Cụm từ “vượt chỉ tiêu” lâu nay đã trở nên quá quen thuộc: Thi đua vượt chỉ tiêu, năng suất vượt chỉ tiêu, tuyển sinh vượt chỉ tiêu, v.v… và nay là xe công vượt chỉ tiêu.
Quả thật, con số 25.662 xe công hiện có trên cả nước với trị giá hơn 12.739 tỷ đồng được công bố trên báo chí khiến không ít người… choáng. Như vậy, nếu tạm tính bình quân 63 tỉnh, thành phố thì mỗi địa phương có đến hơn 400 xe công. Theo công bố chính thức, TP. Hồ Chí Minh đang có số lượng xe công lớn nhất với 1.000 chiếc, Hà Nội xếp thứ nhì với 800 chiếc. Song, đây chỉ là những con số chưa đầy đủ. Nhưng, điều đáng nói ở đây là không chỉ vượt chỉ tiêu về số lượng xe công mà còn vượt cả tiêu chuẩn về loại xe.
Ngày 1-7-2006, Chính phủ đã yêu cầu dừng mua sắm xe công. Đến tháng 7-2009, lệnh cấm mua sắm xe công được bãi bỏ. Tính đến năm 2006, cả nước có khoảng 19.300 xe công được sử dụng tại các bộ, ngành, đoàn thể (không tính xe của các cơ quan an ninh, quốc phòng, doanh nghiệp Nhà nước, ban quản lý dự án). Trong đó, khối cơ quan Trung ương có gần 6.800 xe, số còn lại khoảng 12.500 xe được sử dụng tại các địa phương. Cũng từ năm 2006 đến nay, con số xe công vẫn không ngừng tăng lên - tăng 6.362 chiếc.
So với nền kinh tế Việt Nam, việc xe công nhộn nhịp như thế là sự lãng phí lớn bởi kèm theo việc sắm xe công là chi phí “nuôi” xe, chi phí bảo dưỡng, chi phí “nuôi” tài xế. Có khi những chiếc xe sang trọng cứ đắp mền nằm im ỉm vì không được sử dụng hết công suất. Báo chí cũng từng nhiều lần phản ánh những hình ảnh phản cảm như: Việc xe công dập dìu đi lễ chùa, hoặc tấp nập trước các cổng trường, hoặc dùng xe công phục vụ đám cưới… Theo quy định, cán bộ cấp trưởng, phó các sở, ban, ngành và tương đương ở các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; Bí thư, Phó Bí thư huyện ủy, thị ủy, quận ủy; Chủ tịch và Phó Chủ tịch HĐND, UBND cấp huyện và cán bộ giữ chức vụ lãnh đạo có hệ số phụ cấp chức vụ lãnh đạo từ 0,7 đến dưới 1,25 không thuộc tiêu chuẩn có xe riêng. Tương tự, quy định cũng áp dụng cho cán bộ lãnh đạo cấp Tổng Cục, Cục, Vụ, Viện thuộc Bộ và cán bộ lãnh đạo có hệ số phụ cấp chức vụ lãnh đạo từ 0,7 đến dưới 1,25 của các cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp… Tuy nhiên, thực chất quy định này không được thực hiện nghiêm túc. Nếu làm một cuộc soát xét thì sẽ thấy sự “loạn” xe công hiện tại vượt khỏi ngưỡng quy định đến nhường nào, thậm chí cấp huyện vẫn mua xe có giá trên 1 tỷ đồng/chiếc. Xem ra cái việc biến “công” thành “tư” đang trở nên giản đơn và không còn là chuyện hiếm thấy nữa.
Trong khi ở nhiều nước phát triển trên thế giới, số lượng xe công rất ít, thường chỉ cấp Bộ trưởng, Thứ trưởng mới được cấp xe riêng. Riêng Trung Quốc - nước đứng đầu các nền kinh tế mới nổi - trong chiến dịch chống tham nhũng từ năm 2006 đã có những giải pháp kiên quyết chống lạm dụng xe công, bất chấp việc làm mất lòng quan chức Trung ương và địa phương.
Nhiều hội nghị, hội thảo cứ kêu gọi các Bộ, các cấp, các ngành, các địa phương và cả người dân tiết kiệm, chống lãng phí. Nhưng nếu các quan chức đi tiên phong trong việc này thì mọi cuộc kêu gọi, vận động tiết kiệm, chống lãng phí, chống tham nhũng sẽ hiệu quả và thiết thực hơn.
BÌNH YÊN