Nếu như năm 2004, cây xanh đường phố Đà Nẵng chỉ đạt diện tích bình quân 0,38m2/người thì đến nay tăng lên 1,03m2/người. Tuy nhiên, con số này vẫn khá khiêm tốn so với chỉ tiêu từng được đưa ra trước đây là Đà Nẵng phải đạt 4-5m2/người vào cuối năm 2010.
Bên cạnh đường Bạch Đằng rợp bóng cây xanh, tạo nên vẻ đẹp cho đô thị… |
Chặng đường 7 năm
Đối với các đô thị có dân số trên 20 vạn thì tiêu chuẩn cây xanh là 5m2/người. Thế nhưng tại thời điểm năm 2004, TP. Đà Nẵng chỉ đạt 0,38m2 cây xanh/người- thấp đến hàng chục lần so với chuẩn trên.
Đề án “Quy hoạch và phát triển cây xanh đường phố đến năm 2010” đã được thực hiện với hy vọng đưa tỷ lệ cây xanh của đô thị Đà Nẵng lên 4-5m2/người vào năm 2010, tức mỗi năm trồng khoảng 20.000 cây mới. Tiền đầu tư thực hiện kế hoạch này là 65 tỷ đồng. Với nguồn kinh phí khá eo hẹp nên trong báo cáo gửi Ban Kinh tế và Ngân sách Hội đồng Nhân dân TP. Đà Nẵng vào tháng 5-2007, Sở Giao thông Công chính Đà Nẵng đã kiến nghị: “Trong trường hợp không thể cấp đủ kinh phí cho chương trình cây xanh hằng năm thì đề nghị cho phép điều chỉnh, giảm chỉ tiêu che phủ cây xanh đô thị xuống còn 3-3,5m2/người”.
Tuy nhiên, sau 7 năm triển khai, cây xanh đường phố chỉ mới đạt 1,03m2/người. Có lẽ vì thế, những khu dân cư (KDC), những tuyến đường trải nhựa đen sì, những tòa nhà bê-tông khô cứng vẫn khát bóng cây xanh.
Ông Đặng Đức Thứ, Phó Giám đốc Công ty Cây xanh Đà Nẵng cho biết, hiện cây cảnh, cây trổ hoa, thảm cỏ, thảm hoa ở hầu hết các dải phân cách và đảo giao thông đều sinh trưởng, phát triển tốt, phát huy nhanh vai trò phục vụ cảnh quan đô thị. Tuy nhiên, tình trạng phổ biến là cây xanh bóng mát được trồng đều không đồng nhất về kích thước và chủng loại. Đường phố có vỉa hè hẹp, hệ thống cây xanh được bố trí trùng lắp với hệ thống đường dây điện, cáp ngầm. Việc bố trí như vậy đã ảnh hưởng trực tiếp đến sự phát triển của cây, làm cho cây bị nghiêng thân ra lòng đường, lệch tán, rễ cây phát triển không vững chắc, dễ ngã đổ khi có gió bão.
Không theo kịp tốc độ phát triển đô thị
...vẫn còn nhiều tuyến đường cây xanh phát triển thiếu đồng bộ, mất mỹ quan. |
Cũng như nhiều địa phương khác, trong quá trình phát triển cơ sở hạ tầng, Đà Nẵng chưa chú ý đến độ che phủ của cây xanh nhằm tạo hiệu quả cân bằng hệ sinh thái. Thành phố chưa thiết lập được bộ khung bảo vệ môi trường là những vành đai xanh. Nếu so với chỉ tiêu cây xanh ở những thành phố hiện đại trên thế giới là khoảng 20m2-25 m2 cây xanh/người thì Đà Nẵng còn rất nhiều việc phải làm trong vòng vài chục năm tới.
Về điều này, ông Trần Văn Thiết, Phó Chủ tịch Liên hiệp các hội Khoa học kỹ thuật Đà Nẵng nhấn mạnh: “Để thực hiện mục tiêu đến năm 2020 Đà Nẵng là thành phố xanh-sạch-đẹp thì cần phải xã hội hóa việc trồng, chăm sóc, quản lý, bảo vệ và phát triển xây xanh. Đây là yêu cầu khách quan và cấp thiết nhằm huy động sức mạnh của toàn dân cho sự nghiệp phát triển cây xanh”.
Mặt khác, việc trồng cây xanh ở nơi công cộng, nhất là tại những KDC mới còn mang tính tự phát. Ví dụ, tại KDC Nam cầu Trần Thị Lý, người dân đã ổn định cuộc sống từ năm 2005, nhưng đường phố đến nay vẫn mỏng mảnh vài cây xanh. Hoặc ở các khu An Cư 3, An Cư 4, An Nhơn 1, An Nhơn 2… đường sá thênh thang nhưng hệ thống cây xanh rất ít. Không thể suốt ngày nhìn ra đường, trời nắng chang chang, nhiều người dân đã tự trồng những loại cây không nằm trong quy hoạch chung. Phần lớn đó là loại cây trứng cá.
Công ty Cây xanh được xác định là đơn vị duy nhất có chức năng, nhiệm vụ phát triển cây xanh đường phố. Tuy nhiên trên thực tế, các Ban quản lý dự án là đại diện chủ đầu tư mới chính là đơn vị quyết định tiến độ phát triển cây xanh tại các KDC, khu tái định cư. Vì thế, có hiện trạng tại nhiều KDC, Ban quản lý dự án không triển khai trồng cây hoặc trồng cây chậm nên dẫn đến tình trạng tự phát mà chưa có cơ quan nào theo dõi, kiểm tra và ra quyết định xử phạt.
Ngoài ra, việc không quy hoạch cụ thể loài cây trồng cho từng đường phố đã khiến người dân không biết đường mình ở trồng cây gì. Năm 2007-2008 đã nổi lên hiện tượng người dân tự ý nhổ bỏ cây xanh do công ty trồng trước đây để thay thế bằng loại cây lộc vừng, vông mào gà. Năm 2009-2010 lại diễn ra tình trạng người dân tự ý thay thế bằng cây giáng hương với mức độ phổ biến hơn mà cơ quan chức năng vẫn chưa có biện pháp xử lý đúng mức.
Xác định vấn đề phát triển cây xanh đô thị có tác dụng lâu dài trong công tác bảo vệ môi trường nên gần đây, Đà Nẵng đã quan tâm đến việc đầu tư, phát triển cây xanh thông qua việc xây dựng các vườn ươm Hòa Ninh, vườn ươm chân cầu vượt Hòa Cầm, các vườn ươm tạm (chân cầu Cẩm Lệ, Tuyên Sơn, Trần Thị Lý, Thuận Phước) để chủ động nguồn giống cho giai đoạn phát triển cây xanh đô thị đến tận năm 2020.
Theo ông Đặng Đức Thứ, đưa vấn đề phát triển cây xanh vào khâu quy hoạch, chúng ta mới giải quyết được vấn đề vốn đầu tư, vị trí, diện tích, chủng loại cây, tiến độ thực hiện, trách nhiệm và hiệu quả… Bên cạnh đó, thành phố cũng cần xem xét vấn đề “xã hội hóa” trong việc trồng và chăm sóc cây xanh trong thời gian tới.
Sau 7 năm, so với tốc độ diện tích đô thị liên tục được mở rộng, thì mật độ cây xanh hiện nay vẫn thấp hơn rất nhiều so với các thành phố khác trên cả nước.
Tiểu Yến