.

Những đứa bé tạo nên điều kỳ diệu

.
Trên thế giới hiện mỗi năm có gần nửa triệu trường hợp thụ tinh trong ống nghiệm (TTTON) được thực hiện và hơn 100.000 em bé chào đời từ kỹ thuật này.

Mô tả ảnh.
Giáo sư Robert Edwards chụp hình chung với cô bé “ống nghiệm” Louise Brown và đứa con trai lúc 18 tháng tuổi của cô.
Đứa bé “ống nghiệm” đầu tiên thế giới

33 năm trước, một “điều kỳ dị” (theo đánh giá của giới khoa học và báo chí thời đó) đã xảy ra tại một bệnh viện nhỏ, miền Bắc nước Anh: Đứa bé “ống nghiệm” đầu tiên thế giới ra đời. Đó là Louise Brown, ngày sinh của cô, 25-7-1978, đã trở thành biểu tượng của niềm hy vọng của hàng triệu cặp vợ chồng hiếm muộn.

Louise sinh ra cân nặng 2,608 kg. Bốn năm sau, em gái của cô là Natalie Brown cũng được sinh ra bằng phương pháp TTTON và trở thành em bé thứ bốn mươi trên thế giới sinh ra nhờ kỹ thuật này.

Việc TTTON do Giáo sư Robert Edwards thực hiện và Bác sĩ Patrick Steptoe chọc hút trứng bằng kỹ thuật nội soi vào ngày 10-11-1977. Ê-kíp của họ đã phải làm việc, nghiên cứu đầy gian nan, vất vả trong một thời gian dài, dũng cảm vượt qua những thất bại ban đầu và những lời công kích nặng nề của báo giới, dư luận, tôn giáo và không ít nhà khoa học nổi tiếng thời đó trước khi thành công.

Tháng 5 năm 1999, Natalie Brown trở thành người đầu tiên được sinh ra bằng kỹ thuật TTTON và sinh con của chính mình một cách tự nhiên. Robert Edwards đã phát biểu sau điều kỳ diệu này: “Chúng ta đang chứng kiến thế hệ thứ hai của TTTON – khi mà những đứa trẻ TTTON ngày nào đang trở thành những ông bố và bà mẹ”.

Đến ngày nay, TTTON đã được công nhận và áp dụng trên toàn thế giới. Và vinh quang đã đến với Giáo sư Robert Edwards - cha đẻ của kỹ thuật TTTON, vào năm 2010, khi ông được trao Giải Nobel Sinh lý và Y khoa. Ông được xem là người cha tinh thần của hàng triệu em bé TTTON ngày nay.

Và Việt Nam

Tại Việt Nam, trường hợp TTTON đầu tiên được thực hiện vào tháng 8 năm 1997 tại Bệnh viện Phụ sản Từ Dũ do Bác sĩ Nguyễn Thị Ngọc Phượng chủ trì.

Lúc đó, trong khi thế giới không còn xa lạ gì với TTTON sau gần 20 năm kỹ thuật này ra đời và trở thành phương pháp điều trị phổ biến, thì tại Việt Nam sự ra đời của TTTON đã gặp không ít trở ngại từ dư luận trong và ngoài ngành Y tế. Tuy nhiên, sự dũng cảm và thái độ làm việc khoa học, nghiêm túc đã giúp bác sĩ Ngọc Phượng và cộng sự vượt qua khó khăn và thành công ngay những trường hợp đầu tiên thực hiện.

Ngày 30-4-1998, điều kỳ diệu đã đến: 3 em bé đầu tiên từ kỹ thuật TTTON đã chào đời. Trong lịch sử phát triển của kỹ thuật hỗ trợ sinh sản, có lẽ chưa nơi nào mà ngay những bước chập chững đầu tiên lại may mắn thành công với 3 trường hợp cùng một lúc! Cũng lúc đó, không ai nghĩ rằng chỉ 5 năm sau, ở Việt Nam đã có 5 trung tâm TTTON ra đời với hơn 1.000 em bé được sinh ra. Và đến giữa tháng 4-2011,  đã có hơn 9.000 trẻ ra đời tại 13 trung tâm hỗ trợ sinh sản của cả nước, trong đó có hơn 4 nghìn trẻ tại BV Từ Dũ TP. Hồ Chí Minh. Các chuyên gia TTTON của Úc, Pháp, Mỹ đánh giá TTTON ở nước ta, điển hình là BV Từ Dũ, đã đạt được bước tiến dài, ngang tầm các nước khu vực và thế giới.

Những đứa bé “ống nghiệm” đã tạo nên nhiều điều kỳ diệu mà kỳ diệu nhất là làm cho mái ấm gia đình của những cặp vợ chồng hiếm muộn tràn ngập tiếng cười con trẻ.

Lê Huỳnh (tổng hợp)
;
.
.
.
.
.