.

Bệnh tự kỉ - vấn đề cần được quan tâm

.

Bệnh tự kỷ ở trẻ em hiện nay là một hiện tượng không còn xa lạ như những năm trước. Nhưng đi vào thực tế khám chữa bệnh ở Đà Nẵng thì vẫn còn nhiều vấn đề cần được nói đến.

Nỗi lòng của những người mẹ

Ảnh minh họa.
Hôm đến thăm nhà chị Q, người bà con bên nội, tôi gặp trường hợp trẻ tự kỷ đầu tiên, bé Bi, 4 tuổi. Ngay từ đầu, bé Bi đã làm tôi chú ý vì cậu có những biểu hiện khác thường so với những đứa trẻ cùng trang lứa. Mẹ gọi, bé không trả lời, cũng không có thái độ gì. Bảo lấy ly nước, bé không có phản ứng, mẹ nhắc lại yêu cầu, Bi vẫn ngơ ngác như chưa hiểu cần làm gì. Rồi đang mải chơi, đột ngột, bé ào đến giật phắt ly nước tôi đang kề ở miệng, để uống.

Chị Q giãi bày: Hồi nhỏ bé Bi rất nhanh, nhưng đến khoảng 2 tuổi thì có những dấu hiệu chững lại. Chị đem cháu đi khám nhiều nơi và cuối cùng người ta cho biết là con chị đã bị chứng bệnh tự kỷ. Nhiều lần nhìn con, vợ chồng chị không sao cầm được nước mắt. Việc bé Bi bị tự kỷ là một nỗi đau tinh thần lớn của gia đình chị.

Chị Đ.T.N, trú ở phường Hòa Thọ Đông, quận Cẩm Lệ đang chăm sóc con là bé T.K.B, bị tự kỷ tại Bệnh viện (BV) Tâm thần. Nuôi con chẳng mong muốn nào hơn là thấy con được sống bình thường, khỏe mạnh. Thế nên, khi thấy con có những biểu hiện bất thường, chị đem con đi khám ngay. Đó là chuyện cách đây hai năm, khi bé T.K.B đã 24 tháng tuổi nhưng vẫn chưa phát âm được từ nào, lại hay có những động tác, sở thích kỳ quặc như xoay tròn người không biết mệt, thích nhìn những vật xoay tròn như quạt, dù xoay… Lúc đầu, chị đem con đi khắp nơi, tìm mọi cách chạy chữa ở các BV nhưng vô hiệu. Được nhiều người khuyên nhủ, chị mới đem con vào đây. Đến nay, sau gần 2 năm điều trị, bé T.K.B đã có những chuyển biến tích cực như biết nói tên, tuổi, đọc chữ. Nhưng cuộc thử thách còn rất dài. Giờ đây, ngày hai buổi, bất kể nắng mưa, chị Đ.T.N vẫn đưa con lên BV đều đặn, để chỉ mong đến một ngày, con chị được bình thường như bao trẻ em khác.

1 dạy 1: Mong ước chưa thành

Hiện nay ở Đà Nẵng, các BV Tâm thần, BV C, BV Điều dưỡng phục hồi chức năng, BV Đa khoa Đà Nẵng đều có tổ chức khám và điều trị bệnh tự kỷ. Theo số liệu chúng tôi khảo sát được ở các cơ sở trên, tính từ đầu năm 2010 đến nay đã có trên 150 trẻ tự kỷ nhập viện, đó là chưa kể những trẻ tự kỷ chưa được phát hiện. Nhưng để đáp ứng nhu cầu khám chữa bệnh cho bệnh nhân thì các BV trên mới chỉ có chưa đến 15 bác sĩ khám, gần 20 can thiệp viên trực tiếp can thiệp, điều trị. Các bác sĩ đều thống nhất rằng, dù là theo nhóm ngôn ngữ trị liệu, hoạt động trị liệu hay liệu pháp tâm lý thì phương thức điều trị hiệu quả nhất vẫn là 1 dạy 1, tức là cứ 1 trò phải có 1 cô kèm, mỗi lần điều trị kéo dài 45 – 60 phút/ngày hai buổi. Theo bác sĩ Ngô Thị Nhị, Khoa Tâm thần trẻ em, BV Tâm thần, sau hơn 2 năm BV tiếp nhận và có phương pháp chữa bệnh theo phác đồ điều trị (ngôn ngữ + tâm lý + thuốc), số lượng bệnh nhân đến khám tăng, nhưng BV không thể tiếp nhận bệnh nhân nhập viện do cả khoa chỉ có 3 bác sĩ và 4 can thiệp viên. Từ đầu năm đến nay khoa tiếp nhận 20 bệnh nhân nhập viện chữa bệnh tự kỷ, chủ yếu trong độ tuổi 3-4 tuổi.

