Kỳ họp thứ 16 của HĐND thành phố Đà Nẵng khóa VII đã đề cập đến nhiều vấn đề nóng. Nói một cách khác, thành phố càng phát triển thì những bức xúc, bất cập lại nảy sinh ngày một nhiều hơn. Tuy nhiên, việc giảm thiểu những bất cập đó lại là câu chuyện có quan hệ mật thiết đến quy hoạch, định hướng và việc “lựa chọn” ưu tiên giải quyết vấn đề…
Trước tiên, sự quá tải của bệnh viện đang là một trong những vấn đề thời sự của cả nước: Nó tỷ lệ thuận với tốc độ tăng dân số (kể cả tăng tự nhiên và tăng do nhập cư ồ ạt); có nghĩa là do nhu cầu phát triển sản xuất, mở rộng xã hội cả về nhu cầu khám, chữa bệnh lẫn sự phát sinh bệnh tật. Do đặc thù này, rất nhiều địa phương trên cả nước đã “quên” mất sự song hành của bệnh viện với phát triển. Kinh nghiệm nhiều nước trên thế giới cho thấy là muốn không tạo ra sự mất cân đối trong việc chăm sóc sức khỏe thì thường phải xây dựng bệnh viện nhiều hơn từ 10-20% kế hoạch dự tính. Nhìn qua có vẻ như bất khả thi vì thiếu vốn, vì “lãng phí”, vì không đủ đội ngũ nhân viên y tế. Nhưng thật ra, chi phí khám chữa bệnh hoặc sức khỏe của người lao động không tốt gây nên những thiệt hại “vô hình” khó tính toán nổi về cả kinh tế lẫn xã hội.
Lấn chiếm lòng lề đường để buôn bán là căn bệnh khó chữa của một xã hội công nghiệp ra đời từ nền kinh tế tiểu nông. Báo chí nói rất nhiều về sự bất lực của các cơ quan có trách nhiệm trước hiện trạng phức tạp của việc lấn chiếm. Suy cho tới cùng, sự mưu sinh là điều cần phải thông cảm: Cả nước có hàng triệu người sống nhờ vào lòng, lề đường! Chính vì thế, muốn giải quyết phần nào vấn nạn trên, nguyên tắc đầu tiên là phải trả lời cho được câu hỏi: Sự thay thế là ở đâu? Người dân khi bị cấm đoán sẽ làm thế nào để sống? Chuyện không phải liên quan đến một người mà thường là cả gia đình nghèo túng, đông con. Giải pháp cho dân thuê vỉa hè, chấp nhận “lấn chiếm được kiểm soát” là giải pháp tình thế nhưng cần thiết. “Bài toán” lòng lề đường cần sự tham gia nghiên cứu của rất nhiều lĩnh vực chuyên môn khác nhau, và cần “cởi dần nút thắt” để giải quyết từng phần việc.
Các khu nhà chung cư – diện mạo chung, phổ biến của các thành phố hiện đại đều mắc phải khó khăn là chỗ để xe (xe máy, xe đạp) và đậu xe (ô-tô). Dường như ở nước ta trong những năm gần đây, ngành dự báo học đã lạc hậu rất xa so với nhu cầu của xã hội: Chỉ tính từ đầu năm 2010 đến nay, cả nước đã có 50.000 ô-tô đăng ký mới. Nhưng nơi đỗ hay để xe vẫn chưa theo kịp thực tế. Đề nghị của đại biểu Nguyễn Thị Anh Đào là các nhà chung cư từ 5 tầng trở lên phải có bãi đỗ xe (nổi hoặc ngầm) là hợp lý. Thử hình dung vài năm nữa, Đà Nẵng sẽ giống với TP. Hồ Chí Minh bây giờ: Lúc đó mới vội vàng xây bãi ngầm này, chỗ đậu kia – vừa tốn kém, vừa phiền hà và vừa ảnh hưởng rất lớn đến phát triển đô thị.
Rất nhiều vấn đề nóng liên quan đến giáo dục như chất lượng, các khoản thu cho Quỹ của phụ huynh học sinh; chuyện 150 doanh nghiệp ở Đà Nẵng “bỗng dưng” biến mất; chuyện ô nhiễm môi trường; chuyện tái định cư và ổn định đời sống cho người tái định cư; chuyện liên quan đến sự bất bình dường như đang có quận này được ưu tiên hơn quận kia về đầu tư phát triển được nhiều đại biểu đề cập…
Có thể nói rằng đang có cả núi công việc bộn bề đã và sẽ đặt lên vai các đại biểu HĐND. Chính các đại biểu là những người có trách nhiệm cao nhất trong việc “giải” (và phải giải bằng được) vô số những bài toán khó. Đảng bộ, chính quyền và người dân thành phố Đà Nẵng đang hết sức tin tưởng vào việc HĐND sẽ cân nhắc một cách cẩn trọng, đồng thời có những quyết định xác đáng để giải quyết rất nhiều những vấn đề nóng của thành phố hôm nay. Đà Nẵng chỉ thực sự ổn định và phát triển khi các vấn đề nóng không còn nóng nữa...
Tô Vĩnh Hà