.

Thạch thư- thú chơi tao nhã

.
Thạch thư – thư pháp viết trên đá đang trở thành thú chơi tao nhã của nhiều người. Nếu ai đã từng say mê những bức thư pháp viết trên giấy, tranh tre, gỗ thì chắc chắn sẽ ngạc nhiên, thích thú với những nét vẽ mềm mại uốn lượn trên những viên đá tưởng như vô hồn...

Viết để tìm ra chính mình

Mô tả ảnh.
 Nhà thư pháp Văn Chi đang phóng bút trên thạch thư.
Viết trên đá khó gấp nhiều lần so với viết trên các chất liệu khác vì bề mặt đá thô ráp và không bao giờ có khuôn mẫu nhất định. Để tạo ra những bức thạch thư lạ và ấn tượng, nghệ nhân thư pháp phải tìm những viên đá đẹp, hợp với nét vẽ mà đôi khi phải tìm kiếm rất công phu. Sau đó đá còn phải qua công đoạn tạo hình, xử lý tạo dáng đứng rồi mới vẽ hình và viết thư pháp lên. Cái khó nhất là làm sao để thể hiện bố cục của bức thạch thư cho hài hòa. Những nét chữ ghi dấu ấn lúc trọng (nét đậm), lúc khinh (nét nhẹ nhàng), chuyển tải cả tính cách và tình cảm của người viết, biến những viên đá bình thường trở nên sinh động và có hồn.

5 năm làm quen với thư pháp, anh Hồ Phước Trọng cũng có gần chừng đó năm mày mò viết thạch thư. Anh trân trọng những chữ mà mình học được bởi học cách sống qua con chữ là điều mà tất cả những ai học thư pháp muốn hướng đến. Viết chữ cũng là cách khám phá bản thân, tìm ra chính mình. Anh Trọng có được cái may mắn là thọ giáo và sống chung với nghệ nhân Hồ Công Khanh 4 năm, anh có thể nắm bắt được cái thần, cái ý của chữ thông qua những buổi trò chuyện cùng thầy. Đó là những lúc anh thử tưởng tượng ra cái chữ mình định viết, hình dung trong đầu cho đến lúc “chín muồi”, rồi phóng bút viết chữ, và “cái đẹp lúc đó mới giá trị bởi nó đẹp lung linh và qua những phút xuất thần đó, bạn có thể viết những bức thư pháp mà nếu mỗi ngày nhìn một kiểu, chính mình cảm nhận cái đẹp mỗi ngày một khác thì có thể gọi là đẹp, là thành công”, anh Trọng bộc bạch.

Ban đầu anh Trọng học viết thư pháp trên giấy, rồi anh bị những viên đá mê hoặc. Nhưng để viết được thạch thư, người viết phải đủ “lực” – tức tay viết đã rất thành thạo để dễ dàng phóng bút bởi viết thạch thư không có điểm tựa, một tay cầm đá, một tay viết; tâm cũng tĩnh hơn để không bị phân tán bởi bất kỳ điều gì, vì nếu viết sai thì viên đá không còn giá trị nếu đó là đá cứng. Với loại đá mềm đã có sẵn độ bóng hay sỏi thì không cần làm nhẵn, có thể viết được ngay nhưng cũng phải chọn câu viết phù hợp với màu sắc (đen, vàng, trắng) hay hình dáng của viên đá. Một bức thạch thư được xem là thành công nếu chữ và đá tương hỗ với nhau, đá đẹp thì câu chữ trên đá rất ấn tượng. Tùy theo hình dáng viên đá, thạch thư sẽ cho ra nhiều kiểu, hình hài khác nhau: có thể vẽ rồi mới viết, có thể dựa vào vân viên đá để thêm chữ vào hay đơn giản nếu viên đá đã quá đẹp, có những đường vân đẹp do tạo hóa ban tặng thì không cần thêm câu chữ vào nữa…

