằng, ông Nguyễn Hữu Mai, thôn Hưởng Phước, xã Hòa Liên nhớ lại, từ những năm 70, ông tham gia phong trào văn hóa-văn nghệ tại địa phương, những làn điệu dân ca xứ Quảng cứ dần thấm vào người lúc nào không hay. Vừa tham gia hát, ông Mai còn kiêm luôn nhiệm vụ viết kịch bản để phục vụ phong trào văn hóa-văn nghệ huyện nhà. Thời ấy, viết kịch dân ca chủ yếu chú trọng đến phần lời, còn phần nhạc thì cứ na ná nhau. Nhưng cái món ăn tinh thần mang hơi hướng “cây nhà lá vườn” này đã được mọi thế hệ già, trẻ, bé, choai ủng hộ hết mình. Mỗi khi sáng tác được một tác phẩm, ông sướng lắm. Cái sướng ấy âm ỉ, để rồi thôi thúc ông viết thêm, viết nữa. Từ niềm đam mê rất giản dị của những người đàn ông sinh ra và lớn lên trên mảnh đất giàu truyền thống dân ca như Quảng Nam-Đà Nẵng (cũ), mà mãi gần 20 năm qua, dù làm nghề đóng chỏng tre kiếm tiền trang trải cuộc sống gia đình, ông Mai vẫn luôn nhớ đến những đêm trăng cùng nam thanh, nữ tú trong làng đi hát, phục vụ bà con.

Sức hấp dẫn trong “lời ca của dân”

Với những “nghệ sĩ chân đất” như ông Bằng, ông Mai..., viết dân ca cũng được hiểu khá đơn giản là “lời ca của dân”. Chính vì vậy, từ những câu chuyện buồn, vui góp nhặt được trong cuộc sống, các ông đã chắt lọc, xây dựng nên vô số tiểu phẩm văn nghệ tuyên truyền, mang hơi hướng của câu chuyện thông tin. Mỗi người viết không dưới 100 tác phẩm, các ông được nhiều người biết đến như một niềm tự hào của người dân Hòa Vang. Không tự hào sao được khi các ông chẳng học qua một khóa đào tạo nào về nhạc lý, tất cả đều bắt nguồn từ tình yêu và lòng quyết tâm đưa dân ca trở thành một phần không thể thiếu trong cuộc sống.

Ông Bằng tâm sự, nếu không sinh ra và lớn lên bằng những lời ru mượt mà, sâu lắng của bà, của mẹ thì không dễ gì một đứa trẻ có thể yêu ngay những câu hò, điệu hát dân ca. Đó có thể là sự thiệt thòi của lớp trẻ hiện nay. Bởi, một người chỉ có thể phát triển toàn diện khi có đời sống tinh thần phong phú.

Ông Nguyễn Thúc Dũng, Trưởng phòng Văn hóa-Thông tin huyện Hòa Vang cho biết, mỗi năm, đội Thông tin lưu động đi diễn từ 35 đến 40 đêm phục vụ bà con nhằm tuyên truyền cho người dân những chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về an toàn giao thông, xây dựng nếp sống văn hóa-văn minh đô thị, bảo vệ rừng, nói không với bạo lực gia đình… thông qua những kịch bản dân ca. Điều này đòi hỏi người viết phải tư duy và cho ra đời một tác phẩm gần gũi với người dân, phản ánh được bộ mặt đời sống của xóm làng.

Cùng với những tác phẩm lưu diễn phục vụ ấy, mỗi năm những “nghệ sĩ chân đất” như ông Bằng, ông Châu nhận được không dưới chục “đơn đặt hàng” viết kịch bản phục vụ cho những cuộc thi của các cơ quan, đơn vị. Với ông Mai, những kịch bản ông viết và dàn dựng trong các cuộc thi cho huyện Hòa Vang, quận Liên Chiểu, Cục Thuế thành phố Đà Nẵng… đều đoạt giải. Ngoài ra, những kịch bản dân ca của ông Mai cũng đã xuất hiện trong chương trình “Giai điệu miền Trung” do Trung tâm Truyền hình Việt Nam tại Đà Nẵng thực hiện, phát trên sóng toàn quốc. Hay kịch bản cho Trung đoàn Vận tải 683 tham gia chương trình “Chúng tôi là chiến sĩ” do VTV3 tổ chức…

“Gieo 100 hạt nhưng chỉ mọc vài hạt đã là thành công với người viết dân ca”. Ông Bằng đã ví von như thế khi nói về nghiệp viết lách của mình. Niềm đam mê hát bội, dân ca đã giúp ông thành công trong tác phẩm “Hạt lúa Hòa Châu” được Bộ Văn hóa - Thông tin đánh giá hay về nội dung và hoàn toàn mới về thể loại, đặt tên là thể loại Câu chuyện thông tin. Tác phẩm này đã được chọn diễn báo cáo trước đồng chí cố Tổng Bí thư Lê Duẩn. Từ cột mốc này, ông Bằng đã sáng tác thêm rất nhiều tác phẩm như Đằng sau một đám tang, Cơm sôi bớt lửa, Một nhà hai ý, Trăng chờ, Chợ 176, Như áng mây qua…

Kịch bản dân ca được sáng tác và dàn dựng bởi những “nghệ sĩ chân đất” như Nhật Bằng, Hữu Mai, Trường Ích…, và các thành viên trong đội Thông tin lưu động huyện Hòa Vang đã trưởng thành như ca sĩ Thanh Châu, Nhật Lê, Thế Dân, Mỹ Hạnh, Hồng Thái…

Sau gần 20 năm vắng bóng, những làn điệu dân ca đang dần sống lại mạnh mẽ trong đời sống cộng đồng dân cư Hòa Vang. Hàng trăm vở kịch được dàn dựng, biểu diễn phục vụ bà con. Những nghệ sĩ thôn làng ấy đã khơi lại một sức sống mới cho mảnh đất vốn còn bảo lưu được nhiều nét văn hóa đặc sắc. Như lời ca sĩ Châu Thanh nói về những “nghệ sĩ chân đất” này: “Họ đã truyền cho chúng tôi những cảm xúc và tình yêu khi cất những câu dân ca quen thuộc của người dân xứ Quảng. Những giai điệu mượt mà, ngọt ngào ấy đã giúp tôi thành công trên con đường âm nhạc. Dẫu rằng, tôi cũng chưa từng tham gia một lớp thanh nhạc nào, nhưng đã hát dân ca bằng cả tình yêu và niềm đam mê”. Nhờ đó, trên mảnh đất còn nhiều khó khăn như Hòa Vang, dân ca là món ăn tinh thần không thể thiếu trong đời sống bà con...

Ghi chép của TIỂU YẾN

 

 

;
.
.
.
.
.