Đà Nẵng hiện có 136 trường mầm non (MN), trong đó hơn một nửa là trường mầm non tư thục (MNTT). Đây là kết quả từ chủ trương của chính quyền các cấp và ngành GD&ĐT về khuyến khích phát triển loại hình giáo dục MN ngoài công lập.
Mẹ hiền – cô giáo là hình ảnh cao đẹp của trường MN ở Đà Nẵng nói chung, MN tư thục nói riêng. |
Cơ sở vật chất và đội ngũ nhân lực
“Lần đó, mẹ em đưa em đến chào cô giáo để chia tay, em chưa biết “chia tay” nghĩa là gì, chỉ thấy cô và mẹ mắt đỏ hoe. 15 năm rồi, giờ về lại trường thấy các cô xưa vẫn miệt mài chăm sóc, dạy dỗ trẻ như những người mẹ hiền. Em đã hiểu ý nghĩa thiêng liêng của hai từ chia tay, và nếu được quay lại ngày xưa, thế nào em cũng sẽ nghẹn lời cảm ơn các cô trong lúc mắt đỏ hoe như cô và mẹ”.
Lời tâm tình của em Lý Công Nhiên đại diện cho các bạn khóa đầu tiên của Trường MNTT Hồng Nhung, quận Thanh Khê, tại buổi lễ kỷ niệm 15 năm thành lập trường vừa qua đã làm mọi người xúc động. Nhiên hiện là sinh viên năm thứ nhất Trường Đại học Bách khoa Đà Nẵng, trường xưa giờ đã đổi thay nhưng với em, tấm lòng của các cô giáo thì vẫn như thuở ban đầu, tận tâm, nhiệt huyết.
Trường Hồng Nhung được thành lập ngày 1-6-1997, không lâu sau ngày thành phố Đà Nẵng trực thuộc Trung ương. Cũng như hầu hết các trường MNTT khác, khó khăn lớn nhất trong phát triển trường vẫn là mặt bằng. Lúc đó, nhà trường không thể mong đợi gì ở phụ huynh bởi phần lớn họ là gia đình lao động, buôn bán nhỏ ở khu dân cư Bàu Thạc Gián. Cô Hiệu trưởng Vương Thị Nguyệt cho biết, để có được cơ sở vật chất nhà trường khang trang như ngày hôm nay với mặt bằng 3.100m2, diện tích sử dụng 8.850m2, phải huy động mọi nguồn lực trong gia đình để mua từng ngôi nhà nhỏ của dân ở xung quanh với giá cao rồi ghép lại qua ba lần xây dựng.
Giữa cơ sở vật chất và đội ngũ nhân lực, nên ưu tiên chọn cái nào để phát triển trường? Hồng Nhung chọn cả hai, vì đối với trường MN, đó là biện pháp then chốt để quyết định chất lượng. “Nếu có cơ sở vật chất tốt mà không có đội ngũ xứng tầm để thực hiện các phương tiện giáo dục một cách có hiệu quả thì chắc chắn sẽ không có sản phẩm giáo dục có chất lượng” - cô Nguyệt khẳng định.
Toàn bộ giáo viên của Hồng Nhung hiện đã đạt trình độ trên chuẩn, có phẩm chất đạo đức, yêu nghề, mến trẻ. Cô giáo biết lắng nghe, gần gũi, yêu thương trẻ, được trẻ tin cậy và là tấm gương để trẻ noi theo. Điều đó đã góp phần quan trọng để thương hiệu Hồng Nhung bay xa và những học sinh cũ như em Nhiên mỗi khi nhắc đến “người mẹ thứ hai ở trường” lòng lại dấy lên niềm tự hào và lòng biết ơn.
Chất lượng làm nên thương hiệu
Hệ thống trường MNTT ở Đà Nẵng được biết đến từ năm 1990, đó là năm ra đời của Trường Đức Trí, quận Hải Châu, do Nhà giáo nhân dân Nguyễn Trọng Hoàng và các con thành lập với mong muốn xây dựng một môi trường giáo dục giúp các em phát triển toàn diện về Đức và Trí. Từ năm này, nhất là từ năm 2001 đến nay, các loại hình giáo dục MN ngoài công lập tại Đà Nẵng đã được chính quyền các cấp và ngành GD&ĐT khuyến khích phát triển.
Bà Huỳnh Thị Tam Thanh, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT thành phố Đà Nẵng cho rằng loại hình tư thục phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế-xã hội ở địa phương, phù hợp với chủ trương xã hội hóa giáo dục MN của Đảng và Nhà nước, đáp ứng nhu cầu gửi con của phụ huynh. Sở luôn quan tâm chỉ đạo công tác chuyên môn, tạo sự bình đẳng giữa các trường MNTT và công lập, tạo điều kiện giao lưu, học tập giữa các trường để giáo viên được trao đổi kinh nghiệm.
Nhờ đó, hệ thống MNTT của Đà Nẵng đã làm nên “dấu ấn” đối với ngành GD&ĐT cả nước. Năm 2003, Trường Đức Trí được Bộ GD&ĐT công nhận trường MNTT đầu tiên trong cả nước đạt chuẩn Quốc gia. Trường Hồng Nhung, năm 2005 được công nhận đạt chuẩn Quốc gia thì 5 năm sau được công nhận là trường MNTT đầu tiên trên cả nước đạt chuẩn Quốc gia mức độ II. Cả hai trường đều được tặng thưởng Huân chương Lao động hạng ba trong năm 2011. Cùng với đó, Trường MNTT Minh Đức, quận Hải Châu, được vinh dự ghi tên mình vào danh sách những trường đạt chuẩn Quốc gia mức độ I.
Khi được hỏi cái gì làm nên thương hiệu, hầu hết các trường đều trả lời: Chất lượng. Một khi sản phẩm giáo dục đáp ứng được yêu cầu của phụ huynh học sinh, của nhà trường phổ thông, chi phí phù hợp với mức sống của người dân thì tiếng tăm của trường sẽ vang xa và ngày càng có nhiều phụ huynh gửi con em đến học. 15 năm qua, các trường MNTT hàng đầu như thế đã góp phần tạo nên thương hiệu “Đà Nẵng, thành phố đáng sống”.
“Trong khi hệ thống trường công lập chưa thể đáp ứng nhu cầu gửi trẻ của nhân dân, các trường MNTT đã có sự đóng góp rất lớn trong việc huy động trẻ ra lớp, bảo đảm cho trẻ được tiếp cận chương trình giáo dục MN của Bộ GD&ĐT và góp phần tích cực vào việc triển khai thực hiện Đề án phổ cập giáo dục MN cho trẻ em 5 tuổi theo Quyết định 239/QĐ-TTg ngày 9-2-2010 của Thủ tướng Chính phủ”. Huỳnh Thị Tam Thanh, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT thành phố Đà Nẵng |
VĂN THÀNH LÊ