Lê Đình Lý (1790-1858) là vị tướng đầu tiên của triều Nguyễn đã hy sinh trong công cuộc chiến đấu chống quân Pháp xâm lược tại Việt Nam. Ông được vua cho khắc tên ghi công trên súng đồng “Thần uy Phục viễn Đại tướng quân”, cỗ thứ năm.
Đường Lê Đình Lý đoạn giáp với đường Nguyễn Hữu Thọ. Ảnh: Minh Trí |
Lê Đình Lý người huyện Phù Mỹ, tỉnh Bình Định. Xuất thân cảnh nhà nghèo, giỏi võ, 39 tuổi, ông đầu quân nhà Nguyễn, ban đầu được cử đến trấn Định Biên, sau đó là An Giang. Nhờ đánh dẹp được các cuộc nổi dậy ở các nơi ấy, ông được thăng Cai đội. 51 tuổi, ông thăng Vệ úy, được cử đi theo hai tướng là Phạm Văn Điển và Doãn Uẩn. Sau mấy lần đánh đuổi được quân Chân Lạp ở vùng biên giới Châu Đốc - Hà Tiên, ông được vua Thiệu Trị ban chức Lãnh binh và thưởng cho quân công một cấp. Bốn năm sau, ông được bổ làm Lãnh binh An Giang.
57 tuổi, do có công đánh dẹp Trấn Tây (vùng biên giới An Giang và Campuchia), ông được phong Đề đốc, tước Thắng công nam. Vua Thiệu Trị cho ghi công, khắc tên ông vào súng đồng “Thần uy Phục viễn Đại tướng quân”, cỗ thứ năm. 61 tuổi, ông được phong Thống chế, năm sau được bổ làm thự Hậu quân lĩnh chức Tổng đốc Định Tường. Năm ông 68 tuổi (Tự Đức thứ mười lăm - 1858), được thăng thự Đô thống phủ Chưởng phủ sự.
Ngày 1-9-1858, trung tướng hải quân Pháp Rigault de Genouilly chỉ huy liên quân Pháp – Y Pha Nho, cả thảy mười bốn chiếc tàu chở hơn ba ngàn quân của hai nước vào cửa Đà Nẵng, bắn phá các đồn lũy rồi lên hạ hai thành An Hải và Tôn Hải.
Triều đình cử Đào Trí cùng với Tổng đốc Nam Nghĩa là Trần Hoằng đem quân chống cự, song vừa đến nơi thì hai cánh hải thành đã bị Pháp chiếm. Lúc đó, nghe tin địch sắp đánh thẳng ra Huế, Triều đình tức tốc cử Lê Đình Lý, trên cương vị Tổng thống Tiễu bộ Quân vụ đại thần, đem hai ngàn cấm binh vào chống trả. Quân cấm binh được rèn luyện cẩn thận, song vũ khí quá thô sơ, khó đối địch với tàu sắt đạn đồng của quân xâm lược. Để tránh thất thế do bị sa vào hỏa lực quá mạnh của địch, Lê Đình Lý đã áp dụng lối đánh phục kích, du kích để cầm chân địch. Trong một trận phục kích ở Cẩm Lệ (nay là một quận của thành phố Đà Nẵng), mặc dù bên ta thắng thế, đánh lui được địch, song vì do Lê Đình Lý quả cảm xông lên dẫn đầu đoàn quân đuổi giặc nên vị tướng người Bình Định này đã bị trúng đạn.
Thể theo ý nguyện, ông được chuyển về chữa trị ở quê nhà, nhưng được vài hôm thì mất. Vua cho làm lễ táng rất trọng thể, như đoạn trích trong sách Đại Nam liệt truyện chính biên: “Đến khi chết được hậu cấp cho gấm vóc, bạc tiền và vua làm câu đối, văn tế ban cho; sai tỉnh thần sửa lễ tới tế điện, một tấm trung hồn, để thơm tờ điệp xưa, thực là đặc cách hơn cả mọi người”.
Năm Tự Đức thứ ba mươi hai (1878), ông được thờ trong đền Trung Nghĩa. Đó là ngôi đền được dựng năm Tự Đức thứ hai (1848) bên sông Hương, cạnh chùa Thiên Mụ ở Huế, thờ Thống chế Lê Mậu Cúc, Nguyễn Văn Thận, cùng 467 người có công phục vụ triều Nguyễn. Nay đền thuộc xã Hương Long, thành phố Huế, tỉnh Thừa Thiên - Huế.
Ghi nhớ công ơn vị tướng đã hy sinh trong trận đầu đánh Pháp tại Đà Nẵng, thành phố Đà Nẵng đã đặt tên ông cho con đường mới khai thông từ cuối năm 1996, dài 950m, lòng đường rộng 15m, lề mỗi bên rộng 5,5m; bắt đầu từ đường Nguyễn Văn Linh, nối từ đường Hàm Nghi đến giáp đường Nguyễn Hữu Thọ, theo Nghị quyết số 07-1998/NQ-HĐ ngày 2-7-1998 của HĐND thành phố Đà Nẵng khóa V, về đặt và đổi tên một số đường của Đà Nẵng.
LÊ GIA LỘC