.

Ăn để... có thai!

.

“Ông bà mình ăn rau lang chấm mắm cái, đói lên đói xuống mà cứ đẻ xồn xồn. Thời chừ ăn uống thiếu thứ chi, răng đợi miết chẳng thấy em bé?”. Ăn gì để mau mau có thai? Đó là mối bận tâm của những gia đình hiếm muộn ngày nay.

Mô tả ảnh.
Tiếng cười trẻ thơ là niềm mong mỏi của mọi gia đình. Ảnh: Minh họa

“Có điều kiện, cứ ăn tới!”

 

Một kinh nghiệm là nếu thỏ thẻ học hỏi thực đơn của các cặp vợ chồng từng hiếm muộn, bạn phải chuẩn bị một tập giấy dày mới ghi hết thức ngon, bổ, rẻ và cả không rẻ họ từng ăn.

“Thả” 2 năm, vợ chồng chị K. vẫn chưa thấy động tĩnh. Suốt quãng thời gian đợi con với anh chị là một cuộc săn lùng những món ăn được dân gian truyền miệng có khả năng giúp chồng hoặc vợ “mạnh” hơn. Chị K. chia sẻ : “Với đàn ông, nhất thiết phải ăn ngọc dương và dái gà. Hai loại này cực kỳ hiệu quả, nhưng bây giờ ra chợ dễ mua phải đồ giả lắm nên tốt nhất là chạy vô Duy Xuyên, gần ngã ba Nam Phước mới có tiệm làm dê thiệt. Tiếp đó, chồng phải ăn hành, giá luộc chấm mắm rin trong mỗi bữa ăn; thêm nữa là cật, đuôi heo hầm. Với phụ nữ, không cần ăn nhiều như vậy nhưng phải có lươn và cá nhét. Riêng cá nhét, mua mỗi lần… 9 con mới hiệu nghiệm. Tóm lại, có điều kiện, cứ ăn tới”.

Ngoài ăn, vợ chồng chị còn chạy đôn chạy đáo tìm đồ… uống. Nghe khuyên rượu dê tốt cho phái mạnh, chị không ngần ngại bỏ ra 2 triệu đồng mua hũ bự giúp chồng tẩm bổ. Song song đó, hai anh chị vào Hội An mua thêm chai rượu 500ml với giá 50 nghìn đồng của một “thầy” rất mát tay. “Họ nấu rượu với bí quyết chi mình không rõ, nghe hay là uống thôi”, chị K. nói.

Giờ thì hạnh phúc cũng đến với anh chị, họ đã có bé gái kháu khỉnh gần 1 tuổi. Nhưng thực bụng, chị chẳng biết nhờ món gì hay nhờ phương pháp nào, bởi cả hai người đã ăn uống “tùm lum, tùm la”. Các cặp vợ chồng khác cũng không thua chị, kém anh khi sử dụng hàng loạt món “độc” thuộc tứ phương. Anh T., một người không rơi vào hoàn cảnh hiếm muộn vẫn thủ sẵn bài thuốc ngọc dương nhằm sẻ chia với những chàng kém may mắn hơn. Với nhiều cặp vợ chồng, trước khi tìm tới bác sĩ nhờ can thiệp chuyện hiếm muộn, họ gần như tự “chữa” bằng cách ăn uống, bởi cho đây là phương pháp vừa dễ dàng, vừa không bổ bề ngang cũng bổ bề dọc và nhất là rất kín đáo.

Ăn “quá” là sai

Theo các bác sĩ chuyên khoa hiếm muộn, chế độ ăn uống không phải nguyên nhân dẫn đến vô sinh, nhưng ăn uống đúng cách sẽ góp phần hỗ trợ một phần nào trong kết quả điều trị. Tại Tổng đài 1088 Đà Nẵng, một bác sĩ chuyên tư vấn sức khỏe sinh sản nói: “Đúng là ăn uống có tác dụng cải thiện tình trạng hiếm muộn. Nói chung, người khó có con thì phải làm đủ mọi cách để đạt hiệu quả”. Trong khi đó, ý kiến của các bác sĩ khoa Hiếm muộn và Hỗ trợ sinh sản Bệnh viện Phụ nữ và Trung tâm Sản-Nhi thành phố đều cho rằng ăn uống đóng một vai trò rất nhỏ trong hỗ trợ điều trị.