Đoàn Minh Châu là cô gái duy nhất ở trong nhóm thư pháp của anh Trọng có niềm đam mê giống anh. Cũng 5 năm theo đuổi thư pháp và thạch thư, niềm đam mê đá và chữ như ngấm vào máu cô gái chưa đến 30. Ngày nghỉ, cô xách ba-lô cùng anh em ngược núi, đến những bãi đá như Cầu Sụp, 7 ông già ở Hòa Phú, Hòa Bắc, Duy Xuyên, sông Vàng (Đông Giang), có khi lên tận Trà My, ngược ra A Lưới để tìm đá. Theo Châu, vẻ đẹp của đá là vẻ đẹp độc tôn do đất trời tạo ra, qua thư pháp tiếng Việt, Châu muốn cho viên đá đẹp hơn, có bố cục như một bức tranh. Châu chọn thư pháp tiếng Việt bởi nó là tiếng mẹ đẻ, dễ viết nhưng rất khó trình bày qua thư pháp, “thổi được cái hồn vào con chữ, truyền cho nó vẻ đẹp và tình cảm của mình rất khó nên khi viết ra được là như trải lòng với nó”, Châu tâm sự. Không dừng lại ở đó, Châu học thêm tiếng Hán để tìm hết vẻ đẹp của thư pháp tiếng Hán qua bàn tay rèn luyện của mình.

Muốn thư pháp tỏa sáng

Với mỗi người viết và chơi thư pháp, không ai tự bằng lòng với chính mình, phải luôn luôn sáng tạo, dù dưới hình ảnh con chữ giống nhau nhưng nếu không sáng tạo thì sẽ đứng lại và thụt lùi. Và bởi vật liệu chi phối cái thần của chữ, nên có nhiều con chữ lãng mạn, bay bổng và càng tỏa sáng trên những chất liệu mộc mạc. Tâm niệm như thế nên nhà thư pháp Văn Chi thử thổi hồn thư pháp vào những viên đá từ cách đây 20 năm.

Ông là một trong những người sáng lập thạch thư vào thời điểm đó. Ông bảo hồi đó tìm được bức thư pháp chữ khá hiếm hoi, nhưng thư pháp vẫn được thể hiện trên quạt, trên giấy, trên vải, trên đĩa sứ, nên một lần phóng bút vào đá, ông thấy nó rất đẹp. Và thế là tìm tòi, thử nghiệm và đá đã không phụ ông, nó cho người viết ngẫu hứng ở bất kỳ chỗ nào. Nhưng càng ngày, đá càng kén chọn nếu muốn có những bức thạch thư đẹp. Việc tìm đá, mài đá để theo ý cần sự chuyên tâm nhưng khi viết được bức thạch thư đẹp, chứng tỏ cái “nội công, cái tâm, cái nhẫn” của mình đã được rèn luyện đủ để phóng bút.

Thổi hồn cho con chữ đã khó, thổi hồn cho đá qua những con chữ càng khó hơn. Thư pháp tỏa sáng cho đá, đó là sự hòa quyện giữa cái đẹp của tạo hóa và cái đẹp do sự khổ luyện, cái tâm, cái ý mà thành. Người chơi thạch thư nói riêng cũng như thư pháp nói chung không muốn mình là mình, dừng lại một chỗ, mà muốn được đi tới để khám phá vẻ đẹp câu chữ, nên họ vẫn không ngừng rèn luyện, học tập, cất công tìm kiếm cái đẹp, trước hết là thỏa mãn thú vui, sau đó là để học, khám phá năng lực bản thân, muốn tự cân bằng cuộc sống và dâng hiến cái đẹp cho đời.

3 năm gần đây, tại quán cà-phê Sỏi Đá của anh Trúc trên đường 2-9, thường vào tuần trăng cuối cùng của năm, 10 anh em trong nhóm thư pháp của anh Trúc tổ chức trưng bày thạch thư và thư pháp, để giới thiệu quá trình sáng tác trong năm của mỗi người và mong muốn được học cái đẹp, cái tinh hoa qua bút lực của anh em đồng môn.

Hoàng Nhung
;
.
.
.
.
.