.

Hạnh phúc vô biên

.

Có lẽ không có bút mực nào nói hết giây phút hạnh phúc của những đôi vợ chồng được đón nhận đứa con xinh xắn, mạnh khỏe chào đời sau khi trải qua  một thời gian dài  chữa hiếm muộn 5 năm, 10 năm, và lâu hơn thế nữa.

 

Mô tả ảnh.
Sau những năm dài chờ đợi, vợ chồng chị D.H  ngập tràn hạnh phúc bên đứa con đầu lòng. (Ảnh do nhân vật cung cấp)

Nhưng, không hiểu vì sao, mỗi lần báo chí tiếp cận  đề tài này, rất nhiều ông bố, bà mẹ đã giấu đi những niềm vui mà bao người khao khát.  Khi vấn đề vô sinh hay hiếm muộn  không còn là của riêng vài gia đình nữa, chúng tôi luôn mong mỏi, có được nhiều thông tin để cùng sẻ chia, như sự chia sẻ trong bài viết này của những người phụ nữ đang sinh sống và làm việc tại Đà Nẵng.

 

Ngày xác định mình có thai, chị N.T.D.H như “người đi trên mây” với một cảm giác không trọng lượng, không cảm xúc. Hình như hạnh phúc quá đột ngột sau 5 năm dài chờ đợi khiến chị rơi vào trạng thái đó. Lúc đó chị D.H đã mang thai được 5 tuần tuổi, vẫn chưa tin tưởng lắm nên chị kiểm tra bằng que thử thai đến 3 lần, vẫn cho kết quả dương tính, chị quyết định gọi điện cho chồng đang đi công tác xa “anh ấy nửa tin nửa ngờ nhưng hứa sẽ về sớm”. Sau đó chị gọi điện cho ba mẹ, ông bà cũng vui không kém gì con gái.

Tiếp đó là 2 tuần để bác sĩ khám lại xác định tim thai và chị H. xem đó là khoảng thời gian tràn ngập tất cả những cảm xúc: chờ đợi, hồi hộp, hy vọng, thậm chí cả áp lực. Khi xác định em bé đã bắt đầu hình thành trong cơ thể mẹ, chị H. mới thở phào nhẹ nhõm. Chị nhớ lại thời điểm đó “Ba mua một đôi dép nhựa gửi từ quê ra, nhắc mình từ bây giờ phải đi dép nhựa nếu không dễ bị trượt ngã. Đến ngày khám thai định kỳ, chính ba nhắc thời gian đi khám, đến cuối ngày cũng chính ba gọi điện hỏi kết quả. Đến bây giờ khi em bé đã hơn 1 năm tuổi, ông ngoại cũng quý cháu nhất”, chị H. kể với giọng tràn đầy yêu kính về những người thân trong gia đình.

Với chị T.T.H, 20 năm lập gia đình là cũng chừng đó thời gian 2 vợ chồng chờ đợi những đứa con. Ai bảo uống thuốc gì chị uống thuốc đó, hết thuốc nam đến thuốc bắc, thuốc tây. Rồi cuối cùng chị quyết định vào Bệnh viện Phụ sản Từ Dũ, TP. Hồ Chí Minh.  Đi đến lần thứ hai, vợ chồng chị đã chữa thành công. Chị làm mẹ khi đã bước qua tuổi 46. Bây giờ hai cô con gái sinh đôi đã lên 10. Có lẽ chị H. là một trong những trường hợp lớn tuổi chữa hiếm muộn thành công, khi các bác sĩ đều đưa ra lời khuyên là nên chữa sớm, áp dụng các phương pháp kỹ thuật tiên tiến thì xác suất thành công mới cao.

Yếu tố tâm lý là vấn đề đặc biệt quan trọng với những cặp vợ chồng rơi vào cảnh hiếm muộn. “Không nên buồn, hãy cứ sống vui vẻ, lạc quan, yêu đời, nếu gặp phải chuyện buồn phải nhanh chóng bỏ qua và hãy tin tưởng, luôn luôn hy vọng mình sẽ có con”, chị D.H đưa ra lời khuyên. “Ngoài ra, với những người không sử dụng các phương pháp tránh thai, sau một năm mà chưa có thai thì nên thăm khám bác sĩ và nên chữa sớm, không nên để lâu”.

Với những gia đình tôi được tiếp xúc, tất cả người thân của gia đình hai bên cặp vợ chồng, đến những người bà con, bạn bè đều thể hiện niềm vui, niềm hạnh phúc khi con, cháu họ sau một thời gian đeo đuổi các phương pháp chữa hiếm muộn đã sinh được em bé.

Ông P.V.K ở quận Sơn Trà không giấu được niềm tự hào khi kể về cậu cháu trai yêu quý của mình. Vợ chồng người con trai của ông cưới nhau hơn 5 năm mới đi bệnh viện chữa hiếm muộn. Lần đầu không thành công, gần một năm rưỡi sau, hai người đến bệnh viện lần thứ hai và áp dụng phương pháp thụ tinh trong ống nghiệm (TTTON). Em bé khỏe mạnh ra đời trong sự chờ đợi của cả gia đình. Đến nay khi bé được hơn 3 tuổi, các con ông tiếp tục quay lại bệnh viện, tiếp tục sử dụng phương pháp TTTON cho đứa con thứ 2. Và theo ông K., từ ngày các con gặp chuyện khó khăn về sinh nở, ông tìm đọc rất nhiều tài liệu liên quan đến vấn đề hiếm muộn.

Theo ông, làm cha mẹ không nên ép con, gây áp lực cho các con vì “lâu rồi không có cháu”, mà nên cho con những lời khuyên hợp lý, động viên, làm chỗ dựa cho con bởi chính các con không nói ra nhưng phải âm thầm chịu đựng khi rơi vào trường hợp chậm con. “Đặc biệt trong gia đình, người cha cần phải bổ sung kiến thức, đưa ra sự lý giải vấn đề một cách tốt nhất để con cái, cha mẹ, anh chị em hiểu rõ nhau, không tạo áp lực cho nhau”, ông K. khuyên chân thành những gia đình rơi vào trường hợp như các con ông.

“Con cái như tài sản trời cho”. Những cặp vợ chồng sau một thời gian chữa trị, có con; những cặp vợ chồng đang áp dụng phương pháp chữa hiếm muộn và cả những người con cái đề huề đều buông một câu mang tính “tâm linh” như thế. Nhưng bên cạnh đó mỗi người phải có niềm tin, luôn nuôi hy vọng. Bạn gái của chị D.H. cũng gần 6 năm mới có con và hai vợ chồng đang chờ đón bé thứ hai. Con gái của bạn ông P.V.K cũng có hai đứa con sau 5 năm lập gia đình, em bé đầu tiên sinh bằng phương pháp TTTON, em bé thứ hai sinh theo đường tự nhiên. Và hàng nghìn cặp vợ chồng trong cả nước sau một thời gian chữa trị hiếm muộn đã đón nhận tin vui, niềm vui đó không còn là của một gia đình nữa, mà còn là của những bác sĩ, những người luôn mong khoa học mang đến niềm hạnh phúc cho con người.

Hoàng Nhung

;
.
.
.
.
.