Khi được hỏi, tình trạng doanh nghiệp thuê đất các KCN ở Đà Nẵng nhưng không sản xuất hoặc sản xuất nhỏ giọt hiện nay ra sao và cách xử lý của thành phố đối với tình trạng này, ông Phạm Văn Thông, Chánh Văn phòng Ban Quản lý (BQL) các KCN và Chế xuất Đà Nẵng cho biết:
Trong 6 KCN ở Đà Nẵng, KCN Hòa Khánh hiện có nhiều dự án chậm triển khai nhất. |
“Thực hiện chủ trương của thành phố, BQL trực tiếp làm việc với từng doanh nghiệp (DN) cụ thể, DN nào đã xây dựng nhà xưởng và đang tổ chức sản xuất nhưng gặp khó khăn trong giai đoạn khủng hoảng, thiếu vốn, lãi vay cao, tiêu thụ sản phẩm hạn chế, sẽ báo cáo cụ thể UBND thành phố. Những DN nào thuê đất mà không xây dựng nhà xưởng để tổ chức sản xuất, BQL ra quyết định thu hồi diện tích đất cho thuê để bố trí cho DN khác thuê”.
Theo báo cáo hoạt động năm 2011 của BQL các KCN và Chế xuất Đà Nẵng, trong năm qua, đơn vị đã kiểm tra, theo dõi tình hình triển khai hoạt động của các DN tại các KCN, qua đó đã thu hồi, chấm dứt 9 dự án gồm 2 dự án có vốn đầu tư nước ngoài (do khủng hoảng không thể tiếp tục triển khai) và 7 dự án trong nước (do chủ đầu tư không thực hiện và chuyển nhượng dự án).
Trong năm qua, BQL cũng đã chấp nhận cho 12 trường hợp chuyển nhượng dự án/tài sản vì nhiều lý do, DN đã thuê đất nhưng không xây dựng nhà xưởng hoặc đã xây dựng nhà xưởng rồi nhưng không triển khai sản xuất. Ông Nguyễn Chiến Thắng, Trưởng phòng Kế hoạch (Công ty Phát triển và Khai thác hạ tầng KCN Đà Nẵng) đơn cử: Công ty Vietnamobile thuê 1,3ha đất ở lô E, đường số 7 và số 10, KCN Hòa Khánh, từ năm 2004, đã xây dựng nhà xưởng, tường rào cổng ngõ nhưng không tổ chức sản xuất. Năm 2011, DN này đã nhượng lại cho Công ty TNHH Hoso Việt Nam, một DN sản xuất sản phẩm gỗ công nghệ cao xuất khẩu.
Cũng từ nguyên nhân khó khăn nói trên, trong 3 năm qua đã có một số DN chây ỳ nộp tiền sử dụng đất. Về biện pháp tích cực nhằm chấm dứt tình trạng này, ông Thông cho biết: “BQL chỉ đạo Công ty Phát triển và khai thác hạ tầng KCN Đà Nẵng (chủ đầu tư KCN Hòa Khánh) tích cực triển khai thu tiền sử dụng đất, nhưng hiện vẫn còn một số DN chưa nộp tiền, lý do là DN di dời khi chỉnh trang đô thị được thành phố cho ưu đãi, có DN thì sản xuất kinh doanh gặp khó khăn nên chưa nộp tiền sử dụng đất”.
Cũng theo ông Thông, BQL đã báo cáo cụ thể tình trạng này và Văn phòng UBND thành phố có Thông báo số 201/TB-VP ngày 3-8-2011, trong đó có ghi: “Đối với các trường hợp thuê đất trong KCN mà không nộp tiền thuê đất theo hợp đồng thì Công ty Phát triển và khai thác hạ tầng KCN Đà Nẵng phải có văn bản đôn đốc, nhắc nhở. Sau 1 năm trễ hạn nộp tiền thuê đất, thì Công ty tiến hành khởi kiện vi phạm hợp đồng ra tòa án để xét xử”.
Bên cạnh đó, cũng phải tính đến chế độ ưu đãi đầu tư đối với một số DN. Ông Thái Bá Cảnh, Trưởng BQL các KCN và Chế xuất Đà Nẵng cho hay, trong năm qua, đơn vị đã báo cáo đề xuất UBND thành phố về miễn giảm tiền thuê đất đối với một số DN được hưởng chế độ ưu đãi đầu tư của Đà Nẵng, từng DN có một mức độ riêng tùy thuộc vào việc DN đó triển khai sản xuất được bao nhiêu phần trăm so với cam kết ban đầu khi được cấp phép đầu tư. Trong đó, có trường hợp đặc biệt không thu tiền thuê đất đối với Công ty TNHH Trung Dũng vì DN này phần bị thiệt hại nặng nề sau bão số 6 (Xangsane) năm 2006, phần nằm ngay dưới đường dây điện cao thế một thời gian dài không tổ chức sản xuất được.
Thời gian qua, một số dự án đầu tư trên địa bàn Đà Nẵng nói chung, các KCN nói riêng, đã kéo dài nhiều năm nhưng không triển khai, gây ảnh hưởng xấu đến môi trường đầu tư và kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của thành phố. Mới đây, ngày 2-3-2012, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị số 07/CT-TTg Về việc chấn chỉnh công tác quản lý và nâng cao hiệu quả hoạt động của các khu kinh tế, KCN, cụm công nghiệp. Theo đó, sẽ rà soát và có biện pháp xử lý đối với các dự án trong khu kinh tế, KCN, cụm công nghiệp không tuân thủ quy định, chậm triển khai tiến độ đầu tư.
Những việc làm này, theo nhận xét của ông Cảnh, sẽ góp phần tạo ra một môi trường đầu tư công bằng, thúc đẩy mạnh mẽ các nhà đầu tư đến với các KCN ở Đà Nẵng.
Đà Nẵng có 6 KCN (Đà Nẵng, Hòa Khánh, Hòa Khánh mở rộng, Liên Chiểu, Hòa Cầm và Dịch vụ thủy sản ĐN). Tổng diện tích 1.141,91 ha. Diện tích có thể cho thuê: 663 ha. Diện tích đất đã cho thuê: 576,5 ha. Diện tích đất trống còn lại chỉ có ở KCN Liên Chiểu, Hòa Khánh mở rộng và Hòa Cầm nhưng không nhiều; các KCN khác gần như đã được lấp đầy. Tình hình cung cấp điện, nước, thông tin liên lạc của các KCN đầy đủ. Tổng số dự án đầu tư vào các KCN: 334 |
LÊ HUỲNH