.

Tồn tại hay không?

.
Trên Báo Đà Nẵng số ra ngày 21-2 vừa qua có bài viết về việc tổ chức hệ thống Trung tâm Bồi dưỡng chính trị quận, huyện (sau đây gọi tắt là Trung tâm) hoạt động sao cho hiệu quả hơn. Nhiều ý kiến tiếp tục bàn đến vấn đề này với những góc nhìn khác nhau.

Mô tả ảnh.
Cần xây dựng mô hình hợp lý để các Trung tâm trên địa bàn Đà Nẵng hoạt động thuận lợi hơn. TRONG ẢNH: Lớp bồi dưỡng chính trị dành cho đảng viên mới ở quận Liên Chiểu.
 
Theo ông Nguyễn Trọng Hùng, Trưởng ban Tổ chức Quận ủy Sơn Trà, theo quy định của Ban Bí thư cũng như trên thực tiễn, thì việc tồn tại Trung tâm là cần thiết, bởi các Trung tâm đang làm những phần việc mà nếu dồn vào đầu mối cấp thành phố thì sẽ không kham nổi, chất lượng bồi dưỡng vì thế sẽ giảm sút. Trên thực tế, cùng với việc thực hiện những nhiệm vụ như bồi dưỡng kết nạp Đảng, bồi dưỡng đảng viên mới, bồi dưỡng bí thư chi bộ và cấp ủy thì các Trung tâm còn đảm nhận việc bồi dưỡng chuyên đề, triển khai học tập, quán triệt nghị quyết, bồi dưỡng cho các hội, đoàn thể ở cơ sở, tổ chức thông tin thời sự...

“Vẫn cần có Trung tâm, tuy nhiên cần đưa hẳn về cho đầu mối sử dụng  biên chế quản lý, chỉ đạo hoạt động. Về công tác cán bộ, Phó Ban Tuyên giáo đảm trách chức vụ Giám đốc Trung tâm và cơ cấu vào cấp ủy; Ban Tuyên giáo chịu trách nhiệm chỉ đạo toàn bộ nội dung, chương trình, kế hoạch... hoạt động của Trung tâm”, ông Nguyễn Trọng Hùng kiến nghị.

Một phương án nữa mà Trưởng ban Tổ chức Quận ủy Sơn Trà đưa ra, đó là đưa Trung tâm về Ban Tuyên giáo (như trước đây) để tạo thuận lợi về tổ chức và triển khai hoạt động; vấn đề cơ bản là phân công nhiệm vụ trong Ban một cách hợp lý.

 
Trong năm 2010, Trung tâm Bồi dưỡng chính trị các quận, huyện đã mở 151 lớp bồi dưỡng chính trị, với tổng cộng 23.933 đối tượng; trong đó có 20 lớp với 2.865 học viên là đoàn viên, hội viên các hội, đoàn thể ở cơ sở.
 
(Nguồn: Ban Tuyên giáo Thành ủy Đà Nẵng)
Tuy nhiên, ở một góc nhìn khác, ông Hồ Văn Trung, Giám đốc Trung tâm quận Liên Chiểu thì có lập luận riêng của mình. Theo ông Trung, vấn đề là không phải Trung tâm thuộc ai thì hoạt động tốt hơn, bởi theo quy định, Trung tâm đã là một cơ quan thuộc khối Đảng, chỉ có kinh phí là cấp từ phía chính quyền. Điều ông Trung quan tâm nhất, chính là việc phải để Trung tâm hoạt động đúng nghĩa là đơn vị sự nghiệp theo quy định thì mọi việc thuận lợi và hiệu quả sẽ cao hơn. “Nếu cấp kinh phí hoạt động theo mô hình như hiện nay thì Trung tâm rất khó chủ động. Bên cạnh đó, để chủ động hơn trong tạo nguồn kinh phí hoạt động, nếu theo mô hình sự nghiệp, thì các Trung tâm cần có cơ sở vật chất, trang thiết bị cần thiết” - ông Hồ Văn Trung đề nghị.

Trước vấn đề có nên chuyển hẳn về một đầu mối (khối Đảng hoặc chính quyền) hay không, ông Hồ Văn Trung cho rằng, không nhất thiết phải chuyển hẳn về khối Đảng bởi việc cấp kinh phí hiện nay mặc dù không chủ động nhưng thuận lợi hơn. Nếu ở khối Đảng, thì phải làm rất nhiều thủ tục trong việc tiếp nhận và giải quyết kinh phí được cấp, trong khi Trung tâm có con dấu và tài khoản riêng nên việc cấp kinh phí từ phía chính quyền có thuận lợi hơn, dễ cân đối hoạt động và giảm bớt các khâu trung gian.

Cái lý của ông Hồ Văn Trung đưa ra, còn ở chỗ là trên thực tế, Trung tâm quận Liên Chiểu hoạt động khá linh hoạt và hiệu quả, tạo được uy tín đối với các đơn vị khác trên địa bàn. Các đơn vị như: Chi bộ Công ty Dây và cáp điện Tân Cường Thành, Đảng bộ Trường TH BCVT-CNTT II... đã phối hợp với Trung tâm tổ chức các lớp bồi dưỡng đối tượng Đảng; Trung tâm bổ sung, lồng ghép các chuyên đề phù hợp trong việc tổ chức bồi dưỡng chính trị cho các đối tượng... Riêng trong năm 2010, Trung tâm quận Liên Chiểu đã mở 31 lớp bồi dưỡng các loại (dẫn đầu về số lớp trên toàn thành phố) với hơn 4.300 học viên (đứng thứ hai sau huyện Hòa Vang).

Trước những vấn đề đặt ra với những ý kiến khác nhau đó, cần thiết có một kết luận sớm và xây dựng mô hình hợp lý nhằm tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, đưa các Trung tâm đi vào hoạt động nền nếp và đạt hiệu quả cao hơn.

Anh Quân
;
.
.
.
.
.