.

Dự báo và hành động

.
Việc Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) trong hai tháng 9 và 10 vừa qua bất ngờ tăng ở mức trên 1% tạo nên những lo ngại sẽ tái diễn lạm phát cao trong năm nay, ảnh hưởng đến tâm lý và đời sống của mọi người dân, nhất là những người làm công ăn lương và đối tượng chính sách, hưởng lương hưu... Bên cạnh đó, sự “nhảy múa” của giá vàng và giá đô-la cũng có những tác động không nhỏ đến sản xuất, kinh doanh và đời sống xã hội. Điều đó có vượt ra ngoài tầm dự báo hay không?

Mô tả ảnh.
Biểu đồ Chỉ số giá tiêu dùng đến tháng 10-2010. (Nguồn: GSO/VNExpress.net)
Ngay tại Hội nghị “Hậu khủng hoảng tài chính-kinh tế thế giới và phát triển bền vững” được tổ chức vào đầu tháng 3 tại Đà Nẵng do Hội đồng Liên nghị viện các nước Hiệp hội Đông Nam Á (AIPA) tổ chức, trao đổi với phóng viên Báo Đà Nẵng, TS Trần Du Lịch, Viện trưởng Viện Kinh tế thành phố Hồ Chí Minh đã dự báo: “Với cách làm hiện nay và nhất là qua những biện pháp và hiệu quả hai năm đối phó với khủng hoảng, chúng ta có điều kiện có thể kiểm soát chỉ số giá ở mức  một con số.
 
Có thể con số 7% (chỉ tiêu Quốc hội đề ra về lạm phát trong năm 2010-PV) là khó khăn nhưng dưới 10% là có thể chấp nhận được. Như vậy có thể đạt hai mục tiêu là vừa phục hồi tăng trưởng 6,5% nhưng kiểm soát giá dưới 10%”. Đó là lúc chỉ số giá tiêu dùng trong tháng 1 và tháng 2 tăng liên tục, đang lên đến đỉnh là 1,96%.

“Cách làm hiện nay” mà ông Trần Du Lịch đề cập đến lúc đó, chính là việc Thủ tướng Chính phủ đã đưa ra những giải pháp cơ bản trong thông điệp đầu năm 2010. Thủ tướng Chính phủ đã nêu rõ việc ưu tiên tập trung cho nền kinh tế vĩ mô, xem xét lại tất cả những giải pháp tài chính-tiền tệ và đặc biệt xem tác động phụ của gói giải pháp kích thích đã áp dụng; triển khai các giải pháp bảo đảm an sinh xã hội… Ngay sau những hành động đó, CPI của tháng 3 ngay lập tức đã tụt thẳng dốc xuống 0,75% và tiếp tục xuống mức 0,14% vào tháng 4,  giữ ổn định mãi cho đến nửa năm sau, bất ngờ tăng đến 1,31% vào tháng 9. Điều đó dẫn đến, Chính phủ dự báo tỷ lệ tăng CPI có thể lên đến 8% cho cả năm.

Tuy nhiên, khi CPI tăng trên 1% trong hai tháng liên tiếp, thì Chính phủ cũng đã có những động thái tích cực trong chính sách tiền tệ, tài chính nhằm ổn định kinh tế vĩ mô; đồng thời siết chặt giá cả thị trường bằng chính sách cụ thể như bắt buộc niêm yết và bán theo giá niêm yết, xử phạt nghiêm khắc những trường hợp vi phạm; điều chỉnh cung-cầu hàng hóa trên thị trường, không để những hậu quả của thiên tai, dịch bệnh ảnh hưởng nặng đến thị trường giá cả hàng hóa… Với hành động đó và đối chiếu với dự báo, cách làm và hiệu quả của những chính sách từ đầu năm, hy vọng về kiểm soát lạm phát ở mức 8% vẫn còn nằm trong tầm tay.

Thế nhưng, ở một khía cạnh khác, cũng tại hội nghị trên, Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội Việt Nam Nguyễn Văn Son cho rằng, sự phục hồi kinh tế sau khủng hoảng là khả quan nhưng tiềm ẩn nhiều rủi ro, thậm chí mong manh vì hiện nay nền kinh tế Việt Nam phát triển trong xu thế hội nhập sâu rộng. “Mọi tác động tiêu cực của kinh tế thế giới, nhất là trên lĩnh vực tiền tệ, tài chính có thể tác động chúng ta bất cứ lúc nào và bất cứ  sai lầm nào cũng có thể gây ra khủng hoảng. Cho nên chúng ta phải đi sâu vào nhiều yếu tố để phân tích, trong đó có việc nâng cao chất lượng, năng suất, hiệu quả kinh tế, trước hết là phải cân đối kinh tế vĩ  mô; đặc biệt có sự phối hợp trong khu vực và quốc tế để những giải pháp phải vững vàng” - Ông Nguyễn Văn Son nhấn mạnh. Dự báo đó đã thành hiện thực, với việc giá vàng và giá đô-la trong nước thời gian gần đây biến động mạnh theo thế giới, phụ thuộc mạnh mẽ vào các nền kinh tế lớn. Vì thế, chúng ta chưa thể kiểm soát tình hình một cách chủ động, mặc dù đã có những dự báo đúng!

Từ đó cho thấy, với dự báo đúng, hành động phải mang tính bền vững và nhất là không để xảy ra tình trạng phải “đuổi” theo hiện tượng đến mức suy giảm khả năng kiểm soát trong ổn định và phát triển.

Anh Quân
;
.
.
.
.
.