Bởi thực tế, người thành thị ăn uống có vẻ đủ đầy dinh dưỡng hơn nông thôn, nhưng tỷ lệ vô sinh ở khu vực phát triển lại cao hơn vùng còn lam lũ, nghèo khó. Dẫu vậy, suy dinh dưỡng cũng có thể là nguyên nhân cản trở khả năng có thai. Bữa ăn cần đầy đủ các thành phần như ngũ cốc, trái cây, rau, một lượng vừa đủ prôtêin, sữa, chất béo chưa bão hòa như dầu thực vật, dầu ôliu và các chất như kẽm (có trong thịt, hải sản), vi chất vitamin B6 (trong gia cầm như ngan, gà, vịt), vitamin E (trong các loại đậu), vitamin B12, vitamin C... Đồng thời, người muốn có thai cần tránh các chất kích thích như rượu, thuốc lá, chất gây nghiện…

Ở khía cạnh Đông y, Lương y Đa khoa Trần Hữu Nam, Phó Chủ tịch Hội Đông y thành phố cho biết: Theo dân gian, ăn gì bổ nấy có giá trị đúng một phần, với điều kiện người ăn phải biết cơ thể đang “hư” cái gì, cần tìm ra nguyên nhân dương kém hay âm kém. Nếu ăn chất bổ dương, trong khi dương đã ổn thì vô tình khiến tổn âm. Như vậy, bổ đâu không thấy lại thấy cái hại. Tốt nhất, người hiếm muộn phải tìm đến những nơi có chuyên môn để được tìm ra nguyên nhân trước khi tự chữa bằng ăn uống.

Theo sách xưa, hiếm muộn bị chi phối bởi hai yếu tố Tiên thiên (khí gia, huyết mẹ, ý nói do giống) và Hậu thiên (cách sống, chế độ ăn uống). Ngày nay, nhiều người bị bệnh “tư sản” bởi cuộc sống quá dư dả vật chất dẫn đến khó có con. Lương y Trần Hữu Nam cho rằng, trong xã hội hiện đại, nhiều người hiếm muộn bởi: “Thái lao, thái vật, tất tổn tinh thần – Quá bảo, quá sang, tất thương khí huyết” (Sống quá khổ, quá đầy đủ đều ảnh hưởng đến tinh thần - Ăn đồ quá quý, quá sang đều làm tổn hại đến khí huyết). Như vậy, ăn uống đủ chất là rất tốt, nhưng nhất thiết là ăn điều độ, dư quá cũng không được.

Với các trường hợp nghe bày vẽ “bá láp” dẫn đến ăn uống không đúng cách, phản tác dụng điều trị, Lương y Hữu Nam chia sẻ: “Rượu là một vị thuốc, trong điều kiện uống với lượng vừa phải. Tuy nhiên, một số loại rượu thuốc có tác dụng cường dương, hoàn toàn khác với kết quả mong muốn của điều trị hiếm muộn là cần chất sinh tinh”. Vậy, việc sử dụng rượu thuốc chữa vô sinh cần phải thật thận trọng.

Sống thiếu lành mạnh, môi trường độc hại ảnh hưởng đến hiếm muộn

Ngoài ăn uống đúng cách, một lối sống lành mạnh là yếu tố góp phần cải thiện tình trạng hiếm muộn. Những người đàn ông ăn chơi trác táng, tức không biết “tích khí” như vàng ngọc thì khó có con hoặc con cái sinh ra không bình thường.

Môi trường sống và làm việc cũng có thể là nguyên nhân dẫn đến hiếm muộn. Người thường xuyên ngâm mình trong bồn nước nóng hoặc tắm với nước nhiệt độ trên 37 độ C dễ làm giảm lượng tinh trùng. Áp lực công việc, cuộc sống, căng thẳng đầu óc gây ức chế ham muốn ở đàn ông và trứng không phát triển hoặc không rụng ở phụ nữ.

Nam giới làm những nghề thường xuyên tiếp xúc lâu dài với các kim loại chì, sắt, tiếng ồn, từ trường, sóng điện từ có thể làm “tinh binh” suy yếu, mất khả năng hoạt động và di chuyển. Làm việc trong môi trường có nhiệt độ cao, như thợ lò, hàn xì; môi trường độc hại (đặc biệt có chất hydrocarbons; cadmiume; bromopropane; chlofluorocarbon); nghề kim hoàn (trực tiếp phân kim, luyện vàng - asenic) đều khiến cho khả năng sinh tinh giảm. Điều này lý giải, với một số trường hợp, việc đeo nhẫn cưới (bằng vàng) thời gian dài có ảnh hưởng đến chất lượng sản sinh tinh trùng.

T.V (tổng hợp)

 

Hướng Dương

;
.
.
.
.
.