.

Phong sắc cho... hòn đá

.

Trong khu rừng cấm rậm rạp của làng Vân Dương (nay thuộc xã Hòa Liên, huyện Hòa Vang, thành phố Đà Nẵng) có một hòn đá nằm đó từ bao giờ không ai rõ. Đến thời Tự Đức (1848 - 1883) thì có những hiện tượng kỳ lạ xảy ra trong rừng khiến dân làng bắt đầu chú ý đến hòn đá.

 

Mô tả ảnh.
Miếu Bà ở gần hòn đá trong rừng Vân Dương xưa. (Ảnh: L.V.T)


Tương truyền rằng, nơi có hòn đá tự nhiên cây cối xanh tươi rậm rạp khác hẳn với chung quanh, thú vật không dám đến gần. Có người đàn bà lạ lịch thiệp, tuổi trung niên, mặc áo tứ thân, đội nón quai thao, khi ẩn khi hiện quanh đó.

 

Một hôm, ông Phạm Soạn người trong làng vác rựa đi tìm cục đá để lấy lửa bằng bùi nhùi theo kiểu xa xưa. Thấy ông không về ăn cơm trưa, người nhà đi tìm thì thấy ông đứng bất động như pho tượng, giơ cái rựa lên cao như định chém xuống hòn đá, hai mắt trợn tròn, miệng bị cấm khẩu. Người nhà về lấy hương lên van vái, một lát thì ông cử động bình thường, nhưng tinh thần vẫn còn hoảng loạn. Từ đó, không bao giờ ông dám đến đây đập đá nữa.

Bà Lê Thị Tiêm vô rừng quét lá khô. Trẻ chăn bò phát hiện thấy bà đứng bất động, khom lưng, cầm chổi quay ngược về phía hòn đá. Khi nghe tin dữ, người nhà đem hương đến thắp để cầu xin. Bà Tiêm đứng thẳng người lên, nói lắp bắp được vài tiếng nhưng bơ phờ như người chết đi sống lại.
Bà Trùm nhà ở gần rừng bị mất bốn quan tiền. Bà để tiền dưới giường, lấy cái nồi đất to úp lên. Tưởng là an toàn, không ngờ tiền biến mất, còn nguyên cái nồi đất. Bà Trùm la khóc om sòm, thầy bói, thầy giò quanh vùng đều bất lực. Một chiều, có người đàn bà lịch sự, mặc áo tứ thân, đội nón quai thao, bước vào trước sân nói với bà Trùm: “Con mi lấy tiền giấu ngoài đống rơm, nó đã tiêu hết một số”. Nói xong thì bà khách biến mất, có người thấy bà đi vào khu rừng nơi có hòn đá. Bà Trùm kiểm tra thì quả đúng như thế.

Còn nhiều chuyện lạ lùng khác nữa, nhiều đến nỗi dân làng xem như chuyện thường. Nhưng chuyện dưới đây được kể như một nét văn hóa tâm linh của làng quê xưa.

Ông Tú, con trai của Bá hộ Hai, hôm đó cưỡi ngựa từ Đà Nẵng về Vân Dương, khi đi qua khỏi làng Hòa Mỹ (thuộc phường Hòa Minh, quận Liên Chiểu ngày nay) thì thấy một phụ nữ đẹp mặc áo tứ thân, đội nón quai thao đang đi bộ sau lưng mình. Ngựa chạy nhanh hơn 3 cây số đến làng Thanh Vinh, ông Tú ngoảnh đầu lại vẫn thấy bà ấy đi bộ ngay phía sau. Về đến đầu làng An Ngãi Đông (Trại tạm giam Hòa Sơn bây giờ), ngựa rẽ tay phải, băng qua cụm rừng nhỏ đến nổng cát trắng rộng của làng Vân Dương. Ông Tú cảm thấy bớt hồi hộp, cho ngựa chạy chậm, nhưng khi quay đầu lại thì thấy bà ấy vẫn lẽo đẽo sau lưng mình. Ông hoảng sợ quá, nhắm mắt, cúi rạp mình xuống, thúc ngựa chạy nhanh thêm. Khi qua khỏi rừng cấm của làng, đến Vườn Hoang (nhà thờ họ Trương bây giờ) có nhà dân, ông cho dừng ngựa. Nhìn vào rừng rậm nơi có hòn đá, ông thấy bà thấp thoáng một lát rồi mất luôn chứ không đi theo mình nữa.

Sau chuyện đó, người dân trong làng nhất tâm đồng thuận lập miếu để thờ bà. Lúc đầu làm một cái nhà nhỏ bằng gỗ, mái lợp tranh bên cạnh hòn đá, gọi là “Am Bà”. Từ đó hương khói thường xuyên, nhiều người trong xóm, trong làng hay trong tổng đến chiêm bái, khẩn cầu.

Những hiện tượng linh thiêng huyền bí xảy ra tại Vân Dương kể trên đến tai quan chức cấp tổng, đến huyện, đến tỉnh, rồi ra đến kinh đô Huế. Thời phong kiến không cho đây là chuyện mê tín dị đoan, mà là vấn đề thời sự, chỉ cần cho người đến làm thí nghiệm vài lần, thấy có linh ứng thì được công nhận và được vua phong sắc. Trong bản sắc phong có câu: “Bổn xứ Thạch Tượng Thánh Phi tôn thần”. Vua cũng sắc chỉ cho làng lập miếu thờ Bà để thay cái am lợp bằng cỏ tranh. Từ đó, không ai còn thấy bà “mặc áo tứ thân, đội nón quai thao” đâu nữa.

Đến năm 1979, ngôi miếu hoành tráng nhất trong khu rừng cấm Vân Dương bị sập đổ hoàn toàn, tờ sắc vua phong cũng cùng chung số phận. Thời buổi khó khăn, dân làng chỉ biết dựng tạm lại miếu. Sắc phong tuy mất, nhưng trên bàn thờ còn được 2 chữ “Thạch Tượng” và trong văn bản còn lưu lại trong lễ cúng Kỳ yên hằng năm vẫn còn nhắc đến Bà: “Thạch Tượng Thánh Phi tôn thần”.

LÊ VĂN TẤT

;
.
.
.
.
.