.
CHUYỆN XƯA XỨ QUẢNG

Di tích thời mở cõi

.

Trong cuộc Nam chinh vào tháng Giêng năm 1471, khi vua Lê Thánh Tông đến cửa biển Đà Nẵng thì xảy ra một sự cố đặc biệt: Cả hai đạo quân với hàng chục vạn người phải mỏi mắt trông chờ đoàn vận lương.

Di tích Miễu Một cây da quỳ. (Nguồn: Khu danh thắng Ngũ Hành Sơn)
Di tích Miễu Một cây da quỳ. (Nguồn: Khu danh thắng Ngũ Hành Sơn)

Nhà vua rất tức giận. Việc binh lương là vấn đề có ý nghĩa sống còn, quyết định cho chiến thuật đánh nhanh thắng nhanh của chiến dịch bình Chiêm. Nhà vua cũng không thể bỏ kinh đô quá lâu, dễ sinh biến, hậu quả rất khó lường, mặt khác nếu chậm một ngày tính bất ngờ và thần tốc của chiến dịch cũng dễ bị phá sản.

Cuộc Nam chinh đánh chiếm kinh đô Đồ Bàn lần này được xem là chiến dịch quân sự quan trọng nhất mà Lê Thánh Tông mạo hiểm thực hiện, vì vậy trước khi xuất quân nhà vua đã ban hành bộ quân pháp rất nghiêm. Cả hai đạo thủy bộ phải dừng lại trên địa bàn Đà Nẵng để chờ đợi trong lo lắng và căng thẳng. Hai ngày sau đoàn vận lương mới đến. Chấp hành theo quân pháp, được nhà vua cho phép, Hình khoa đã đưa viên chỉ huy đoàn vận lương ra bãi chém, một bãi cát nằm gần hợp lưu của Hàn giang (sông Hàn) và Lộ Cảnh giang (sông Cổ Cò) thuộc địa phận quận Ngũ Hành Sơn ngày nay.

Lúc này nhà vua còn đang neo thuyền Ngự trên Đồng Ô Long (cảng Tiên Sa). Khi sớ tâu việc hành hình đến nơi, nhà vua cảm nhận trong việc này có thể có oan khuất nên ra lệnh hoãn việc thi hành theo quân pháp... nhưng đã trễ. Người bị hành quyết lần này là Phi vận Tướng quân, Tán lý đội chuyển thâu, Tiến sĩ Nguyễn Phục.

Nguyễn Phục người làng Đoàn Tùng, huyện Gia Phúc (nay là xã Thanh Tùng, huyện Ninh Giang, tỉnh Hải Dương), đỗ Hoàng giáp khoa Quý Dậu (1453) niên hiệu Thái Hòa thứ mười một (1145), làm quan tới chức Chuyển vận sự, Hành khiển đạo Thanh Hoa (Thanh Hóa), khi Lê Thánh Tông chưa lên ngôi, ông từng là thầy dạy học cho vua. Khi lên ngôi, vua cử ông làm Chưởng viện Viện Hàn lâm. Ông đã ba lần đi sứ sang Trung Hoa, lần cuối khi trở về được bổ làm Đại lý tự khanh, thẩm xét việc kiện cáo trong nước, sau đó được cử làm Hữu tham nghị trông coi việc binh chính, rồi thăng làm Thiêm sự Đô chỉ huy sứ Vệ cẩm y  Ty thân quân. Con ông là Nguyễn Đạm cũng đỗ Hoàng giáp khoa Giáp Tuất niên hiệu Hồng Thuận thứ sáu (1514) đời Lê Dực Tông, làm quan đến chức Thừa chính sứ.

Việc Nguyễn Phục bị giết được Dương Văn An ghi lại trong Ô châu cận lục (Văn hóa Á châu xuất bản, Sài Gòn, 1961, tr.73) như sau:

“Hồi vua Lê đi đánh Chiêm Thành, ông phụng mệnh làm Phi vận Tướng quân Tán lý đội chuyển thâu. Thuyền đến cửa bể Tư Khách chợt gặp bão bể, lộ trình rất nguy hiểm. Mọi người sợ lương chậm thì bị tội, giục ông cứ lên đường. Ông nói: “Thà đem tấm thân bé nhỏ chịu hình phạt búa rìu chứ không nỡ đem lương thực chìm xuống biển, đưa bọn người vô tội mà làm mồi cho cá”. Nói xong mới quyết cho neo thuyền lương lại. Vì cớ chậm trễ như vậy nên quân lương bị thiếu thốn, vua Lê thấy vận lương sai nhật ký, nổi giận sai đem giam vào ngục. Bọn cung nhân và cận thần dèm với vua xin giết đi. Đến lúc vua sực giác ngộ ra liền tuyên chiếu tha tội cho ông, thì ông đã bị xử tử rồi. Sau đó thường hiển linh, nên dân địa phương lập đền thờ cúng”.

Đền thờ mà Dương Văn An đề cập ở trên có tên là đền Tùng Giang. “Đền thờ Tùng Giang tại cửa biển Tư Khách, huyện Tư Vinh, còn một đền ở cửa bể Đà Nẵng tỉnh Quảng Nam” (Sđd tr.73).

Theo Lê Duy Anh và Lê Hoàng Vinh (Lược sử Đà Nẵng 700 năm, NXB Đà Nẵng, 2006, tr.24) thì di tích đền Tùng Giang thờ Nguyễn Phục hiện nay vẫn còn ở phường Khuê Bắc, quận Ngũ Hành Sơn, thường được dân gian gọi là di tích Miễu Một cây da quỳ.

Cũng theo hai tác giả trên thì “sau cái chết oan nghiệt của ông, các thuộc hạ trong đoàn vận lương cũng tự sát theo và sự hiển linh cùng chính khí của ông khiến các làng Khuê Bắc, Khuê Tây, Khuê Nam, Khuê Trung, Hòa Đa, Bình Kỳ, Thị An, Tùng Lâm... đều tôn ông làm Thành hoàng của làng”. Một làng cổ nằm bên dòng sông Cổ Cò cũng được đặt tên có liên quan đến cái chết oan  khuất nhưng đầy nghĩa khí của Nguyễn Phục, đó là làng Trung Lương (nay thuộc phường Hòa Xuân, quận Cẩm Lệ, thành phố Đà Nẵng). Hai câu đối thờ ở đình làng còn lưu truyền đến ngày nay minh chứng cho điều đó: Lương thần chính khí phò nhật nguyệt/ Trung nghĩa đan tâm chiếu quân vương.

Như vậy, di tích Miễu Một cây da quỳ, ngôi mộ cổ ở làng Nam Ô (tương truyền là mộ một vị tướng của Trần Khắc Chung, người đã tình nguyện ở lại để chặn đường đuổi theo của quân Chiêm đòi Huyền Trân Công chúa), làng cổ Đà Sơn... là những di tích cổ xưa và vô cùng quý giá, ghi dấu thời mở cõi của tiền nhân trên vùng đất Đà Nẵng. Thiết nghĩ, cần một sự đánh giá đúng vai trò, ý nghĩa của các di tích này để bảo tồn, phát huy những giá trị lịch sử - văn hóa đang có nguy cơ mai một.

LÊ BÌNH TRỊ

;
.
.
.
.
.