Bác sĩ Nguyễn Tấn Dũng, Phó khoa Phục hồi chức năng BV C cho biết, BV có 2 phòng điều trị chính là ngôn ngữ trị liệu và hoạt động trị liệu. Các điều trị về can thiệp tâm lý hầu như không thể thực hiện do thiếu can thiệp viên. Nhưng số bệnh nhân đến điều trị tại đây vẫn đông nhất trong các BV với trên 80 bệnh nhân từ đầu năm đến nay. Với đòi hỏi của phương pháp điều trị trên, số lượng kỹ thuật viên can thiệp ở các BV hiện chỉ đáp ứng chưa đến một nửa nhu cầu của bệnh nhân. Nhiều phụ huynh đem con đến khám, phát hiện đúng bệnh, nhưng lại phải dắt con về vì không có người điều trị. Bác sĩ Dũng nhấn mạnh: “Phòng bệnh muốn tăng thì được, nhưng có phòng rồi lại không có người thì cũng vô ích!”. Theo phụ huynh của bé T.K.B, điều chị mong mỏi nhất là làm sao có thêm nhiều can thiệp viên để nhiều trẻ tự kỷ được điều trị và thời gian học tập của con chị trong mỗi buổi được tăng lên. Ngoài vấn đề về đội ngũ can thiệp viên, cơ sở vật chất kỹ thuật ở các bệnh viện trong thành phố còn nhiều khập khiễng, chưa đáp ứng thật tốt nhu cầu khám và chữa bệnh. Một số nơi, can thiệp viên hay phụ huynh phải tự bỏ tiền túi ra để sắm sửa các dụng cụ học tập.

Một vấn đề nữa thuộc về tâm lý phụ huynh, theo bác sĩ Ngô Thị Nhị thì những gia đình có con mắc chứng tự kỷ rất dè dặt khi đưa con đến khám. Thường thì phải trải qua một thời gian chạy chữa ở các BV khác không hiệu quả, họ mới đưa con đến BV Tâm thần.

Việc chữa bệnh đã khó, việc cho trẻ mắc bệnh tự kỷ học hòa nhập tại các trường cũng đang là thách thức của xã hội hiện nay.

Từ năm 2007, Trường PT Chuyên biệt Nguyễn Đình Chiểu đã nhận trẻ tự kỷ từ 3 tuổi trở lên vào học. Đến nay đã có 10 học sinh theo học chương trình dành cho trẻ tự kỷ gồm can thiệp theo giờ và học theo 100 bài tự kỷ (mỗi trẻ dạy theo 1 bài khác nhau, tùy theo khả năng, mức độ bệnh của trẻ). Bà Đỗ Thị Đỗ Quyên, Hiệu phó nhà trường cho biết, những trẻ mắc bệnh khi theo học chương trình học ở trường đã có nhiều tiến triển tốt, có em đã có thể theo học chương trình hòa nhập ở các trường tiểu học. Sắp tới thành phố sẽ thành lập trung tâm nguồn chuyên chữa bệnh tự kỷ đóng tại trường, trẻ nhỏ dưới 6 tuổi sẽ theo học và chữa bệnh tại trung tâm; trẻ trên 6 tuổi có thể theo chương trình lớp 1 tại trường.

TRẦN THANH TÂN

 

;
.
.
.
.
.